Dịch vụ logistics còn yếu, Sơn La nên thay đổi tư duy làm nông sản

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 08/04/2022 11:03

Là vựa hoa quả lớn thứ 2 cả nước, tuy nhiên các vùng trồng nông sản tại Sơn La vẫn chưa được quy hoạch, hơn nữa còn thiếu nhiều hạ tầng, nhất là trung tâm logistics.

Là tỉnh có sản lượng cây ăn trái lớn nhất miền Bắc, tỉnh Sơn La có trên 80.500ha đất trồng cây ăn quả cho sản lượng trên 340.000 tấn quả các loại. Hiện 21 sản phẩm nông sản của Sơn La đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu.

Tuy nhiên, vì là tỉnh miền núi, khó khăn về giao thông nên dịch vụ logistics tại Sơn La còn nhiều hạn chế, thiếu những loại hình quan trọng mang tính cốt lõi.

Nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ dịch vụ này cho tỉnh, ngày 8/4, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức “Hội nghị định hướng phát triển logistics trong tiêu thụ nông sản tỉnh Sơn La”.

Dịch vụ logistics thiếu và yếu

Chia sẻ tại hội nghị, bà Đỗ Thị Bích Châu – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, hiện nay, một trong những ngành dịch vụ quan trọng tỉnh Sơn La đang thiếu và yếu, cần được thúc đẩy phát triển là ngành logistics.

Theo bà Châu, nhìn chung, các dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn. Chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hoá đơn lẻ hoặc dịch vụ cho thuê kho, bãi. Các dịch vụ như hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ,…) đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.

Cụ thể, bà Châu cho biết, hệ thống kho, bãi, nhà lạnh phục vụ cho mục đích tập kết, bảo quản hàng đã được đầu tư xây dựng, tuy nhiên mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán, phục vụ nhu cầu bảo quản, lưu trữ trong ngắn hạn của các hộ sản xuất, hợp tác xã.

Cả tỉnh Sơn La hiện chỉ có 30 kho lạnh với quy mô nhỏ (dung tích dưới 250 m3/kho), thực hiện bảo quản hàng hoá quả tươi, khoảng 2.500 cơ sở sấy quả tươi nhỏ lẻ với công suất 60.000 tấn quả tươi/niên vụ (chủ yếu là nhãn).

Về cơ sở đóng gói, đến tháng 3/2022, tỉnh có 25 cơ sở được cấp mã cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu Trung Quốc. “Phần lớn các cơ sở trên là các hợp tác xã sản xuất, tự đặt hàng nhập bao bì về tiến hành đóng gói sản phẩm thủ công, không phải các đơn vị logistics hay xuất nhập khẩu chuyên nghiệp”, bà cho hay.

Kinh tế vĩ mô - Dịch vụ logistics còn yếu, Sơn La nên thay đổi tư duy làm nông sản

Bà Đỗ Thị Bích Châu – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: Hữu Thắng).

Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có cơ sở chuyên sản xuất các vật liệu, sản phẩm phục vụ hoạt động bao trái, đóng gói, xuất khẩu, hầu hết phải nhập từ các cơ sở sản xuất ngoài tỉnh. Do đó, các chi phí có các công đoạn trên còn tương đối lớn chiếm 19-22% giá thành sản phẩm.

Nói về hoạt động vận chuyển và thông quan xuất khẩu nông sản hiện nay, bà Châu cho hay, sản phẩm nông sản trái cây của tỉnh Sơn La sau khi thu hoạch, phân loại, đóng gói được vận chuyển bằng đường bộ tới các điểm tiêu thụ, các chợ đầu mối tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ hoặc vận chuyển qua các cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu chủ yếu được thực hiện dưới hình thức trao đổi cư dân biên giới (xuất khẩu tiểu ngạch). Năm 2021, tỉnh xuất khẩu khoảng trên 14.300 tấn xoài, 3.900 tấn nhãn, 6.600 tấn chuối...chủ yếu trong đó sang thị trường Trung Quốc. Phương tiện vận chuyển nông sản là xe tải, xe container hoặc xe container lạnh (chỉ chiếm tỉ lệ thấp)... của doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh trực tiếp hoặc thuê đơn vị vận tải độc lập vận chuyển nông sản.

Thay đổi tư duy về phát triển logistics

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trên địa bàn tỉnh Sơn La có quy hoạch một trung tâm logistics tại khu vực cửa khẩu Lóng Sập, tuy nhiên chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Điều này do giá trị trao đổi hàng hoá qua biên giới chưa cao và đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn nhiều khó khăn.

Hơn nữa, số lượng doanh nghiệp sản xuất công nghiệp còn ít, quy mô doanh nghiệp nhỏ do dó, chưa thu hút các doanh nghiệp logistics lên đầu tư tại tỉnh Sơn La.

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh rằng, Sơn La là tỉnh miền núi, khó khăn về giao thông nên cần làm tốt logistics để vượt qua các hạn chế về điều kiện tự nhiên.

“Muốn thu hút vốn đầu tư xây dựng hạ tầng logistics đòi hỏi phải có những chính sách phù hợp và hiệu quả hơn trong bối cảnh khoa học công nghệ càng ngày phát triển. Điều này rất cần nhận thức đúng và rõ từ cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh cũng như của doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Kinh tế vĩ mô - Dịch vụ logistics còn yếu, Sơn La nên thay đổi tư duy làm nông sản (Hình 2).

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương (Ảnh: Hữu Thắng).

Bên cạnh đó, việc xác định lại vai trò của trung tâm logistics – điểm nối giữa các khẩu trong chuỗi logistics là rất cần thiết. Trung tâm logistics ngày nay không chỉ là nơi “dừng chân của hàng hoá giữa các chặng vận chuyển mà còn là nơi để hoàn thành các thủ tục giao nhận, xử lý, sơ chế, tạo nên giá trị gia tăng cho hàng hoá.

“Là vựa hoa quả lớn thứ 2 của cả nước, tuy nhiên để định hướng phát triển logistics thì trước tiên tỉnh Sơn La cần có giải pháp nâng cao chất lượng của hàng nông sản. Nên thay đổi tư duy làm nông sản hiện nay, thay vì chỉ nghĩ mọi việc đang tồn tại phát triển như thế này là tốt, vẫn tiêu thụ được hay xuất khẩu được 1 vài thị trường là tốt. Tất cả những tư duy này rất khó để thu hút đầu tư khi thực trạng logistics còn chưa thực sự phát triển”, đại diện Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Cần thiết nâng cấp hạ tầng giao thông

Đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sơn La, ông Lộc Mộc Triển – Giám đốc Công ty Nông nghiệp Chiềng Sung nhấn mạnh, dịch vụ logistics là một hoạt động thương mại, đóng một vai trò quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Gửi kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Sơn La, ông Triển đưa ra 2 kiến nghị, mong muốn tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông từ trung tâm xã đến các khu vùng trồng nguyên liệu tập trung và hệ thống đường nội đồng.

“Điều này nhằm giảm thời gian vận chuyển nông sản và hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm từ khi thu hoạch đến khi chế biến và tiêu thụ”, ông Triển nêu.

Kinh tế vĩ mô - Dịch vụ logistics còn yếu, Sơn La nên thay đổi tư duy làm nông sản (Hình 3).

Ông Lộc Mộc Triển – Giám đốc Công ty Nông nghiệp Chiềng Sung mong muốn tỉnh Sơn La tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông để thuận tiện cho vận chuyển nông sản (Ảnh: Hữu Thắng).

Trên thực tế, giao thông là huyết mạch nền kinh tế, là tiền đề để phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ nói chung và ngành logistics nói riêng.

Do đó, việc cần tiếp tục cải tạo và nâng cấp hạ tầng giao thông đường bộ, ưu tiên các tuyến trọng yếu, các tuyến đường dẫn tới các cửa khẩu, vùng nguyên liệu chính của tỉnh là hết sức cần thiết. Đẩy nhanh tiến độ việc đầu tư xây dựng tuyến Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu nhằm rút ngắn thời gian và chi phí vận tải hàng hóa.

Kiến nghị thứ 2, ông Triển mong được hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu nông sản về các thủ tục pháp lý giúp giảm thời gian thông quan và đảm bảo chất lượng nông sản khi xuất khẩu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.