Từ 7h30 tối, từng đoàn khách đã xếp hàng tại sảnh trung tâm bảo tồn rùa biển ở làng Ras Al Jinz để chờ đến lượt được xem một “kỳ quan”. Trong số 4/7 loài rùa trên thế giới có tại bờ biển ở Oman, nổi bật nhất là loài rùa xanh, một chủng rùa đang có nguy cơ tuyệt chủng và bờ biển này là nơi duy nhất trên thế giới loài rùa xanh vẫn về làm ổ, đẻ trứng mỗi đêm. Mỗi năm ở đây có khoảng 30.000 ổ, là ổ rùa đẻ lớn nhất thế giới.
Để xem rùa thật ngoài biển, chỉ có 2 khung giờ là 20h tối và 4h sáng. Du khách có thể quan sát rùa lên bờ, làm tổ, đẻ trứng, lấp ổ và cuối cùng trở lại biển khơi. Nếu may mắn, du khách còn được đón rùa con chui ra từ vỏ trứng.
Từng đoàn du khách được chia nhỏ, đi theo những người hướng dẫn. Trên bờ cát là vô số hố cát hằn sâu xuống khoảng nửa mét theo hình nón ngược. Đó là những ổ rùa đẻ, dấu vết còn lại của những cuộc vượt cạn nhọc nhằn.
Mỗi lần rùa đẻ từ 60 tới 140 trứng. Sau hai tháng được vùi dưới cát, những quả trứng này sẽ nở thành rùa con. Căn nhà nhỏ giản dị ven biển là nơi những người quản lý rùa ở đây làm việc. Rùa con bò lung tung được những người bản địa trân trọng nhặt lên để đưa vào chậu, tránh bị cán bởi bước chân du khách. Mỗi con bé chỉ bằng một phần tư bàn tay người.
Trong số 1.000 con rùa con sinh ra, chỉ có một vài con sẽ tồn tại được và trưởng thành. Tuổi thọ của rùa xanh khoảng 80 năm nhưng cơ hội sống hết tuổi thọ của rùa con ở đây chỉ vài phần nghìn. Ngay cả rùa trưởng thành cũng có thể bị cá mập ăn thịt.
Oman đưa ra những điều luật rất chặt chẽ để bảo vệ rùa trên vùng biển này. Không có bất kỳ một thiết bị ánh sáng nào được bật lên làm ảnh hưởng tới quá trình sinh sản của rùa. Đặc biệt nguy hiểm là ánh đèn flash máy ảnh vì chúng có thể làm mắt rùa bị mù. Du khách cũng được nhắc phải giữ trật tự và chỉ được đứng phía đuôi rùa để quan sát quá trình vượt cạn nhờ một ánh đèn pin.
Mỗi tour thăm rùa chỉ giới hạn từ 100 đến 120 du khách. Không ai được phép mang bất kỳ con rùa nào, một quả trứng nào ra khỏi bờ biển này. Bất kỳ ai vi phạm sẽ bị phạt 6 tháng tù và 500 ryan (khoảng 27,5 triệu đồng).
Khi quả trứng cuối cùng rơi xuống hố cát, rùa mẹ nhanh chóng dùng chân quạt đất để lấp lên cả trăm quả trứng con vừa lọt lòng rồi bò sang bên cạnh để đào một hố tương tự, đánh lạc hướng sự chú ý của các loài vật có khả năng phát hiện và tìm cách ăn những quả trứng con. Kết thúc công việc nhọc nhằn ấy, rùa mẹ trườn từ từ về phía biển cả.
Rùa biển chủ yếu sống ở đại dương trong suốt 150 triệu năm qua, chỉ làm ổ trên bờ trong một khoảng thời gian nhất định và sẽ quay lại chính nơi đó hai đến ba lần trong năm. Mùa cao điểm rùa đẻ là từ tháng 6 tới tháng 9 nhưng các ngày trong năm, du khách đều có thể quan sát những con rùa “vượt cạn” trên bờ biển hoang vắng này ở Oman. Xem rùa đẻ là một trải nghiệm độc nhất vô nhị, đặc trưng của du lịch Oman.
Theo VnExpress.net