Theo một cuộc khảo sát về tác động của đại dịch Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hôm thứ Hai (7/2), 2 năm kể từ khi đại dịch xuất hiện, sự gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản như chương trình tiêm chủng và việc điều trị các bệnh như AIDS đã được báo cáo ở 92% các quốc gia.
Khảo sát về tính liên tục của những dịch vụ y tế thiết yếu trong đại dịch Covid-19 được WHO thực hiện trên 129 quốc gia, từ tháng 11 đến tháng 12/2021. Dữ liệu từ các quốc gia cho biết tình hình y tế trong vòng 6 tháng trước khảo sát.
Cuộc khảo sát đánh giá dựa trên 66 dịch vụ y tế cốt lõi, với mục đích nhằm nắm bắt được những tác động của đại dịch Covid-19 đối với các dịch vụ y tế thiết yếu, những thách thức chính của quốc gia trong việc mở rộng khả năng tiếp cận các biện pháp phòng ngừa Covid-19, chiến lược của các quốc gia để duy trì việc cung cấp và đáp ứng dịch vụ trong hệ thống y tế trước những thách thức đó.
WHO chia sẻ: “Kết quả của cuộc khảo sát này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần hành động khẩn cấp để giải quyết những thách thức lớn trong hệ thống y tế, phục hồi các dịch vụ và giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19”.
Dịch vụ chăm sóc khẩn cấp, bao gồm xe cứu thương và dịch vụ ER (phòng cấp cứu) đã trở nên trầm trọng hơn, với 36% quốc gia báo cáo tình trạng gián đoạn. Con số này gia tăng từ mức 29% trong khảo sát hồi đầu năm 2021 và 21% trong cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 2020. Các phẫu thuật như thay khớp háng và thay khớp đầu gối đã bị gián đoạn ở 59% quốc gia.
Thời điểm WHO thực hiện khảo sát này là vào cuối năm 2021, trùng với thời điểm số trường hợp mắc Covid-19 ở nhiều quốc gia đang gia tăng chóng mặt. Nguyên nhân do sự xuất hiện của biến thể Covid-19 Omicron có khả năng lây truyền cao, gây nên sức ép đáng kể cho các cơ sở y tế.
Tuyên bố của WHO cho rằng quy mô của sự gián đoạn này là do "các vấn đề về hệ thống y tế đã tồn tại từ trước" cũng như nhu cầu chăm sóc sụt giảm.
Vấn đề về lực lượng lao động y tế là rào cản lớn nhất để quốc gia tiếp cận với các công cụ phòng ngừa Covid-19. Nguyên nhân có thể do nhân viên y tế đối mặt với tình trạng kiệt sức, bị mắc Covid-19 hoặc rời bỏ công việc. Những thách thức từ phía cầu đối với tiêm chủng Covid-19 là tâm lý e ngại vắc-xin, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả.
WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ các quốc gia giải quyết các khó khăn của hệ thống y tế, ưu tiên chuyển đổi sang hướng phục hồi, kết thúc giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19 và chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai.
Phạm Hà Thanh (theo Reuters, Reliefweb)