Biết điểm chuẩn, nhiều thí sinh "sốc", ngỡ ngàng
Ngày 16/9, sau khi các trường đại học công bố xong điểm trúng tuyển, N.H.N. (Thanh Hóa) suy sụp vì biết đã trượt toàn bộ 11 nguyện vọng mà mình đăng ký. Đạt tổng điểm 25,6, N. nhận thấy kết quả thi của mình không quá an toàn nếu đăng ký vào các trường top đầu.
Vì thế, ngoài 6 ngành của Trường đại học Ngoại thương và đại học Kinh tế Quốc dân, N. còn đăng ký thêm một số ngành của Trường đại học Thương Mại và Học viện Chính sách & Phát triển. Những ngành học này có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm N. đạt được 4 - 5 điểm.
“Em cứ nghĩ để một số ngành có điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn 4 – 5 điểm đã là an toàn cho bản thân, nhưng không thể ngờ, đến nguyện vọng thứ 11 em cũng không đạt được”, N. chia sẻ với VietNamNet.
Năm nay, các ngành của đại học Ngoại thương đều lấy điểm chuẩn không dưới 28; còn với Trường đại học Kinh tế Quốc dân, ngành thấp nhất cũng đã lấy tới 26,9 điểm (trung bình gần 9 điểm/ môn).
Hy vọng cuối cùng của N. là đỗ vào ngành Luật Kinh tế của Học viện Chính sách và Phát triển song năm nay ngành này cũng đã tăng tới 5 điểm (từ 21 điểm lên 26 điểm) khiến N. trượt toàn bộ nguyện vọng đã đăng ký.
Đạt tổng điểm 28,4 ở khối A00, Nguyễn Thị Trang (Nghệ An) nghĩ chắc chắn sẽ đỗ vào Trường đại học Ngoại thương vì đã đăng ký cả 3 nhóm ngành NTH01-02, NTH02 và NTH03.
Nhưng với điểm chuẩn năm nay, Trang chỉ đỗ suýt soát nhóm ngành có điểm chuẩn thấp nhất trong số các nguyện vọng là NTH03 (gồm ngành Kế toán và Tài chính - Ngân hàng – lấy 28,25 điểm).
“Em không nghĩ mình lại trúng tuyển trong tâm thế thót tim như vậy”, Trang nói đồng thời cho hay, một số người bạn của em dù đạt mức điểm 25 - 26 cũng bị trượt các nguyện vọng và khóc nức nở khi biết điểm chuẩn năm nay.
Thực tế, điểm trúng tuyển đợt 1 của nhiều trường đại học đã vượt ngoài dự đoán của nhiều người, nhất là ở các ngành xét tuyển khối thi có môn Tiếng Anh.
Năm 2021, đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là một trong những trường "nhảy vọt" về điểm trúng tuyển. Các ngành có điểm chuẩn tăng đều có tổ hợp xét tuyển liên quan Tiếng Anh như A01, D01, một số ngành thêm D15.
Trong đó, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, xét tuyển theo tổ hợp A00, A01, C00, D01, tăng đến 9 điểm, từ 16 điểm năm 2020 lên 25 điểm năm 2021. Ngành Marketing cũng có mức tăng tương đương, từ 17 lên 26 điểm. Tương tự, ngành Ngôn ngữ Anh tăng 9 điểm, từ 15 lên 24.
Bảy ngành khác tăng hơn 8 điểm là Quản trị Kinh doanh (tăng 8,75 điểm, từ 17 lên 25,75); Quản trị khách sạn (tăng 8,5 điểm, từ 16 lên 24,5); Kế toán, Quản trị Dịch vụ du lịch & lữ hành (tăng 8,25 điểm, từ 16 lên 24,25); Bất động sản (từ 15 lên 23 điểm); Luật, Công nghệ thông tin (16 lên 24 điểm).
Ngoài ra, năm ngoái, nếu chỉ tính các ngành đào tạo tại Hà Nội, tất cả ngành học đều lấy điểm chuẩn từ 17 trở xuống. Năm nay, 10/23 ngành có điểm trúng tuyển từ 23 trở lên và cả 10 ngành đều tăng từ 8 điểm trở lên so với năm ngoái.
Ở các ngành còn lại, tính cả phân hiệu Thanh Hóa, trừ ngành Quản lý đất đai lấy 19,5 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm 2020). Những ngành khác có điểm chuẩn 15, tương đương điểm trúng tuyển năm ngoái.
Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng nâng điểm trúng tuyển đối với thí sinh nam xét tuyển ngành Nghiệp vụ cảnh sát theo tổ hợp D01 lên mức cao so với năm ngoái.
Năm 2020, điểm chuẩn theo tổ hợp này đối với thí sinh nam là 19,61 điểm. Năm nay, điểm trúng tuyển có sự phân chia theo địa bàn. Trong đó, địa bàn một là 26,54 điểm, địa bàn hai là 26,39 điểm, địa bàn ba là 26,43 điểm, tức tăng 6,78-6,93 điểm.
Tương tự, tại ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm chuẩn khối D01 của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tăng gần 8 điểm, từ 16,7 (năm 2020) lên 23,95 điểm (năm 2021).
Trước sự “bùng nổ” điểm chuẩn của nhiều trường đại học, chị Ngô Hạnh (Nghệ An) cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT không nhiều tính phân hóa đã dẫn đến kết quả “đánh đồng” học sinh khá và giỏi, nhưng các trường lại lấy đó là căn cứ tuyển sinh: “Với một đề thi dễ, học sinh có sức học ngày thường làm được khoảng 8 điểm thì đi thi có thể đạt tới 9,8. Còn học sinh có sức học ngày thường làm được khoảng 9,8 điểm thì đề có dễ đi chăng nữa cũng chỉ có thể đạt tối đa 10 điểm, thậm chí đạt 9,8 nếu sơ suất trong quá trình làm một câu nào đó. Như vậy thử hỏi còn đâu là phân loại học sinh nữa”.
Còn chị Thùy Trâm (Hà Nội) nêu ý kiến: “Nếu đạt mỗi môn xấp xỉ 9 điểm mà vẫn trượt đại học chứng tỏ sự thiếu hợp lý của đề thi và thiếu sự cân nhắc của thí sinh khi đăng ký nguyện vọng”.
Ngoài ra, chị cũng cho rằng, với mức điểm chuẩn “cao chót vót” như hiện nay, sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh không có điểm cộng. Việc 30 điểm mới đỗ đại học cũng sẽ khiến nhiều học sinh không còn niềm tin để phấn đấu học hành.
Điểm chuẩn đại học cao, vì đâu?
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho hay, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường tăng “đột biến” như: Mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...
Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, ông Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.
Trong khi đó, thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên tại một trung tâm luyện thi ở Hà Nội, nhận định một trong những bất cập trong tuyển sinh từ điểm thi tốt nghiệp THPT là việc cào bằng điểm ở tất cả các tổ hợp xét tuyển.
“Tình trạng học sinh tranh cãi về sự công bằng giữa các khối thi đã diễn ra nhiều năm nhưng sự chênh lệch đó không quá lớn để tạo thành "cơn sốt" như năm nay. Năm ngoái, tiếng Anh là môn đội sổ về điểm thi nhưng năm nay đề môn tiếng Anh quá dễ khiến các bạn theo khối A00 hầu như không có cơ hội để cạnh tranh trong những ngành/trường lấy bằng điểm giữa các khối. Đặc biệt là các khối ngành Kinh tế, Công nghệ thông tin”, thầy Hà chia sẻ.
Cô Bùi Nguyễn Hương Giang, giáo viên trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định phổ điểm Tiếng Anh có hình dạng "bất thường" do đề có 80% câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, không phân hóa được học sinh khá, giỏi.
Tuy nhiên, phổ điểm có 2 đỉnh lại là điều cô Giang không đoán trước được. Theo cô Giang, đây là phổ điểm chưa từng có tiền lệ. Nhiều năm qua, phổ điểm môn Tiếng Anh luôn lệch trái. Nhưng năm nay, phổ điểm lại có hình dạng bất thường với 2 đỉnh. Đỉnh thứ nhất ở mức 4 điểm với 29.505 bài thi, chiếm 3,4%. Đỉnh thứ hai ở mức 9 điểm với 24.471 bài thi, chiếm 2,82%.
Sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT, cô Giang cho rằng đề thi, phổ điểm như năm nay khiến cánh cửa thi khối D của các thí sinh trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với học sinh khá, giỏi.
Cách giải quyết vấn đề này, theo thầy Đỗ Ngọc Hà là các trường cần phân tách các khối ra xét tuyển, thậm chí có chỉ tiêu ngay từ đầu cho các khối thi: “Bởi như vậy, nếu đề của khối này dễ hay khối kia khó cũng chẳng ảnh hưởng đến nhau trong quyền lợi của thí sinh. Việc phân tách khối như vậy cũng giúp chúng ta có thể nhìn được độ vênh của các khối để các năm sau đó ra đề cho phù hợp hơn”.
Phó Hiệu trưởng một trường đại học ở phía Bắc đánh giá, điểm chuẩn vào các trường năm nay cao hơn năm trước đến từ việc các trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học.
“Đề thi được xây dựng theo hướng tốt nghiệp THPT thì mức độ khó được tính toán như nhau, nhưng khi dùng xét tuyển đại học thì các em khu vực 3 lại không được ưu tiên. Nên như trước đây, đề thi THPT quốc gia có phân cấp câu trung bình, câu khó thì mới đảm bảo công bằng, còn 2 năm nay thì các học sinh khu vực này sẽ thiệt thòi. Chính điều này nảy sinh chuyện thí sinh 3 môn 30 điểm vẫn có thể trượt”, vị này nêu ý kiến và cho rằng khi có nhiều điểm cao thì tính cạnh tranh lại được quyết định ở điểm ưu tiên.
Minh Hoa (t/h theo VietNamNet, Zing)