Điểm danh các khối chính trị lớn trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu

Nguyễn Thị Minh Đức

Nguyễn Thị Minh Đức

Thứ 5, 30/05/2024 14:35

Là một trong những cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) được cho là sẽ chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang cánh hữu.

Hòa mình vào “năm bầu cử” 2024, hơn 400 triệu cử tri châu Âu ở 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bầu 720 nhà lập pháp cho Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới vào ngày 6-9/6.

Là một trong những cuộc bầu cử dân chủ lớn nhất thế giới, chỉ sau cuộc bầu cử ở Ấn Độ, cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) được cho là sẽ chứng kiến sự chuyển dịch đáng kể sang cánh hữu.

Các đảng cực hữu đang trỗi dậy khắp châu Âu, với việc nhận được sự ủng hộ từ các cử tri trẻ tuổi. Nhiều đảng có chương trình nghị sự chống người nhập cư thậm chí còn nhận được sự ủng hộ từ những cử tri trẻ lần đầu tiên tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.

Nhưng theo ông Josse de Voogd, một nhà nghiên cứu người Hà Lan, thực ra các cử tri trẻ trên khắp “lục địa già” đang hướng tới các đảng mới hơn, bao gồm các nền tảng cực hữu, trong khi nhiều đảng trung dung, lâu đời vẫn dựa vào sự ủng hộ từ các cử tri lớn tuổi.

Thế giới - Điểm danh các khối chính trị lớn trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu

Một biểu ngữ tại tòa nhà Nghị viện Châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: RTE

Chi phối cơ quan lập pháp của EU trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là 3 nhóm đa số gồm khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu, khối Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả và khối Phục hưng châu Âu (Renew Europe) theo chủ nghĩa tự do và trung dung.

Cùng nhau, những khối chính trị lớn nhất này chỉ đạo chính sách của EU, trong đó bao gồm Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal - EGD) và phản ứng của EU đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, đồng thời nắm giữ các vị trí lãnh đạo hàng đầu tại các tổ chức EU.

Ngoài ra, các khối theo đường lối cứng rắn và cực hữu cũng tỏ ra linh hoạt. Họ tập hợp lại, đổi tên và tái khởi động cho cuộc chạy đua căng thẳng sắp diễn ra.

Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP)

Khối EPP trung hữu là khối lớn nhất trong Nghị viện châu Âu (EP), với nòng cốt là các thành viên Đảng CDU của Đức, với một số ít thành viên của Ba Lan và Romania.

Trong 5 năm qua, khối này đã tạo dựng liên minh với khối Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả và khối Phục hưng châu Âu (Renew Europe) theo chủ nghĩa tự do và trung dung.

Họ nắm các chức vụ cấp cao và thúc đẩy thông qua các chính sách như Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD). Nhưng khối này cũng ngày càng trở nên “hoài nghi” hơn đối với các nỗ lực chuyển đổi xanh trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Thế giới - Điểm danh các khối chính trị lớn trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu (Hình 2).

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen là ứng cử viên hàng đầu của Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 6/2024. Ảnh: National News

Khối Liên minh Xã hội và Dân chủ (S&D)

Khối S&D trung tả là khối lớn thứ hai trong Nghị viện châu Âu, với số thành viên lớn nhất đến từ Đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.

S&D trở thành trung tâm của vụ bê bối vận động hành lang Qatargate vào cuối năm 2022 sau khi một số thành viên Nghị viện châu Âu (gọi là MEP) và nhân sự của khối này bị bắt giữ.

S&D cho biết ưu tiên của họ là chống lại tình trạng thất nghiệp và làm cho xã hội trở nên công bằng hơn.

Khối Phục hưng châu Âu (Renew Europe)

Khối Renew Europe trung dung là khối lớn thứ ba trong liên minh cầm quyền tại Nghị viện châu Âu, trong đó Đảng Phục hưng (Renaissance – RE) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò chủ đạo.

Đảng Renaissance theo đường lối trung dung của ông Macron được cho là sẽ bị Đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement National – RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen vượt qua trong cuộc bầu cử.

Liên minh Tự do châu Âu/Xanh (Greens/EFA)

Liên minh Greens/EFA, với Đảng Greens (Xanh) cánh tả của Đức là nòng cốt, có thể khẳng định thành công trong kỳ lập pháp vừa qua với việc Thỏa thuận Xanh châu Âu chống lại biến đổi khí hậu được thông qua, mặc dù liên minh này không nằm trong nhóm đa số.

Nhưng liên minh này được dự báo sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay, thậm chí để mất một số ghế, khi các cử tri thấy rõ hơn cái giá phải trả của quá trình chuyển đổi xanh.

Greens/EFA cho biết, 5 năm tới rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi nền kinh tế xanh của EU.

Thế giới - Điểm danh các khối chính trị lớn trước thềm bầu cử Nghị viện châu Âu (Hình 3).

Đảng Phục hưng (Renaissance – RE) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đóng vai trò chủ đạo trong khối Renew Europe trung dung, khối lớn thứ ba trong liên minh cầm quyền tại Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ 2019-2024. Ảnh: Getty Images

Nhóm The Left – GUE/NGL

Nhóm The Left – GUE/NGL cánh tả, bao gồm các MEP từ Đảng Nước Pháp bất khuất (La France Insoumise) của chính trị gia cực tả Jean-Luc Mélenchon, Đảng Podemos Unida của Tây Ban Nha và Đảng Die Linke của Đức.

Nhóm này ưu tiên quyền của người lao động và công bằng kinh tế, bình đẳng cho phụ nữ và người thiểu số. Một cuộc ly khai cánh tả mới ở Đức của cựu đồng chủ tịch Die Linke Sahra Wagenknecht đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng của khối chính trị này.

Nhóm Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR)

Từng là trụ sở của Đảng Bảo thủ của Anh trước Brexit, nhóm ECR cực hữu hiện do các thành viên của Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) hoài nghi châu Âu của Ba Lan chi phối.

Đảng Những người anh em Italy (Fratelli d’Italia – FdI) của Thủ tướng Italy Giorgia Meloni được cho là sẽ trở thành nòng cốt mới cho ECR sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm nay.

Vẫn có quan điểm cứng rắn về vấn đề người di cư và tin rằng EU đã đi quá xa, bà Meloni đã thể hiện sự sẵn sàng hợp tác nhiều hơn với những nhóm khác có cùng chí hướng trong EU. Điều này có nghĩa là ECR có thể đóng vai trò lớn hơn trong cơ quan lập pháp khóa mới.

Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID)

Giống như RN của Pháp, nhóm ID là nhóm cực hữu nhất trong nghị viện và dự kiến sẽ là một trong những nhóm giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu khi các cử tri thất vọng với cách xử lý cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, khủng hoảng năng lượng cũng như vấn đề di cư từ các đảng chính thống.

Tuy nhiên, ID đã trục xuất Đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) sau khi đảng cực hữu của Đức đối mặt một loạt các vụ bê bối.

Minh Đức (Theo Reuters, Politico EU)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.