Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ

Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 3, 27/08/2019 19:00

Liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố bắt giam 14 bị can. Trong các bị can có hai cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, một vụ trưởng và nhiều doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan.

Vì sao hàng loạt lãnh đạo MobiFone bị khởi tố trong thương vụ AVG?

Ông Lê Nam Trà - cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu Tổng giám đốc MobiFone

Tài chính - Ngân hàng - Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ

Ông Lê Nam Trà (Nguồn: Internet).

Ngày 10/7/2018, cơ quan điều tra bộ Công an ra lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Lê Nam Trà (SN 1961), nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên tổng công ty MobiFone, do có liên quan đến sai phạm trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần của công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG.

Ông Lê Nam Trà bị khởi tố về tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều Điều 220, Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Lê Nam Trà, từng đầu quân cho VNPT trong 6 năm trước khi chuyển sang Công ty Viễn thông Di động – VMS (tiền thân của MobiFone). Ông Lê Nam Trà đã có hơn 20 năm gắn bó cùng MobiFone trên nhiều cương vị khác nhau trước khi trở thành Tổng giám đốc, rồi Chủ tịch HĐTV của MobiFone. Song sau đó, sự nghiệp của ông Lê Nam Trà lại gặp nhiều sóng gió khi bị UBKT Trung ương kết luận có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong thương vụ MobiFone - AVG.

Ông Cao Duy Hải - cựu Tổng Giám đốc MobiFone và bà Phạm Thị Phương Anh - Phó Tổng Giám đốc MobiFone

Ngày 12/11/2018, bộ Công an cho biết, căn cứ vào kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan CSĐT bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam cũng như ra lệnh khám xét đối với ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh về tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3, Điều 220 BLHS năm 2015.

Được biết, ông Cao Duy Hải (SN 1961) từng tốt nghiệp đại học Kỹ thuật Quân sự và được cử đi tu nghiệp tại Đức. Sau đó, ông công tác tại các vị trí Giám đốc trung tâm MobiFone 1 và Phó Tổng Giám đốc MobiFone trước khi được điều động và bổ nhiệm giữ chức Giám đốc công ty VinaPhone vào tháng 7/2014, thay ông Lâm Hoàng Vinh nghỉ hưu theo chế độ.

Chưa đầy 1 năm sau, ông Hải được bổ nhiệm vào cương vị Tổng Giám đốc MobiFone thay ông Lê Nam Trà. Sau đó ông tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone. Tới ngày 21/8/2017, ông Cao Duy Hải đã bàn giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone cho ông Nguyễn Mạnh Thắng và quay trở lại nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc MobiFone.

Đến ngày 21/8/2018 - gần 3 tháng trước khi bị bắt, ông Cao Duy Hải nhận quyết định thôi giữ chức Tổng Giám đốc và thành viên Hội đồng thành viên của tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Tài chính - Ngân hàng - Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ (Hình 2).

Hai bị can: Cao Duy Hải (trái) và Phạm Thị Phương Anh (phải).

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Cao Duy Hải có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc tham mưu cho Hội đồng thành viên tổng công ty MobiFone trình bộ Thông tin và Truyền thông quyết định phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu AVG đồng thời đã trực tiếp ký nhiều văn bản liên quan đến dự án trái quy định. Từ những sai phạm trên đã làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và quá trình cổ phần hóa của MobiFone, đến uy tín của tổ chức Đảng và bộ Thông tin Truyền thông, gây bức xúc trong xã hội.

Về phía bà Phạm Thị Phương Anh, Phó Tổng Giám đốc tổng công ty Viễn thông Mobifone, vào tháng 8/2018, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương xác định, bà Phạm Thị Phương Anh thiếu trách nhiệm trong việc tham gia, trực tiếp đàm phán và chỉ đạo đàm phán với các cổ đông AVG; trực tiếp đàm phán, thoả thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG gây thiệt hại cho Mobifone; tham mưu cho bộ Thông tin Truyền thông và Mobifone sử dụng kết quả thẩm định giá của công ty AMAX; không kiểm tra tư cách pháp nhân của AVG, tính pháp lý của các cổ đông và cổ phần AVG.

Ông Nguyễn Văn Mạnh vai trò đồng phạm

Trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, Công ty AMAX là một trong bốn công ty được chọn để tư vấn định giá (công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS); Cty TNHH Hãng Kiểm toán AASC; Hà Nội Valu và AMAX).

Doanh nghiệp này được thành lập ngày 25/6/2010 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp phép, trụ sở chính tại 50-C9 đường 11, khu Miếu Nổi, P2, Q.Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.

Tài chính - Ngân hàng - Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ (Hình 3).

Giám đốc AMAX Võ Văn Mạnh (phải) và nhân viên đều bị bắt giam vì liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG.

Người đại diện pháp luật là Giám đốc Nguyễn Văn Mạnh (SN 1976) – người bị cơ quan CSĐT – Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, với vai trò đồng phạm với các bị can trong vụ án xảy ra tại MobiFone và các đơn vị liên quan. Đến năm 2015, Công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 3,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, AMAX tự giới thiệu là thuộc top 10 trong lĩnh vực thẩm định giá ở Việt Nam với loạt khách hàng lớn như Vietcombank, SCB, Tập đoàn Hoàn Cầu, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát... Ngoài trụ sở chính tại TP.HCM, AMAX còn đặt văn phòng đại diện ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Quảng Bình, Buôn Mê Thuột, Cà Mau.

Theo website của AMAX, công ty này cung cấp 8 đầu mục dịch vụ gồm: thẩm định giá; thẩm tra dự toán, quyết toán công trình; tư vấn dự án đầu tư; tư vấn đấu thầu; tư vấn doanh nghiệp; nghiên cứu thị trường và thăm dò dư luận…

Vào thời điểm năm 2015, AMAX mới đi vào hoạt động được vài năm, kinh nghiệm và năng lực trong thẩm định giá vẫn còn là “ẩn số” và đặc biệt ngành nghề hoạt động chẳng liên quan gì tới lĩnh vực truyền hình số nhưng không hiểu vì sao lại được MobiFone lựa chọn để định giá tài sản AVG.

Trong số bốn công ty tham gia định giá tài sản cho thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG thì AMAX là công ty đưa ra con số thẩm định thấp nhất là 16.565 tỷ đồng, trong đó giá trị tài sản hữu hình là 3.117 tỷ đồng, giá trị tài sản vô hình ngoài Bảng cân đối kế toán là 13.448 tỷ đồng. Sau đó, kết quả định giá của AMAX được MobiFone sử dụng để đàm phán mua 95% cổ phần AVG với số tiền 8.889 tỷ đồng.

Tuy nhiên, TTCP xác định, kết quả thẩm định giá của AMAX đưa ra là không có cơ sở. Công ty này đã sử dụng nguồn tài liệu bất hợp pháp trong quá trình định giá AVG. Mặt khác, MobiFone chỉ căn cứ vào báo giá thấp nhất trong các đơn vị tư vấn, không thực hiện theo quy trình chỉ định thầu, vi phạm quy định tại Điều 55 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Ông Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch AVG)

Tài chính - Ngân hàng - Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ (Hình 4).

Ông Phạm Nhật Vũ tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Bộ Công an).

Ngày 12/4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Phạm Nhật Vũ (47 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn cầu – AVG) để điều tra tội Đưa hối lộ, theo khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Việc ra quyết định tố tụng với ông Vũ nằm trong diễn biến điều tra mở rộng vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone và các đơn vị có liên quan.

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra bổ sung quyết định khởi tố bị can với hai cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cùng ông Cao Duy Hải (cựu tổng giám đốc MobiFone), Lê Nam Trà (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên, cựu tổng giám đốc MobiFone) về tội Nhận hối lộ, theo khoản 4 điều 354 Bộ luật Hình sự 2015.

Ông Phạm Nhật Vũ, từng sống, kinh doanh tại Đông Âu trước khi trở về Việt Nam từ đầu những năm 2000 và bắt đầu kinh doanh bất động sản với một số dự án tại Nha Trang, Khánh Hoà.

Từ năm 2004, ông bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu lĩnh vực truyền hình trả tiền. Năm 2008, Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng và phát sóng thử nghiệm từ tháng 11/2010. Một năm sau đó, AVG đưa vào khai thác thương mại.

Tháng 1/2016, MobiFone công bố mua 95% cổ phần của AVG. Thanh tra Chính phủ sau đó xác định việc mua bán này là vi phạm kinh tế rất nghiêm trọng. Dự án có tổng mức đầu tư là 8.900 tỷ đồng, tuy nhiên những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của MobiFone dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp này khoảng 7.006 tỷ đồng..

Khi ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, hoạt động kinh doanh của AVG vẫn "rất khó khăn", chứ không "khả quan" như MobiFone báo cáo. Tổng tài sản AVG là hơn 3.260 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là hơn 1.266 tỷ đồng và giá trị còn lại của tài sản cố định chỉ hơn 208 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến thời điểm thẩm định giá liên tục lỗ, số lỗ luỹ kế đến 31/3/2015 xấp xỉ 1.633 tỷ đồng (bằng 45% vốn điều lệ). AVG sử dụng vốn cho kinh doanh dịch vụ truyền hình chủ yếu là vốn vay và vốn chiếm dụng.

Ông Nguyễn Đăng Nguyên - phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone

Ngày 26/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an (C03) đã tiến hành khởi tố ông Nguyễn Đăng Nguyên, phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone (trước đây là Phó Tổng giám đốc trong giai đoạn MobiFone mua 95% cổ phần AVG).

Ngoài ra, C03 còn khởi tố thêm các bị can khác gồm: Nguyễn Bảo Long; Hồ Tuấn và Nguyễn Mạnh Hùng, đều là Phó Tổng giám đốc MobiFone; Phan Thị Hoa Mai, thành viên hội đồng thành viên của MobiFone.

Chiều tối cùng ngày, cơ quan tố tụng đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc của các bị can tại tòa nhà MobiFone trên đường Dương Đình Nghệ (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội).

Được biết, các quyết định và lệnh nêu trên đã được VKSND Tối cao phê chuẩn theo quy định của pháp luật.

Tài chính - Ngân hàng - Điểm danh hàng loạt đại gia bị khởi tố vì thương vụ MobiFone - AVG gần 8.900 tỷ (Hình 5).

Cơ quan tố tụng tiến hành khám xét nơi làm việc của các bị can tại trụ sở tòa nhà MobiFone nằm trên đường Dương Đình Nghệ.

Trước đó, ngày 22/8/2018, Chủ tịch HĐTV Tổng Cty Viễn thông MobiFone Nguyễn Mạnh Thắng ký quyết định số 1618/QĐ-HĐTV giao ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó tổng giám đốc MobiFone phụ trách chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty.

Quyết định nêu trên có hiệu lực kể từ ngày ký. Điều đáng nói, trước đó 1 tháng, ngày 27/7/2018, Ban thường vụ Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương đã quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đăng Nguyên, Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ, Phó tổng giám đốc MobiFone bằng hình thức khiển trách vì có vi phạm nghiêm trọng.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an vẫn đang tích cực điều tra, làm rõ các trường hợp liên quan đến đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG để xử lý theo quy định của pháp luật.

Quốc Tiệp

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.