Doanh nhân tuổi Dậu là những người sinh năm 1945, 1957, 1969, 1981... Họ là những người tài giỏi, chịu khó, có năng lực tổ chức cao, thẳng thắn, trung thực, làm việc có tính quyết đoán.
Người tuổi Dậu luôn được mọi người yêu mến. Trong lĩnh vực kinh doanh, họ là người quản lý có tài, biết cân đối giữa nhập và xuất hàng hoá, giữa thu và chi. Tuổi Dậu hợp với tuổi Tỵ, Sửu. Doanh nhân Dậu nữ là người thực tế, cần cù chăm chỉ, hay giúp đỡ người. Họ là người vợ đảm đang, mẹ hiền.
Về cuộc đời, tuổi Dậu thông minh, hiếu nghĩa, hiếu học, biết phân biệt phải trái. Có thuyết cho rằng, tuổi Dậu suốt đời có tài lộc.
Nhìn lại năm Đinh Dậu 2017, các doanh nhân tuổi Dậu cũng trải qua một năm thăng trầm. Người kinh doanh phất, tài sản tăng mạnh nhưng có người lại lao đao vì tài sản bốc hơi, công ty thua lỗ.
Chủ tịch tuổi Đinh Dậu của Vinasun vướng kiện tụng
Sinh năm 1957, nhưng ông Đặng Phước Thành - Chủ tịch Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - Mã: VNS) lại không hề có một năm suôn sẻ khi kinh doanh thụt lùi, doanh nghiệp vướng vào kiện tụng.
Ba năm trước, thị phần taxi truyền thống vẫn nằm trong tay ba "ông lớn" là Mai Linh, Vinasun, Taxigroup, sự xuất hiện của Uber, Grab đã xoay chuyển ván cờ này. Từ kẻ thống lĩnh thị phần taxi khu vực phía Nam, năm 2017 Vinasun đã phải cắt giảm đến hơn 10.000 nhân viên. Doanh thu giảm 35% còn 2.937 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế sụt 39% còn 190 tỷ đồng và còn thấp hơn năm 2012.
Grab, Uber đã khiến cuộc chơi thị phần taxi xáo trộn, có thời điểm tháng 10/2017 lái xe của Vinasun đã treo cả biểu ngữ phản đối Grab, Uber với nội dung "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật".
Grab, Uber lấn áp sân chơi của Vinasun khi ứng dụng đặt xe ngày càng phổ biến trong thời đại smartphone, đặc biệt là giá cước rẻ hơn nhiều so với taxi truyền thống.
Vinasun cũng đã cố gắng ra mắt ứng dụng đặt xe ngay năm 2015, nhưng dường như cơn bão khủng khiếp của Uber, Grab đã lấn át taxi truyền thống.
Tháng 4/2017, Vinasun đã kiện Grab vì cạnh tranh không lành mạnh và vụ kiện được xét xử ngày 6/2/2018 vừa qua. Vinasun yêu cầu Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 42 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm hai năm 2016, 2017. Tuy nhiên Grab đã đưa ra nhiều bằng chứng minh oan cho mình và phiên toà phải tạm dừng để thu thập thêm bằng chứng.
Chưa rõ kết quả vụ kiện tụng sẽ đi đến đâu nhưng trước mắt, ngoài đánh mất thị phần taxi, cổ đông Vinasun ngậm ngùi vì trái đắng cổ phiếu VSN giảm 50% từ đầu năm 2017 đến nay. Với việc sở hữu 16,9 triệu cổ phiếu, chiếm 24,92% vốn cổ phần, thì tài sản của ông Thành - cổ đông lớn nhất đã "bay hơi" khoảng 270 tỷ xuống còn 237 tỷ đồng.
Chủ tịch Dabaco đau đầu vì khủng hoảng giá heo
Cũng sinh năm 1957, nếu Chủ tịch Vinasun lao đao vì mất thị phần, kiện tụng thì ông Nguyễn Như So - Chủ tịch của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) cũng có một năm đau đầu vì khủng hoảng ngành chăn nuôi khi dư thừa thịt heo.
Có thời điểm giá heo hơi xuống thấp dưới 20.000 đồng/kg, mức thấp nhất tại Việt Nam kể từ trước đến nay. Người nông dân lao đao, khóc ròng vì tiền thu về không bù nổi giá vốn.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, giống gia súc gia cầm và chế biến thực phẩm thì Dabaco cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề từ cuộc khủng hoảng giá heo. Thậm chí vào quý II/2017, Dabaco còn ghi nhận khoản lỗ 33 tỷ đồng vì heo rớt giá, người chăn nuôi không dám tái đàn, Công ty chịu ảnh hưởng từ mảng thức ăn chăn nuôi cho đến con giống.
Sau quý II, giá heo hơi có xu hướng hồi phục, đến cuối năm 2017 dao động quanh 31.000 - 35.000 đồng/kg, nhưng vẫn thấp hơn so với thời kỳ chưa rớt giá khoảng 50.000 - 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên đà phục hồi của giá heo cũng giúp Công ty đỡ lao đao trong hai quý cuối 2017.
Cả năm 2017, Dabaco đạt 5.855 tỷ đồng doanh thu thuần, 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; giảm lần lượt 6% và 56% so với cùng kỳ và chỉ thực hiện được khoảng 62 - 63% kế hoạch năm.
Khi thời kỳ khủng hoảng, Hội đồng quản trị đã quyết định bán 50% cổ phần Công ty TNHH chế biến thực phẩm Dabaco cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido và 5% cho ông Nguyễn Như So. Với việc sở hữu hơn 15,1 triệu cổ phiếu DBC, chiếm 18,27% vốn, ước tính tài sản ông Nguyễn Như So giảm khoảng trên 100 tỷ đồng và chốt ngày 9/2 ở mức 412 tỷ đồng.
PNJ "kém vui" khi dính dáng đến DongA Bank
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh ngày 8/10/1957. Năm nay tròn 60 tuổi, bà vẫn đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc tại Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ.
Nhắc đến vàng bạc đá quý, người ta nhắc ngay đến PNJ và nhắc đến PNJ là nhắc đến bà Ngọc Dung. Hình ảnh của bà không chỉ là linh hồn của một trong những doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý lớn nhất Việt Nam mà còn là đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân bản lĩnh, quyền lực mà vẫn đầy nữ tính.
Năm 2015, bà gặp sóng gió khi Ngân hàng Nhà nước đặt DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 8/2015. Hơn 1 năm trước, một số lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Đông Á đã bị đình chỉ chức vụ và kể từ đó ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Tuy nhiên kết quả tái cơ cấu và khả năng thay đổi sở hữu tại Ngân hàng Đông Á vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp. PNJ là cổ đông lớn tại ngân hàng này và đã phải chịu thiệt hại.
Từ khi Ngân hàng Đông Á bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt ít nhiều đã ảnh hưởng tới các cổ đông, bởi cổ phiếu của ngân hàng không còn sinh lời, cũng không mua bán chuyển nhượng được.
Thu Hà (t/h)