Mike Tyson
Sinh sống ở khu ổ chuột chắc chắn không phải môi trường lý tưởng để những đứa trẻ có thể phát triển với điều kiện tốt nhất. Trong gia cảnh mà những điều xung quanh chỉ toàn bạo lực, lừa đảo và tội phạm nhan nhản, Mike Tyson đã không có được cuộc sống bình thường như nhiều đứa trẻ khác.
Cuộc sống không hề hạnh phúc, hay nói đúng hơn là giống như một địa ngục đã hình thành nên tính cách hoang đàng, bất cần của Mike Tyson trong những năm tháng tuổi trẻ và khi ở đỉnh cao sự nghiệp. Cũng bởi xuất phát điểm như vậy mà Mike trở nên lỳ lợm và không hề biết sợ hãi.
Vào năm 1984, khi 18 tuổi thì Mike trở thành võ sĩ hàng đầu trong làng quyền Anh thế giới. Những đối thủ như Hector Mercede, James Tillis hay David Jaco, khi chạm trán Mike đều bị "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn".
Đến năm Mike 20 tuổi, chính xác hơn là vào ngày 22/11/1986, Mike ghi dấu ấn đậm nét khi trở thành nhà vô địch quyền Anh hạng nặng trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Oái oăm thay, từ mốc son này, cuộc đời và sự nghiệp của Mike lại không lưu giữ được nhiều hào quang, bởi thói ăn chơi trác táng của ông.
Ở thời điểm đỉnh cao, Mike có thu nhập tới hàng triệu USD mỗi tháng. Ông bầu Don King đã sắp xếp để Mike và bản thân ông ta kiếm được rất nhiều tiền. Mike chỉ biết lên sàn thi đấu, còn tiền thì ông chỉ biết là nhiều, chứ cụ thể bao nhiêu không phải vấn đề đáng quan tâm.
Không kiểm soát được tiền, lại muốn hưởng thụ như để tự bù đắp lại tuổi thơ khốn khó, Mike bắt đầu "đốt" gia sản.
Ông mua một loạt xe siêu sang như Viper, Spyder, Ferrari, Lamborghini, sống trong một biệt thự rộng tới 24.000m2 tại Los Angeles. Thậm chí, để tăng cường độ oai, Mike nuôi hẳn 3 con hổ trắng và coi đó như... thú cưng.
Hưởng thụ như vậy có lẽ chưa đủ, Mike đồng thời bổ sung 2 thứ "gia vị" rất nguy hiểm vào cuộc đời mình là phụ nữ và ma túy. Cuộc đời ông cũng xuống dốc và sự nghiệp tiêu tan bắt đầu từ đó.
Vốn từng có thời cặp kè với cựu siêu mẫu Naomi Campbell, nhưng Mike rồi cũng đánh mất tất cả vì tính cách lăng nhăng của mình.
Năm 1991, khi mới ở 25, Mike Tyson bị hoa hậu Desiree Washington tố cáo đã hiếp dâm cô trong một căn phòng khách sạn Indianapolis. Ông bị kết án 6 năm tù và thậm chí, bị cấm luôn chuyện thăm nom khi thường xuyên gạ gẫm những cô gái vào thăm chuyện tình dục.
Năm 1997, ông ra tù, ông trở lại sàn đấu nhưng tính cách hung hãn, bạo lực tiếp tục khiến Mike Tyson bị chỉ trích thậm tệ. Đỉnh điểm là ở trận đấu với võ sĩ Evander Holyfield, khi Mike đã cắn đứt tai của đối thủ.
Dính bê bối tình dục và khó khăn đẩy Mike vào con đường nghiện ngập. Có thời điểm, ông bị bác sĩ chẩn đoán mắc chứng trầm cảm kinh niên. Chơi nhiều trong khi danh tiếng đã tiêu tan, Mike cuối cùng phải tuyên bố phá sản.
Chia sẻ về cuộc sống sau những sóng gió đã qua, Mike Tyson tâm sự: "Tôi phá sản thật, nhưng tôi có nhiều niềm vui. Tôi không xứng đáng có được một người vợ tốt như tôi đang có, tôi không xứng đáng có được những đứa con đáng yêu như tôi đang có, nhưng tôi lại thật sự đang có những điều đó, và tôi rất biết ơn cuộc sống".
Tay đấm tiền tỷ Mayweather
Trong suốt sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp của mình, "thất bại" là khái niệm mà Mayweather chưa bao giờ trải qua. Mayweather đã thượng đài tổng cộng 50 trận và thắng tuyệt đối, trong đó có 27 lần hạ knock-out đối phương.
Mayweather sinh năm 1977, sống tại khu phố Hiram Square ở New Brunswick, New Jersey, Mỹ thuở trong điều kiện được chính anh nhớ lại là "rất nhiều lần không có điện. Mọi thứ đều cực kỳ khó khăn và mọi người phải lao động cật lực để có thức ăn".
Thậm chí, những điều tồi tệ nhất của cuộc sống được Mayweather ví như "địa ngục" đã sớm xảy ra khi anh còn là một cậu nhóc. Mẹ Mayweather nghiện ma túy, còn em gái anh thì chết vì AIDS do sử dụng ma túy khi cả hai chớm tuổi thanh niên.
Để cho mọi thứ trở nên phức tạp hơn, bố Mayweather đi buôn bán ma túy. Điều được coi là "tích cực" nhất trong chuỗi ngày đen tối này là bố anh tâm sự: "Đôi khi tôi cố gắng dành dụm tiền từ việc bán ma túy để chia cho con trai một phần, mua những bộ quần áo đẹp nhất cho nó".
Mayweather không phải ngẫu nhiên được gọi là "độc cô cầu bại". Việc giành chiến thắng ở mọi trận đấu khiến tên tuổi anh lên như diều gặp gió. Vô số giải thưởng, danh hiệu cá nhân đã thuộc về Mayweather.
Bên cạnh đó, anh còn nhiều lần được bình chọn các danh hiệu cá nhân bởi các tổ chức uy tín như: 2 lần đạt danh hiệu Fighter of the Year của tạp chí The Ring (tạp chí chuyên về quyền anh được thành lập từ năm 1922) vào những năm 1998 và 2007, 3 lần đạt danh hiệu Fighter of the Year của Hiệp hội nhà báo Quyền anh Mỹ (vào năm 2007, 2013 và 2015), 6 lần đạt danh hiệu Best Fighter ESPY Award của đài ESPN (2007-2010, 2012-2014). Trong năm 2016, Mayweather được ESPN xếp hạng tay đấm vĩ đại nhất, đứng đầu bảng xếp hạng pound-for-pound trong vòng 25 năm trở lại đây.
Vinh quang tất nhiên phải đi cùng sự giàu có sau mỗi trận đấu lớn của Mayweather. Theo thống kê của Forbes, trong suốt sự nghiệp của mình, Mayweather đã có thu nhập lên tới hơn 1 tỷ USD. Và chính từ việc có quá nhiều tiền, Mayweather đã liên tục thể hiện phẩm chất chơi ngông của mình.
Đã rất nhiều lần, sau khi giành chiến thắng và thu về những khoản tiền cực lớn, Mayweather đã quy đổi ra những tờ 100 USD, rải khắp nơi trong phòng, xếp chất chồng thành đúng một "núi tiền" rồi nằm ra chụp ảnh tự sướng để khoe cho oai. Biệt danh "Money Man" trong đời thường mà Mayweather được truyền thông đặt cho có lẽ cũng xuất phát từ thói khoe của này.
Ngoài ra, cũng vì thú vui khoe của cải không giống ai, Mayweather sẵn sàng làm những điều mà các tỷ phú USD khác trên thế giới chưa chắc đã dám thực hiện. Chẳng hạn, Mayweather thể hiện "tình yêu với âm nhạc" bằng cách chi 50.000 USD chỉ để mua vỏ trang trí cho chiếc iPod của mình.
Để mọi người "ngưỡng mộ" mỗi khi di chuyển, Mayweather đã mua chiếc xe Kornigsegg CCXR Trevit với giá lên tới 4,8 triệu USD. Chiếc xe này thuộc dạng "không đụng hàng" so với bất cứ ai trên thế giới.
Còn rất nhiều câu chuyện khác được thêu dệt về thói quen vung tay quá trán và khoe khoang hợm hĩnh của Mayweather. Chính vì vậy, gần đây, có chuyện tay đấm đã giải nghệ 4 lần này được cho rằng hiện không còn tiền và phải mang cả... tiền giả đi để ăn chơi theo kiểu "tỏ ra nguy hiểm". Tất nhiên, đây chưa phải thông tin được kiểm chứng đầy đủ về độ chính xác bởi muốn "đốt" hơn 1 tỷ USD, Mayweather dù thích khoe đến mấy cũng không phải cứ vung tay là trở nên khánh kiệt một cách dễ dàng.
Hatton "Hitman" nổi tiếng về... hít ma túy
Trong sự nghiệp thi đấu, Hatton đã từng giành được vô số vinh quang. Chỉ cần tìm sơ trên internet, bất cứ ai yêu thích quyền Anh cũng nhận ra được đẳng cấp của Hatton thời anh này còn chơi đấm bốc đỉnh cao.
Ricky Hatton sinh năm 1978, biệt danh "Hitman", là tay đấm nổi tiếng bậc nhất trên võ đài quyền Anh của nước Anh và thế giới. Hitman từng thống lĩnh các đai WBA, IBF, IBO, WBU hạng bán trung. Vì những cống hiến cho làng thể thao nước Anh, Hatton từng được Nữ hoàng Anh phong tước MBE (Thành viên Đế chế Anh).
Nhưng Hatton cũng rất tai tiếng về sự nghiện ngập. Anh này có một người bạn rất thân là siêu sao bóng đá Wayne Rooney. Theo rất nhiều nguồn tin từ truyền thông đến những ai hiểu rõ tính cách của Hatton, tay đấm nghiện cocaine mà cả thành Manchester ở nước Anh ai cũng biết nếu họ đã nghe đến tên tuổi Hatton.
Một người bạn của Hatton từng "phát khiếp" khi kể lại câu chuyện về độ chơi của Hatton. Số là, khi một bữa tiệc thuộc diện xa hoa và "khép kín" giữa những tay chơi hàng đầu và có sao số diễn ra, ai cũng "lác mắt" khi thấy Hatton hít ma túy với liều lượng khủng khiếp. "Gấp hơn 2 lần so với bất cứ ai mà tôi đã từng nhìn thấy về một liều hít ma túy. Tôi không tin nổi dù biết rõ độ chơi bời của Hatton", người bạn giấu tên của võ sĩ này chia sẻ.
Còn với Rooney, khi đã coi là bạn thân, Hatton "phê" lên thì coi mọi thứ là con số không. Khi Rooney còn đá bóng cùng với Cristiano Ronaldo ở Manchester United, chỉ cần nghe "Shrek" tâm sự là không ưa CR7, trong lúc "thăng hoa" vì ma túy, Hatton đã sẵn sàng tuyên bố sẽ đánh bằng được cầu thủ người Bồ Đào Nha để Rooney cảm thấy... vui.
Còn có thêm nhiều lần nữa, Rooney thậm chí đã từng phải nể nang Hatton mà ngậm bồ hòn làm ngọt với ông bạn nghiện không chỉ ma túy mà cả nhậu nhẹt quên bến bờ.
Trang Dung (t/h)