HMD Global, nhà sản xuất điện thoại Phần Lan và là người thừa kế thương hiệu điện thoại di động Nokia, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng họ hiện đang trong giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất và thử nghiệm điện thoại thông minh ở châu Âu.
Động thái này được nhằm đáp ứng “nhu cầu gia tăng của khách hàng” đối với các thiết bị được sản xuất tại địa phương, một phần do những lo ngại về bảo mật và tính bền vững của cả người dùng doanh nghiệp và người tiêu dùng, HMD cho biết.
Thông báo được đưa ra 4 năm sau khi HMD Global tiết lộ họ đang chuyển các trung tâm dữ liệu của mình sang châu Âu để đáp ứng các quy định về dữ liệu của EU, do đó việc chuyển hoạt động sản xuất sang khu vự này được coi là một bước tiến tự nhiên, không phải điều gì quá bất ngờ.
Hãng smartphone giá rẻ
Cái tên HMD Global bắt đầu nổi lên vào năm 2016 sau khi cùng với một công ty con của công ty Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc) ký thỏa thuận cấp phép độc quyền trị giá 350 triệu USD với Microsoft để sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng mang nhãn hiệu Nokia.
HMD Global được thành lập bởi các cựu nhân viên của Nokia vào chính ngày ký kết thỏa thuận, với kỳ vọng làm sống lại những sản phẩm của nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới Nokia Oyj.
Thương vụ này được coi là một món hời đối với MHD Global vì Microsoft đã phải chi ra 5 tỷ USD để mua lại bộ phận sản xuất điện thoại và các dịch vụ liên quan của Nokia, đồng thời bỏ thêm 2,18 tỷ USD để mua lại các bản quyền sáng chế của công ty này.
Với thỏa thuận này, Microsoft chuyển tất cả tài sản điện thoại phổ thông của mình, bao gồm thương hiệu, phần mềm và dịch vụ, hợp đồng khách hàng và thỏa thuận cung cấp cho công ty con FIH Mobile của Foxconn và HMD Global.
HMD đã sử dụng các bằng sáng chế điện thoại còn lại của Nokia và các cơ sở sản xuất của Foxconn để xây dựng một dòng điện thoại thông minh mới nhằm cạnh tranh với các nhà sản xuất điện thoại Android giá rẻ khác.
Công ty có trụ sở tại Helsinki, Phần Lan, đã huy động được 330 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ những tên tuổi lớn như Google, Qualcomm và chính Nokia.
Cũng như hầu hết các hãng điện thoại di động khác, HMD Global cho đến nay vẫn dựa vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ để sản xuất. Tuy nhiên, công ty muốn tạo sự khác biệt hơn nữa trong một không gian bao gồm các công ty giàu tiềm lực như Samsung, Google và Apple.
Việc sản xuất ở châu Âu mà HMD Global vừa tuyên bố không có nghĩa là công ty sẽ từ bỏ thị trường châu Á. Theo ông Lars Silberbauer, giám đốc marketing của công ty, đây là một phương tiện để thu hút khách hàng mới có nhu cầu nội địa hóa rất cụ thể ở khu vực châu Âu.
Việc sản xuất và vận chuyển dự kiến sẽ bắt đầu ngay sau quý III/2023 với điện thoại thông minh 5G nhằm vào “các ngành có ý thức bảo mật” và sẽ được cung cấp dưới dạng sản phẩm B2B.
Hôm 25/2, HMD Global cũng giới thiệu 3 mẫu điện thoại thông minh là Nokia G22, Nokia C32 và Nokia C22 với thời lượng pin 3 ngày. Công ty cũng cho biết họ sẽ bắt đầu sửa chữa điện thoại di động với sự hợp tác của công ty sửa chữa iFixit.
Lý do bảo mật
Câu hỏi đặt ra là HMD Global sẽ lựa chọn địa điểm nào ở châu Âu làm nơi sản xuất các sản phẩm mới của mình. Phần Lan có thể là một sự đánh cược tốt vì đó là nơi đặt trụ sở chính của công ty.
“Thật không may, do khách hàng của chúng tôi làm trong nhiều ngành có ý thức bảo mật khác nhau nên chúng tôi không được phép cho bất kỳ ai biết chúng tôi đang sản xuất các thiết bị này ở quốc gia nào, chỉ đơn giản là để giữ an toàn nhất có thể”, ông Silberbauer giải thích vì sao HMD không thể tiết lộ vị trí chính xác của các nhà máy.
Tuy nhiên, ông Silberbauer đã tiết lộ một số thông tin xung quanh quy trình sản xuất ban đầu, đồng thời xác nhận rằng HMD Global sẽ vẫn hợp tác chặt chẽ với các đối tác hiện tại của mình ở châu Á.
“Về cơ bản, đối tác hiện tại của chúng tôi ở Trung Quốc sẽ thu thập nguyên liệu và tiến hành các bước bảo mật ban đầu trước khi chuyển đến các đối tác sản xuất của chúng tôi ở EU. Các đối tác tại châu Âu sẽ hoàn thành việc lắp ráp, hiệu chỉnh và kiểm tra thiết bị, kiểm tra phần cứng và cụ thể là kiểm tra bảo mật phần mềm”, ông Silberbauer chia sẻ.
HMD Global cũng đang sử dụng mô hình sản xuất phân tán mới này để quảng bá thông tin về tính bền vững của mình. Ông Silberbauer lưu ý rằng đây là một trong những lý do tại sao việc di chuyển cơ sở sản xuất hiện tại khỏi châu Á, nơi HMD Global đã có một lượng lớn khách hàng là không hợp lý.
“Sẽ không hợp lý nếu chúng tôi sản xuất tất cả điện thoại của mình ở châu Âu, bởi vì cả thị trường và người tiêu dùng của chúng tôi không ở châu lục này. Theo quan điểm bền vững, tốt nhất là duy trì hoạt động sản xuất ở những khu vực có người tiêu dùng”, ông Silberbauer cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo Tech Crunch, Reuters, CNBC)