Ngày nay, không thể phủ nhận vai trò của khoa học và công nghệ (KHCN) trong đời sống và sự phát triển kinh tế chung của đất nước.
Theo đó, những thành tựu về KHCN góp phần rất quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến tổng cung và tổng cầu; các sản phẩm KHCN đóng góp trực tiếp vào GDP. Có thể thấy, sự phát triển của KHCN có tác động mang tính quyết định đối với tăng trưởng dài hạn và chất lượng tăng trưởng.
Khó tìm kiếm “tiếng nói chung" do đâu?
Nhận thức được tầm quan trọng của phát minh, sáng chế KHCN, các trường đại học cũng như cơ quản quản lý nhà nước đã có những chương trình đầu tư nguồn lực con người và tài chính vào các hoạt động nghiên cứu, đơn cử như chương trình vườn ươm Lab2Market do BK Holdings phối hợp với NSSC (Bộ KH&CN) thực hiện trong suốt một năm qua.
Phát biểu tại Lễ tổng kết mùa 1 của Lab2Market ngày 5/5, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings nhận định, việc đưa những sáng chế khoa học của những nhóm nghiên cứu ra tới thị trường là một khó khăn lớn. Bởi vẫn đang thiếu đi 3 yếu tố chính: tư duy, tổ chức trung gian và nguồn lực tài chính.
Thực tế, BK Holdings đã kết hợp với rất nhiều nhóm startup trẻ để đưa sản phẩm gần hơn đến thị trường, tuy nhiên, với Lab2Market - Chương trình ươm mầm đầu tiên dành riêng cho những sáng chế của nhà khoa học tại Việt Nam lại là một điều mới mẻ.
“Thú thật, khi làm việc với các startup trẻ, các chương trình ươm tạo khởi nghiệp thì dễ dàng có được thành công hơn nhiều so với làm việc cùng các nhà khoa học, nghiên cứu", ông Dũng bày tỏ.
Bởi, nhìn về mặt tính chất sản phẩm, những phát minh công nghệ cao, có hàm lượng cao về tính sở hữu trí tuệ sẽ khó tìm được “tiếng nói chung" với thị trường hơn.
Mặt khác, các nhà khoa học khác với các startup trẻ ở điểm họ có đường lùi. Nếu các startup chỉ có đường tiến, khiến họ làm mọi cách để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, thì với nhà khoa học, không làm nghiên cứu hay ươm mầm sản phẩm ra thị trường thì họ vẫn “sống khỏe” bằng việc giảng dạy, nghiên cứu sách vở tại trường học.
Tuy vậy, Lab2Market mùa 1 kết thúc, cũng đã đạt được những thành tựu nhất định với 50% số nhóm nghiên cứu tham dự được đăng ký kinh doanh, 40% nhóm nhận được đầu tư, đây là kết quả đáng mừng, làm tiền đề đầy hứa hẹn cho sự phát triển của mùa 2 trong năm 2022.
Như ông Trần Chí Dũng, Quản lý vùng của Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp từ Thuỵ Sĩ (Swiss EP) chia sẻ: “Chúng ta đã vượt qua được thung lũng chết, để hướng tới tương lai mùa 2 sẽ có nhiều hơn những sản phẩm trí tuệ từ các nhà khoa học có thể tiến hành thương mại, gần hơn với thị trường".
Chưa bao giờ, KHCN hay những sáng chế có được nhiều sự hỗ trợ như hiện nay. Sự hỗ trợ đến từ không chỉ từ Nhà nước, các Bộ ,ban, ngành, mà còn ở ngay các trường đại học, tổ chức quốc tế…
Do đó, đây là cơ hội để các bên cùng nhau tham gia vào giải quyết bài toán thương mại hóa sáng chế, qua đó, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ tại Việt Nam, giúp đất nước vươn tầm sánh vai với các cường quốc năm châu.
Cầu nối đến với thị trường
Từ góc độ một nhà khoa học, đại diện cho những nhóm nghiên cứu của Vườn ươm, PGS.TS Đỗ Thị Hương Giang bày tỏ, nhờ những tấm gương khoa học lâu đời như ông Đỗ Đức Thắng (Top 1 Ngôi sao Sáng chế Ipstar 2021 do Bộ KHCN vinh danh) là nguồn cảm hứng lớn cho những nhà khoa học trẻ hơn.
Từ đó, có sự thay đổi lớn trong tư duy phát triển sản phẩm của cộng đồng các nhà khoa học trong Vườn ươm, làm sao để biến những đầu tư nghiên cứu có thể biến thành sản phẩm phục vụ đời sống con người là điều các nhà khoa học hiện nay rất cố gắng.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc định hướng sản phẩm nghiên cứu, bởi chưa có sự “đặt hàng" từ các doanh nghiệp. Nên những sản phẩm của các nhóm nghiên cứu chưa có được sự cạnh tranh mang tính thị trường, và đôi lúc chưa thể có “giao điểm" với thị trường, nhu cầu sử dụng thiết thực và đầu ra phù hợp.
Về vấn đề này, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Văn phòng Đề án 844 (Bộ KHCN) cho biết, việc thương mại hóa tài sản trí tuệ cũng đang là một trong những trọng tâm được Bộ triển khai trong năm tới.
Ông Nam thông tin thêm, cũng ngay trong sáng 5/5, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cũng đã ký quyết định về khung tạo cộng đồng thúc đẩy thương mại hoá tài sản trí tuệ, thúc đẩy Đề án spin-off (mô hình liên kết "ba nhà": Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) để tháng 6 triển khai và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
Không chỉ vậy, trong năm tới Bộ cũng sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình Global Mentoring - Chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu. Qua đó, nhằm tạo cầu nối để các chuyên gia, doanh nhân người Việt Nam, thế giới đã thành công để chia sẻ, cố vấn cho các startup/ nhà nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, từ đó tăng cường kết nối và tối ưu hóa nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Do đó, những chương trình như Lab2Market là vô cùng cần thiết, là cầu nối để tạo nên một hệ sinh thái toàn diện với đầy đủ cấu phần từ nhà khoa học, trường học, cơ quan quản lý, cho tới doanh nghiệp, quỹ đầu tư.
Chiều ngày 5/5, Công ty BK Holdings (trực thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội) cùng với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) đã tổ chức buổi Lễ tổng kết mùa 1 và Lễ Phát động mùa 2 Lab2Market - Chương trình Ươm tạo đưa Sáng chế ra Thị trường.
Lab2market là chương trình ươm tạo đầu tiên ở Việt Nam với sứ mệnh thương mại hóa các sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học hàng đầu trong trường đại học Việt Nam theo chuẩn quốc tế, nhằm giúp các nhà nghiên cứu thấu hiểu và có các chiến lược để tiếp cận gần hơn với khách hàng, đồng thời nhận được những cơ hội đầu tư để phát triển sản phẩm và doanh nghiệp của mình.
Buổi lễ đã nhìn lại hành trình gần 1 năm qua Lab2market cùng đồng hành cùng 12 nhóm nghiên cứu với những kết quả nhất định trong mục tiêu thương mại hóa sản phẩm. Đó là nền tảng để Lab2market chia sẻ những định hướng trong mùa 2 tới các nhóm nghiên cứu tiềm năng cũng như tới các thành phần khác nhau trong thị trường khoa học công nghệ.
Bên cạnh đó, Lễ ký kết thỏa thuận nguyên tắc thúc đẩy đầu tư từ Quỹ BK Fund – là đơn vị đồng tổ chức Lab2Market – vào 3 nhóm nghiên cứu gồm "Sơn bức xạ làm mát bề mặt ngoài trời RARE” ;hệ thống đo Từ Thông phát hiện khuyết tật trong sắt thép" và “CTCP Khoa học công nghệ Dược Việt” cũng đã được tiến hành. Đây là kết quả sau khi tham gia Lab2Market, đã đánh dấu một bước tiến xa hơn trong hành trình từ phòng lab ra tới thị trường của nhóm các nhà khoa học.