Điểm lại những "bom tấn” IPO được kích hoạt trong năm 2017

Điểm lại những "bom tấn” IPO được kích hoạt trong năm 2017

Nguyễn Hoàng Yến

Nguyễn Hoàng Yến

Thứ 5, 15/02/2018 07:00

Nhờ những chính sách IPO thích hợp như bán trọn lô, bán với tỉ lệ cao cho nhà đầu tư (NĐT), đặt cọc bằng USD,… mà hàng loạt thương vụ IPO lớn chưa từng có đã diễn ra trong năm qua với nhiều phiên thành công vượt kỳ vọng.

Thị trường “bùng nổ”

Năm 2017, giới đầu tư chứng kiến một loạt các vụ IPO lớn như đến từ Petrolimex (PLX), VietJet Air (VJC), Vincom Retail (VRE) hay VPBank (VPB),... giúp quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có 1 năm phát triển mạnh và tăng trưởng ấn tượng, cao nhất tại khu vực châu Á.

Theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), tính đến ngày 22/12/2017, chỉ số VN-Index đã tăng 43% so với cuối năm 2016 – mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Chỉ số HNX-Index tăng 41,5% so với cuối năm 2016. Thanh khoản thị trường cũng bùng nổ với những phiên giao dịch trên 5.000 tỷ đồng, so với quy mô chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Tài chính - Ngân hàng - Điểm lại những 'bom tấn” IPO được kích hoạt trong năm 2017

Hãng hàng không giá rẻ Vietjet chào sàn ngày 28/2/2017 mở màn cho những thương vụ IPO đình đám trong năm 2017

Đặc biệt, mức vốn hóa thị trường tăng trưởng mạnh mẽ 73% và đạt mức tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Tổng giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016.

Hiện có 731 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn và 679 cổ phiếu đăng ký giao dịch (ĐKGD) trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, ĐKGD đạt gần 959.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối năm 2016. Cũng theo UBCKNN, trong năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào TTCK, với việc mua ròng gần 26.000 tỷ đồng cổ phiếu (năm 2016, khối ngoại bán ròng 6.821 tỷ đồng).

Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Tính đến cuối tháng 11/2017 đạt hơn 31,4 tỷ USD, tăng 81,3% so với cuối năm 2016. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư tiếp tục gia tăng đạt 1,9 triệu tài khoản, tăng 11% so với cuối năm 2016.

Những con số nêu trên là kết quả đến từ sự tăng giá mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, Vinamilk (VNM), Vingroup (VIC), PV GAS (GAS), Hòa Phát (HPG), Sabeco (SAB), FLC Faros (ROS) đều đã tăng thêm hơn 1 tỷ USD vốn hóa so với thời điểm đầu năm 2017.

Không chỉ vậy, trong năm 2017, thị trường chứng khoán Việt “bất ngờ” chào đón cuộc đổ bộ với quy mô chưa từng có của hàng loạt mã cổ phiếu “đại gia” lần đầu đặt chân lên sàn. Chỉ tính riêng 4 “gương mặt” mới chào sàn HoSE trong năm là VPBank, Petrolimex, Vietjet và Vincom Retail tới thời điểm này đang giúp vốn hóa thị trường tăng thêm 300.000 tỷ đồng.

“Tứ đại công thần”

Mở màn cho làn sóng “ông lớn” đổ bộ sàn chứng khoán, ngày 28/2, cổ phiếu VJC của hãng Hàng không Vietjet Air chính thức “chào sân” với giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu. Ngay khi mở cửa giao dịch, lệnh mua đã đổ dồn vào VJC, kéo cổ phiếu này tăng trần lên 108.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này đưa giá trị vốn hóa thị trường của Vietjet Air lên 32.400 tỷ đồng.

Thời điểm ấy, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air với gần 99 triệu cổ phiếu VJC trong tay đã ngay lập tức trở thành người giàu thứ ba trên sàn chứng khoán, chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết.

Hiện tại, dù chưa đầy 1 năm lên sàn, cổ phiếu VJC đã tăng 54% lên gần chạm mức 140.000 đồng/cổ phiếu. Cùng với việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, vốn hóa của Vietjet Air đã tăng 130% lên mức 2,8 tỷ USD chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng.

Với những kết quả đã đạt được, Vietjet Air đã vượt qua hàng loạt thương vụ “đình đám” trong năm ‎‎2016 – 2017 để được Hội đồng bình chọn Ban tổ chức Diễn đàn M&A cùng lúc trao hai danh hiệu “Thương vụ IPO tiêu biểu” và “Doanh nghiệp công bố thông tin M&A tốt nhất”.

Không để thị trường nguội đi sau “cơn sốt” VJC, một “ông lớn” khác - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp bước lên sàn vào ngày 21/4/2017 bằng việc niêm yết 1,29 tỷ cổ phiếu mã PLX trên HoSE.

Với vốn điều lệ 12.938 tỷ đồng và mức giá chào sàn 43.200 đồng/cổ phiếu, vốn hóa của PLX đạt 55.892 tỷ đồng, tương đương 2,5 tỷ USD, chiếm khoảng 3,3% vốn hoá của HoSE (1,68 triệu tỷ đồng tính tới 19/4/2017).

Theo đó, Petrolimex hiển nhiên góp mặt trong nhóm 10 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán. Hiện tại, cổ phiếu PLX đã tăng 60% so với giá tham chiếu. Quy mô vốn hóa của Petrolimex đã tăng lên mức 3,5 tỷ USD. Đây cũng là DNNN nổi bật nhất lên sàn trong năm nay.

Trong số những thương vụ niêm yết tiêu biểu năm 2017, không thể bỏ qua "bom tấn" khủng ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Ngày 17/8/2017, sàn HoSE đón nhận hơn 1,3 tỷ cổ phiếu VPB của VPBank với mức giá tham chiếu trong ngày chào sàn là 39.000 đồng/cổ phiếu.

Với tổng số hơn 1,3 tỷ cổ phiếu phổ thông niêm yết, giá trị vốn hóa của VPB đạt gần 60.000 tỷ đồng trở thành ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt.

Cái tên cuối cùng trong bộ tứ IPO khủng năm 2017 là Vincom Retail. Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đây lại là thương vụ giao dịch gây chấn động nhất không chỉ tại thị trường Việt Nam mà rộng ra cả khu vực Đông Nam Á.

Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên ngày 6/11/2017, Vincom Retail, với hơn 1,9 tỷ cổ phiếu được niêm yết toàn bộ, đã đạt giá trị vốn hóa thị trường khoảng 3,4 tỷ đô la Mỹ. Vincom Retail hiển nhiên có mặt trong nhóm 10 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, có tầm ảnh hưởng và chi phối chỉ số VN-Index.

Bất ngờ hơn, chỉ 1 ngày sau đó, Vincom Retail tiếp tục tạo nên cơn địa chấn khác trên thị trường chứng khoán khi có tới 415 triệu cổ phiếu được trao tay tại mức giá 40.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 16.800 tỷ đồng, tương đương 742 triệu USD. Tại mức giá này, vốn hóa của công ty đạt hơn 3,4 tỷ USD qua đó góp phần đưa vốn hoá của sàn HoSE lần đầu chạm mức 100 tỷ USD.

Thương vụ kỷ lục này đã được tạp chí FinanceAsia vinh danh là “Giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân thành công nhất châu Á Thái Bình Dương” năm 2017. Đây cũng là thương vụ đầu tiên của một doanh nghiệp Việt được vinh danh tại hạng mục này, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên thị trường vốn toàn cầu. Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu VRE đã tăng 41% nâng vốn hóa của công ty này lên mức 4 tỷ USD.

Ngoài ra, sau “cơn địa chấn” Vincom Retail, Forbes đã cập nhật giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Theo đó, tính đến ngày 20/11, giá trị tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã lần đầu tiên chạm mốc 4 tỷ USD. Khối tài sản này đưa ông Vượng trở thành người giàu thứ 543 thế giới vượt lên trên cả vị trí của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cùng với sự thăng hoa của các thương vụ IPO “bom tấn” trong năm 2017, một lượng vốn đầu tư lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong năm 2018.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.