Ngày 12/3, Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã họp và đồng ý xét đơn của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc của PVN.
Dù chưa rõ lý do xin từ chức của ông Sơn, nhưng dư luận đặc biệt quan tâm khi đơn xin từ chức của vị Tổng giám đốc PVN nằm trong khoảng thời gian bộ Công thương có báo cáo gửi Thủ tướng về việc phối hợp thực hiện giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp). Trong báo cáo, bộ Công thương ghi nhận hàng loạt dự án đầu tư nước ngoài thua lỗ, chưa rõ hiệu quả của PVN.
Trong những năm qua, PVN đã tiến hành đầu tư hàng loạt dự án ra nước ngoài, trong đó có những dự án giá trị vốn từ hàng triệu USD đến những dự án hàng tỷ USD như Jumin 2, tại Venezuela.
Cụ thể, Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) đã đầu tư tổng số vốn là 82,07 triệu USD với các dự án tìm kiếm thăm dò khí đốt tại Iran. Tuy nhiên, sau khi dự án được triển khai không có kết quả, PVN đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin dừng hoãn tiến độ dự án, tháng 8/2018.
Tại Cộng hoà Conggo, PVEP tham gia với 8,5% và gánh thêm 1,5% vốn cho nước chủ nhà trong giai đoạn thăm dò. Nhưng vì dự án không hiệu quả, đến tháng 6/2017 PVEP đã phải xin chuyển nhượng toàn bộ 8,5% vốn góp.
Tại Peru, PVN tham gia vào hai dự án. Tuy nhiên lần lượt tháng 9/2017 và tháng 4/2018, bộ Công thương có công văn báo cáo và kiến nghị Thủ tướng chuyển nhượng lại dự án tại cả hai dự án trên.
Ngay tại một số nước ASEAN, PVN cũng đã đầu tư rất nhiều dự án những chưa rõ hiệu quả. Trong đó hàng loạt dự án tại Malaysia, sau thời gian đầu tư, đơn vị trên cũng vấp phải không ít khó khăn. Đơn cử như dự án tại lô PM 304, PVN tham gia với 15% hợp đồng phân chia tài sản. Đến tháng 8/2017, PVN lại xin được chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ 15% vốn đã tham gia.
Tại Campuchia, PVEP đã đầu tư 76,46 triệu USD, thời gian thực hiện dự án có hiệu lực từ tháng 5/2016, dự phòng hoàn tất đến tháng 6/2017. Bộ Công thương đã có đề nghị Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tiếp tục kiểm tra giám sát dự án này.
Tại Liên bang Nga, PVN cũng đã đầu tư thăm dò khai thác khí vào Công ty Gazpromviet, đến năm 2017, PVN bất ngờ xin rút vốn nhưng Chính phủ không đồng ý. Chính phủ đã yêu cầu PVN đàm phán, thống nhất với phía Nga để không phát sinh thêm chi phí, ngoài khoản vốn góp 1,29 triệu USD.
Trong đó chỉ có dự án Nhenhexky tại Nga, và 2 dự án tại Algeria mà PVN đầu tư là ghi nhận có lợi nhuận.
Dự án Jumin 2, tại Venezuela
Trong hàng loạt dự án trên, Jumin 2 là dự án lớn nhất mà Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) đại diện PVN đầu tư ra nước ngoài trong số hàng loạt các dự án, với diện tích lên tới trên 522 km2.
Do công ty liên doanh PetroMacreo làm chủ đầu tư, được thành lập giữa công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP 40% vốn) và Dầu khí quốc gia Venezuela (60% vốn). Theo thiết kế ban đầu công suất khai thác dầu giai đoạn 1 của dự án đạt 50.000 thùng/ngày, giai đoạn 2 nâng lên 200.000 thùng/ngày. Trong giai đoạn 1 từ 2010-2015, PVEP sẽ đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD vào dự án.
Tuy nhiên, do dự án không có tiến triển, tháng 12/2013 Thủ tướng đã chỉ đạo PVEP tạm dừng đầu tư.
Liên quan đến những thua lỗ của PVN, tại dự án trên. Mới đây, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, bộ Công an (C03) đã có văn bản gửi PVN về việc xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan tới dự án khai thác dầu này.