Bộ trưởng Quốc phòng Anh
Ông Michael Fallon đã ra thông báo từ chức sau khi ông thừa nhận từng có hành vi không phải phép với một nữ phát thanh viên vào năm 2002. Thủ tướng May đã chấp nhận đơn từ chức của ông Fallon và dành những lời ca ngợi ông vì những cống hiến trong cuộc chiến chống khủng bố IS.
Ông Fallon thừa nhận đã đụng chạm nữ nhà báo Julia Hartley-Brewer của kênh Talk Radio trong một bữa tiệc từ năm 2002, đúng như lời kể của cô gần đây. Nữ nhà báo Hartley-Brewer cho biết, vị Bộ trưởng này đã nhiều lần đặt tay lên đầu gối của cô trong bữa tiệc 15 năm trước và chỉ dừng lại khi cô tỏ thái độ khó chịu. Ông Fallon đã xin lỗi ngay sau đó và cả hai bên đều cho rằng, vụ việc đã khép lại.
Vụ việc bất ngờ được khui lại sau nhiều năm đến từ việc Hartley-Brewer kể lại câu chuyện giữa lúc nước Anh đang xuất hiện nhiều cáo buộc liên quan đến quấy rối tình dục của hơn 40 nhà lập pháp của Đảng Bảo thủ.
Bộ trưởng Nội vụ Israel
Năm 2015, Bộ trưởng Nội vụ Israel lúc đó là ông Silvan Shalom đã từ chức sau khi nhiều người phụ nữ lên tiếng cáo buộc ông Shalom quấy rối tình dục. Ông Shalom cho biết, ông quyết định từ chức để gia đình không phải chịu đựng thêm những lời thị phi từ scandal quấy rối tình dục của ông.
Trưởng công tố viên Israel đã yêu cầu tiến hành điều tra các cáo buộc của hàng loạt phụ nữ tố cáo ông Shalom quấy rối tình dục. Ông Shalom bác bỏ cáo buộc và cho rằng ông không làm gì sai.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Mỹ
Ngày 11/7/2007, Larry Craig, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, Mỹ bị bắt trong toa lét của một sân bay. Ông bị kết tội có những hành động “không thích hợp” với một người đàn ông. Lúc đó Craig nhận tội, nhưng sau đó lại rút lời tại một cuộc họp báo khi khẳng định rằng, mình không phải là người đồng tính. Cuối cùng, ông này cũng bị phạt 675 USD tiền phạt.
Giám đốc Ngân hàng Thế giới
Năm 2005, 3 tháng sau khi trở thành Giám đốc Ngân hàng Thế giới, Paul Wolfowitz buộc phải thông báo cho hội đồng kỷ luật, ông có mối quan hệ với một nhân viên nữ cũng làm việc tại Ngân hàng Thế giới, đó là Shaha Riza.
Cô này được biệt phái sang làm việc tại bộ Ngoại giao Mỹ, nhưng vẫn là nhân viên của Ngân hàng Thế giới. Tháng 4/2007, báo chí tiết lộ, Wolfowitz tăng lương đáng kể cho cô nhân viên này. Ban đầu, Wolfowitz bác bỏ cáo buộc đó và nhất định không từ chức nhưng tình hình ngày càng trở nên rõ ràng hơn chính vì vậy Wolfowitz phải rời Ngân hàng Thế giới vào ngày 30/6/2007.
Đào Vũ (T/h)