Theo ý kiến ban đầu của chuyên gia công nghệ, do hệ thống server gặp vấn đề nên mọi kết nối đến VNG đã bị ngắt khiến cho trang chủ, cổng 360game (bao gồm hàng chục game online, webgame và game mobile), dịch vụ nghe nhạc Zing MP3, Zing TV, ứng dụng nhắn tin & gọi điện miễn phí Zalo, cổng thanh toán trực tuyến Zalo Pay, website baomoi.com,…đều bị sập.
Được biết, đây là lần thứ hai VNG gặp phải một sự cố mang tính hệ thống.
Cụ thể, năm 2015, VNG đã ghi nhận việc 160 triệu Zing ID có nguy cơ bị rò rỉ và có thể ảnh hưởng tới một bộ phận tệp khách hàng chơi game của công ty. Các tài khoản bao gồm: mật khẩu, tên đăng nhập, mã game, email, số điện thoại, họ tên đầy đủ, ngày sinh, địa chỉ, IP...
Nói về tai nạn trên, đại diện VNG đã lên tiếng: “Chúng tôi thực sự rất lấy làm tiếc và chân thành xin lỗi khách hàng vì sự bất tiện này”.
Các sự cố trang mạng bị gián đoạn không phải tình trạng hiếm gặp trong thời gian gần đây.
Còn nhớ sự vụ nổi tiếng của VCCorp xảy ra vào sáng 13/10/2014. Một loạt các website lớn của VCCorp như Kênh14, Gamek, Genk, CafeF và một số báo điện tử do VCCorp hợp tác vận hành kỹ thuật như báo Dân Trí, Soha, Người Lao Động… bị "chết cứng". Sự cố này kéo dài tới 5 ngày, đến ngày 19/10 mới khắc phục hoàn toàn. Sự cố đã gây thiệt hại cho VCCorp hàng chục tỷ đồng và được coi là nghiêm trọng nhất từng xảy ra với VCCorp từ trước tới nay.
Vụ tấn công VCCorp là một sự cảnh báo cho hệ thống an toàn an ninh mạng khi mà các website Việt Nam chủ yếu bị tấn công bằng 2 hình thức: thông qua các lỗ hổng trên hệ thống và thông qua việc phát tán virut, mã độc.
Thực tế, website của nhiều tên tuổi tập đoàn lớn trên thế giới cũng từng bị hacker tấn công gây hậu quả lớn như JP Morgan, Bank of America, Citigroup, eBay, ...
Năm 2016, Yahoo bị hacker đánh cắp thông tin của hơn 1 tỷ người dùng.
Trang web WikiLeaks chuyên đăng tải những tài liệu bị rò rỉ từ chính phủ trên toàn thế giới, đã đăng tải hàng ngàn tài liệu được cho là tuyệt mật từ CIA hồi tháng 3, cho thấy cơ quan này có khả năng xâm nhập vào hầu như tất cả các thiết bị điện tử như: smart TV, điện thoại di động, xe tự lái,...
Đặc biệt nghiêm trọng, nhiều trường học và cơ quan Chính phủ Mỹ bị tấn công bởi mã độc khai thác lỗ hổng SQL injection, cho phép hacker có quyền truy cập vào các thông tin nhạy cảm có giá trị để bán trên chợ đen (Black Market) của tội phạm mạng. Các tổ chức đã bị tấn công bao gồm ủy ban Điều tiết Bưu chính, cơ quan Dịch vụ và Nguồn lực Y tế, bộ Gia cư và Phát triển Đô thị, và cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia.
Vào tháng 2/2017 một hacker đã tấn công vào PoliceOne - diễn đàn dành cho lực lượng cảnh sát Mỹ. Theo báo cáo, đã có hơn 715.000 tài khoản bị đánh cắp, bao gồm các thành viên đang làm tại FBI hay DHS.
Năm 1993, một loạt tổ chức tại Mỹ như cục An ninh quốc gia, hãng viễn thông AT&T, ngân hàng Bank of America đã bị xâm nhập hệ thống. Sau khi phá mã hệ thống thành công, nhóm hacker giấu tên đã thiết lập một hệ thống "tầm gửi" cho phép gọi điện thoại đường dài quốc tế thoải mái và có thể sử dụng "chùa" nhiều kênh liên lạc thuê bao cá nhân.
Minh Anh (Tổng hợp)