Điểm mới của bảng giá đất vừa ban hành tại Tp.HCM

Nguyễn Huỳnh Kha

Nguyễn Huỳnh Kha

Thứ 3, 22/10/2024 18:22

Giá đất tại nhiều tuyến đường trong Tp.HCM đã giảm so với dự thảo được công bố hồi tháng 7. Điều này khiến nhiều người thắc mắc, vì sao cùng một phương pháp tính, nhưng bảng giá mới lại thấp hơn so với dự thảo trước đó.

Giá đất giảm, biên độ dao động đảm bảo tính phù hợp

UBND Tp.HCM vừa công bố bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 31/10/2024 đến 31/12/2025. Điều đáng chú ý, là giá đất tại nhiều tuyến đường trong Tp.HCM đã giảm so với dự thảo được công bố hồi tháng 7.

Để giải đáp vấn đề sự khác biệt so với dự thảo trước đó, chiều ngày 22/10, UBND Tp.HCM tổ chức họp báo công bố Quyết định số 79/2024 của UBND Tp.HCM về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 của UBND Tp.HCM quy định về bảng giá đất trên địa bàn.

Điểm mới của bảng giá đất vừa ban hành tại Tp.HCM- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM giải thích sự khác biệt của bảng giá đất hiện tại so với dự thảo trước đó vào tháng 7.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM giải thích, bảng giá đất mới được xây dựng dựa trên việc thu thập dữ liệu từ 8 yếu tố quan trọng.

Quá trình này, đảm bảo sự phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và thực tiễn giá đất tại Tp.HCM ở thời điểm hiện tại. Mặc dù, phương pháp thu thập dữ liệu không thay đổi, nhưng biên độ dao động trong việc lấy ý kiến đã cho phép điều chỉnh giá đất giảm ở nhiều khu vực.

Cụ thể, mức giá đất cao nhất tại các khu vực trung tâm như đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) là 687 triệu đồng/m², thấp hơn so với dự thảo trước đó (810 triệu đồng/m²). Ở các quận 1, quận 3 và các khu vực vùng ven, giá đất cũng giảm so với dự thảo cũ, góp phần làm dịu tác động lên thị trường bất động sản.

Giá đất nông nghiệp không tăng mạnh

Ngoài ra, ông Thắng cũng giải thích rằng giá đất nông nghiệp không có sự tăng đột biến, trong khi giá đất ở lại tăng mạnh. Điều này dẫn đến lo ngại về việc ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân sở hữu đất nông nghiệp, nhất là khi họ muốn chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.

Về vấn đề này, ông Thắng cho biết bảng giá mới đã được cân chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Thành phố cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và Chính phủ để đưa ra các chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất cho các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất.

Điểm mới của bảng giá đất vừa ban hành tại Tp.HCM- Ảnh 2.

Bảng giá mới đã được cân chỉnh để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Bảng giá đất mới sẽ là căn cứ để áp dụng cho 12 trường hợp được quy định trong Luật Đất đai 2024. Theo ông Thắng, lợi ích lớn nhất của bảng giá đất sau điều chỉnh bao gồm:

Minh bạch và công bằng: Các khoản lệ phí, thuế, tiền sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính được công khai, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất, đặc biệt là hộ gia đình và cá nhân.

Răn đe các hành vi vi phạm: Việc điều chỉnh mức xử phạt sẽ tăng cường răn đe các hành vi vi phạm liên quan đến đất đai, góp phần phát triển thị trường bất động sản minh bạch hơn.

Tăng cường hiệu quả đấu giá đất: Giá khởi điểm cho các khu đất đấu giá sẽ được xác định nhanh chóng hơn, tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân tiếp cận đất đai dễ dàng.

Công bằng trong tái định cư: Giá tái định cư sẽ được xác định rõ ràng, minh bạch hơn, giúp đảm bảo công bằng trong việc bồi thường và thu hồi đất.

Bảng giá đất mới tại Tp.HCM, dù có sự điều chỉnh giảm so với dự thảo, vẫn phản ánh được tình hình thực tế và đảm bảo quyền lợi cho người dân. Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để phù hợp với thị trường từ nay đến năm 2026.

Về việc người dân lo ngại rằng khi áp dụng bảng giá đất mới, họ có thể tiếp tục chịu thiệt hại lớn khi phải trả tiền sử dụng đất cao hơn so với trước đây, sau khi quy hoạch treo được xóa bỏ.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Tp.HCM, cho biết khi ban hành Luật Đất đai 2024, Chính phủ sẽ xây dựng một nghị định liên quan đến việc miễn, giảm tiền thuê đất và tiền sử dụng đất.

Trong quá trình này, các tỉnh và thành phố sẽ dựa trên tình hình thực tế để đề xuất những giải pháp phù hợp, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân có đất nằm trong quy hoạch.

Điểm mới của bảng giá đất vừa ban hành tại Tp.HCM- Ảnh 3.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, cũng chia sẻ thêm về quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh trong 3 tháng qua.

"Tp.HCM chắc chắn sẽ có những góp ý nhằm đảm bảo người dân không phải chịu sự chênh lệch quá lớn, giúp giải quyết các nhu cầu và quyền lợi chính đáng của họ," ông Thắng khẳng định.

Cũng theo ông Thắng, mặc dù một số quy hoạch tại Tp.HCM có thể thực hiện chậm, nhưng vẫn phải đảm bảo tính khả thi và phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như lợi ích cộng đồng.

Trong quá trình xây dựng nghị định về miễn, giảm tiền thuê và sử dụng đất, Chính phủ sẽ gửi công văn tới các địa phương để thu thập ý kiến đóng góp dựa trên thực tiễn.

Hiện tại, Tp.HCM vẫn chưa nhận được dự thảo của nghị định này nên chưa thể đưa ra những góp ý cụ thể.

Ngoài ra, tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM, ông Bùi Xuân Cường, cũng chia sẻ thêm về quá trình xây dựng bảng giá đất điều chỉnh trong 3 tháng qua. Ông khẳng định, bảng giá đã được xây dựng trên cơ sở cẩn trọng, kỹ lưỡng và có sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía. Mục tiêu chính là phải phù hợp với thực tế, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.