Với mục đích nhằm nâng cao hơn nữa công tác truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá cũng như hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2016 (31/5), Bộ Thông tin Truyền thông (TT&TT) đã phối hợp với Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá – Bộ Y tế phát động cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016.
Sau 8 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được 205 tác phẩm dự thi bao gồm 4 thể loại báo in, báo điện tử, báo hình và báo nói. Đối tượng tham dự cuộc thi rất đa dạng, bao gồm: Các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo đài Trung ương, địa phương, những cán bộ truyền thông của các Trung tâm truyền thông và Giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố và cả những tác giả không chuyên như: Các cụ hưu trí, người dân tộc, các em học sinh, sinh viên.
Trong sáng ngày 18/1, Bộ TT&TT và Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã phối hợp tổ chức trao giải cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016.
Tham dự lễ trao giải có sự hiện diện của ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ TT&TT, ông Lương Ngọc Khuê – GĐ Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), ông Võ Thanh Lâm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT) cùng đại diện các cơ quan báo chí TW và địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Minh Hồng – Thứ trưởng Bộ TT&TT, Trưởng ban tổ chức giải cho biết: “Các tác phẩm dự thi của các tác giả chuyên nghiệp thể hiện cái nhìn đa dạng, sắc sảo của người làm báo về các mặt vấn đề của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá: Từ việc bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật, công tác chống buôn lậu thuốc lá, đến việc đưa ra các nhân chứng, tài liệu, số liệu cụ thể để chứng minh cho những tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động".
Cũng theo Thứ trưởng Hồng: "Còn đối với những tác giả không chuyên, bài viết của họ tuy có sự mộc mạc về câu từ nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự đúc kết kinh nghiệm của bản thân về tác hại của thuốc lá".
"Bên cạnh những tác phẩm dự thi thể hiện theo những phong cách truyền thống như: Phóng sự, ghi chép, bút ký báo chí, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, xã luận... Ban tổ chức cũng đã nhận được những tác phẩm dự thi thể hiện dưới dạng bài thơ, bài hát có phổ nhạc với âm vần, giai điệu dễ nghe, dễ nhớ dễ đi vào đời sống. Đây cũng là điểm mới trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá”, Thứ trưởng Hồng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cũng khẳng định: "Hơn 200 tác phẩm dự thi, là tác phẩm báo chí có nội dung tuyên truyền sâu rộng, ý nghĩa giáo dục sâu sắc, việc tổ chức cuộc thi viết về phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2016 đã tạo ra động lực lớn thúc đẩy các phóng viên, biên tập viên và các tổ chức, cá nhân nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, điều tra, khảo sát thực tế cho ra đời những tác phẩm báo chí có chủ đề mới lạ, phản ánh những góc nhìn đa chiều, vấn đề nóng trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá; nội dung thông tin trong tác phẩm chính xác, kịp thời; xác định các thông điệp truyền thông một cách rõ ràng, ấn tượng".
Dựa trên các tiêu chí chấm thi, ban tổ chức, ban giám khảo đã lựa chọn ra 40 tác phẩm vào vòng chung khảo và chọn ra 36 tác phẩm được trao giải, thuộc 4 loại hình báo chí, mỗi loại hình 9 giải (1 giải nhất, 2 giải nhất, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích).
4 giải nhất thuộc về: Báo Tuổi Trẻ với tác phẩm "Trôi nổi thuốc lá điện tử" (báo in), Báo Đồng Nai với chùm 3 bài viết (báo điện tử), Đài PT&TH Hải Phòng "Phòng chống thuốc lá, câu chuyện của lý và tình" (báo hình) và Đài PT &TH Hà Nội "Từ bỏ thuốc lá, lấy lại sức khỏe" (báo nói).
Thông qua việc tổ chức và trao giải cuộc thi, Bộ TT&TT và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế mong muốn hoạt động truyền thông về công tác phòng, chống tác hại của thuốc là tiếp tục có nhiều bài viết hay, chân thực để góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với những tổn thất về sức khỏe và kinh tế do thuốc lá gây ra.
Thanh Lam