Điểm nghẽn trong nâng cao giá trị cây ăn quả

Nguyễn Phương Anh

Nguyễn Phương Anh

Thứ 6, 06/12/2024 18:44

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, phát triển cây ăn quả vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững, đặc biệt mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng còn chưa rõ nét.

Theo Bộ NN&PTNT, 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt 6,7 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay với sự đóng góp lớn từ các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, xoài,...

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn "Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc" đã được tổ chức nhằm đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc. Đồng thời, cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả,...

Cây có múi là đòn bẩy kinh tế của Hòa Bình

Phát biểu tại sự kiện, ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Với tính đa dạng về khí hậu, đất đai, cho phép Hòa Bình thích ứng nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó có cây ăn quả, bao gồm cả những cây ôn đới và cây nhiệt đới".

Toàn tỉnh có gần 16.000 ha cây ăn quả các loại. Trong đó chủ lực là nhóm cây có múi như cam, bưởi, quýt, chanh với diện tích trên 10.000 ha. Ngoài ra có trên 1.200ha nhãn, gần 1.500 ha chuối và một số cây ăn quả khác như xoài, vải, táo, thanh long.

Điểm nghẽn trong nâng cao giá trị cây ăn quả- Ảnh 1.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Tùng Đinh).

Bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Hòa Bình cũng thẳng thắn thừa nhận việc phát triển cây ăn quả vẫn tiềm ẩn những yếu tố thiếu bền vững trong thực hiện quy hoạch hay việc thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đặc biệt mục tiêu về nâng cao giá trị gia tăng còn chưa rõ nét vì sản phẩm vẫn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi sống mà hạn chế lớn nhất, điểm nghẽn ở đây chính là khâu bảo quản, chế biến sản phẩm.

"Tôi cho rằng hạn chế, điểm nghẽn lớn nhất này không chỉ với tỉnh Hòa Bình mà chung cho các tỉnh phía Bắc, không chỉ cho cây ăn quả mà còn đúng với nhiều loại nông sản khác", ông Sứ nói.

Điểm nghẽn trong nâng cao giá trị cây ăn quả- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình (Ảnh: Tùng Đinh).

Theo ông Nguyễn Hồng Yến - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Xác định cây có múi là một trong những đòn bẩy kinh tế, ông Yến cho biết, quan điểm của tỉnh là "huy động các nguồn lực tái canh".

Giai đoạn 1 sẽ là tái canh 1.500ha ở huyện Cao Phong. Giai đoạn 2 mở rộng 4.500ha ở các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn. Cả hai giai đoạn được thực hiện trong thời gian 2021-2025.

Để phát triển bền vững cây ăn quả tại tỉnh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền rà soát, thống kê, đánh giá cây có múi toàn quốc làm cơ sở chỉ đạo, điều hành, ban hành quy trình đặc thù cho từng giống…

Cần tổ chức chia sẻ kiến thư phân biệt thật - giả

Ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp, cho rằng, một trong những vấn đề cần cải thiện hiện nay là thương mại điện tử. "Nhiều khi lấy hàng hóa từ nước ngoài về còn nhanh hơn đặt trong nội địa. Điều này chứng tỏ các nước gần chúng ta đang phát triển rất mạnh về logistics", ông Dự dẫn chứng.

Điểm nghẽn trong nâng cao giá trị cây ăn quả- Ảnh 3.

Ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Ảnh: Tùng Đinh).

Cụ thể, về thương mại điện tử, ông Dự nói đến việc tận dụng mạng xã hội để quay phát trực tiếp (livestream), trưng bày giới thiệu sản phẩm, tổ chức sự kiện, thu hút người mua hàng. "Việc này giúp người mua có thể chỉ cần đến với chúng ta là mua được sản phẩm tốt, không cần đến tận nơi sản xuất", ông Dự phân tích.

Lấy ví dụ về chương trình cam Cao Phong ở Hà Nội, ông Dự cho rằng cần tổ chức những buổi chia sẻ kiến thức, giúp người dùng phân biệt cam thật, giả.

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp chỉ ra thực tế rằng, nhiều lần đi Hà Nội, ông phát hiện có những nơi đề biển "cam Cao Phong", nhưng giá chỉ 30.000-40.000đ/kg. Ông Dự nói: "Đây có khả năng là hàng giả", bởi giá cam Cao Phong ngay tại vườn đã ít nhất 50.000đ/kg

Điểm nghẽn trong nâng cao giá trị cây ăn quả- Ảnh 4.

Điểm nghẽn lớn nhất trong nâng cao giá trị gia tăng của cây ăn quả nằm ở khâu bảo quản, chế biến sản phẩm.

Trong những năm gần đây, việc mở cửa thị trường quốc tế cho các loại nông sản và trái cây tươi của Việt Nam đã đánh dấu một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, việc nhập khẩu các loại trái cây vào thị trường Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, để đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế, việc chuẩn hóa và thí nghiệm các sản phẩm trở nên vô cùng quan trọng. đòi hỏi ứng dụng công nghệ cao trong chế biến.

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thông tin, Việt Nam hiện có 150 nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ nhỏ.

Điểm nghẽn trong nâng cao giá trị cây ăn quả- Ảnh 5.

Hòa Bình có gần 16.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là nhóm cây có múi như cam, bưởi, quýt,...

Tuy nhiên, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm. Số còn lại rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến và tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, tới trên 20%.

Hiện nay, một số công nghệ tiên tiến được ứng dụng trong sơ chế bảo quản rau quả tươi. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế bảo quản, chế biến rau quả cần lưu ý đến xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.