Số liệu của Tổng cục Thống kê phối hợp với bộ LĐ-TB&XH công bố cho thấy, đến Quý I/2017, cả nước có gần 140 ngàn cử nhân tốt nghiệp đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) là hơn 102 ngàn người (riêng cử nhân sư phạm trình độ ĐH, CĐ có hàng chục ngàn người) thất nghiệp hoặc chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn được đào tạo.
Từ số liệu trên, dễ thấy tình trạng “ai cũng thích làm thầy chứ không muốn làm thợ”, mất cân đối giữa đào tạo trình độ ĐH, CĐ với trung cấp (TC) và trường nghề ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân do đâu khi biết học ĐH sẽ thất nghiệp nhưng nhiều người vẫn cố học?
Phải nói đến tâm lý của người dân, muốn con em đi học ĐH cho có tiếng với người khác. Thực tế, có không ít địa phương, dòng họ chỉ khen thưởng học sinh đỗ ĐH nguyện vọng 1, còn các em chọn TC, trường nghề để học sẽ không có vinh dự trên.
Như vậy, vô hình trung đã cổ súy cho việc học ĐH mà xem thường trường TC, cơ sở dạy nghề. Trong khi học ở những nơi này lại dễ kiếm việc làm hơn so với các ông cử, bà cử tốt nghiệp ra trường. Có lẽ vì vậy, Bộ tạo điều kiện để nhiều học sinh học ĐH?
Hiện nay, số trường ĐH đã có và mới thành lập nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Chưa kể các trường nâng cấp từ TC, CĐ lên ĐH. Trường nào cũng muốn tuyển đủ chỉ tiêu, có trường tìm cách “vét” thí sinh khi tuyển bằng điểm ngưỡng đầu vào do bộ GD&ĐT quy định (nhiều em tổng điểm 3 môn dưới 15 điểm, trung bình mỗi môn chưa được điểm 5) nhưng nhờ chế độ ưu tiên trong tuyển sinh cũng đỗ ĐH, rồi thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng (có em đến 10 nguyện vọng) và nhất là được thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi THPT Quốc gia. Nên đường vào ĐH, CĐ “chưa bao giờ dễ dàng đến thế”.
Cùng với đó, nhiều trường còn mở rộng nguồn tuyển với việc xét tuyển bằng cả học bạ THPT, rồi dùng nhiều tổ hợp môn thi để tuyển… Mục đích nhằm có nhiều học sinh trúng tuyển để đạt chỉ tiêu được giao. Vì thế, việc học ĐH không còn quá khó, không ngoa khi nói việc học ĐH, CĐ hiện nay dường như đang được “phổ cập”.
Tuy nhiên, “phổ cập ĐH” để làm gì khi những thí sinh vào giảng đường thuộc diện này thường có điểm thi chỉ ngang điểm sàn. Các em ít có cơ hội chọn trường, chọn ngành, cộng với tâm lý thích ĐH của phụ huynh nên chỉ biết chọn đại để được vào trường.
Chính vì “lay lắt” vào trường, các em không được chọn ngành theo đúng sở thích, khả năng học tập, dẫn đến mất hứng thú học tập, không theo kịp chương trình học, bị nợ môn, học phần…
Minh chứng cho điều này, năm 2016, trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã từng buộc thôi học gần một ngàn sinh viên vì kết quả học tập không đạt yêu cầu.
Đành rằng học ĐH là nhu cầu chính đáng của mỗi người nhưng tình trạng thất nghiệp cũng ngày càng trở nên phổ biến. Trong khi học ĐH hay TC, trường nghề, sau khi ra trường đều chung một mục đích. Đó là tìm được việc làm, nuôi sống bản thân, gia đình.
Tuy nhiên, phần lớn với cách đào tạo hiện nay của các trường (hết trách nhiệm sau khi tốt nghiệp, đào tạo theo cách “đem con bỏ chợ” hoặc “mặc kệ bây”) khiến người học phải tự lo tìm việc làm sau khi ra trường. Nếu thất nghiệp, không kiếm được việc đúng chuyên môn sau 4-5 năm học là một sự lãng phí lớn về công sức, tiền bạc… cho người học và gia đình. Vậy thì học ĐH có lãng phí?
Theo các chuyên gia về việc làm, nhu cầu tuyển dụng người có trình độ cử nhân ĐH, CĐ trong các công ty, doanh nghiệp chiếm tỉ lệ ít hơn rất nhiều so với người học TC, trường nghề nên cơ hội tìm kiếm việc làm với những người học TC, cơ sở dạy nghề là rất cao. Thậm chí, có doanh nghiệp đã đặt hàng với những cơ sở đào tạo này khi các em còn ngồi học trên ghế giảng đường.
Thực tế ở Việt Nam có nhiều người thành công nhưng chưa từng qua trường lớp ĐH. Có thể kể ra như ông chủ của thương hiệu cà phê Trung Nguyên, ông bầu đội bóng Phố núi hay gần đây là chàng thanh niên 9X Võ Văn Tiếng với thương hiệu gạo Tâm Việt ở tỉnh Đồng Tháp. Đây là những tấm gương mà thí sinh lớp 12, các bậc phụ huynh cần suy ngẫm khi chọn trường để theo học. Chứ không nên chạy theo việc “phổ cập ĐH” như hiện nay.
Chính việc quá dễ dàng trúng tuyển ĐH (điểm sàn thấp), đào tạo theo kiểu “có vào là có ra” (dù phải thi lại, học lại nhiều năm) đã làm cho nhiều người lầm tưởng việc học ĐH hiện nay như đang được “phổ cập”. Nhưng việc làm này gây lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc… cho sinh viên khi học xong lại thất nghiệp thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Quang Châu
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả