Mekong Asean dẫn số liệu mới nhất từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam đạt 239 triệu USD, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mực giảm 5%, còn 130 triệu USD; bạch tuộc lại tăng 5%, đạt 109 triệu USD.
5 thị trường xuất khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam lần lượt là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan và EU.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc & Hồng Kông (Trung Quốc), lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Nhật Bản của Trung Quốc đã khiến nước này tăng nhập hàng từ các nguồn khác, trong đó có Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của Trung Quốc cũng tăng trong quý đầu năm nay cũng để phục vụ nhu cầu Tết Thanh minh và kỳ nghỉ lễ Lao động (1/5).
Theo báo Công Thương, VASEP cho biết, quý I/2024, giá trung bình xuất khẩu bạch tuộc đông lạnh của Việt Nam sang Trung Quốc dao động từ 3,5 - 4,9 USD/kg. Giá trung bình xuất khẩu mực đông lạnh dao động từ 1,8-3,4 USD/kg. Trong 3 tháng đầu năm nay, giá bạch tuộc tăng từ tháng 1 trong khi giá mực lại có xu hướng giảm từ tháng 1.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Trung Quốc như: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển An Khang Thịnh, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại dịch vụ thủy sản Gia Bảo, Công ty TNHH Phát triển Thực phẩm Bardo…
Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam các sản phẩm như: Mực khô, mực ống và mực nang khô, mực nang nguyên con làm sạch đông lạnh, mực ống đã phân loại đông lạnh, mực tẩm bột Tempura đông lạnh, mực khô, bạch tuộc cắt đông lạnh, bạch tuộc nguyên con làm sạch đông lạnh...
Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD
Theo báo Tin tức, tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) năm 2024, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Vasep cho rằng: Trong bối cảnh thế giới nhiều thách thức, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD trong năm 2024.
Để đạt mục tiêu đặt ra, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường; trong đó cần tập trung đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa. Ngành thuỷ sản phải xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiên phong trong điều kiện mới nhằm tăng sức cạnh tranh, chủ động hơn trong kinh doanh, khẳng định vị trí và tiềm lực phát triển của ngành thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Song song đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng phải cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình, qua đó có được phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển ngành nông nghiệp cả nước. Ước tính, ngành thủy sản đóng góp 28% giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu có thời điểm đã vượt qua 10 tỷ USD.
Trước bối cảnh trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, ngành thủy sản cần tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng là gỡ thẻ vàng IUU, các địa phương thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát đội tàu. Doanh nghiệp tập trung đa dạng hóa thị trường, đa dạng hoá sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiệp hội ngành hàng tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; thường xuyên cập nhật thông tin, nhu cầu thị trường để nông dân, ngư dân tổ chức sản xuất, khai thác hợp lý, hiệu quả.
Minh Hoa (t/h)