Sau khi đăng tải những bất thường trong điểm thi THPT Quốc gia 2016 tại tỉnh Lạng Sơn, báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thi, Trưởng phòng Đào tạo, trường đại học Xây dựng. Đây là đơn vị chủ trì cụm thi tỉnh Lạng Sơn trong kỳ thi này.
Thưa ông, năm 2016, việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại tỉnh Lạng Sơn được phối hợp tổ chức thế nào?
Năm 2016 bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học chủ trì để tổ chức các điểm thi THPT Quốc gia dành cho đối tượng thí sinh xét tốt nghiệp và đại học. Đại học Xây dựng nhận nhiệm vụ chủ trì tại cụm thi 17 – Lạng Sơn, địa phương này là đơn vị phối hợp. Bản thân tôi nằm trong thành phần của trường, Trưởng đoàn là thầy Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng. Trường Xây dựng phối hợp với trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tổ chức 10 địa điểm thi tại Lạng Sơn.
Lúc đó, chúng tôi đã tự quyết định các nơi đặt điểm thi dựa trên sự giới thiệu của sở GD&ĐT Lạng Sơn. Điểm trưởng các điểm thi là người của đại học Xây dựng, các Điểm phó là Hiệu trưởng các trường THPT (do sở GD&ĐT Lạng Sơn đề xuất), và các cán bộ trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Về nguyên tắc, Điểm trưởng là người quyết định, chịu trách nhiệm chung tất cả mọi việc. Chúng tôi có 2 nhiệm vụ, chủ trì coi thi và chủ trì chấm thi.
Vậy còn giám thị coi thi thì sao, thưa ông?
Cán bộ, giảng viên của đại học Xây dựng là giám thị 1, cán bộ, giảng viên của địa phương (sở GD&ĐT Lạng Sơn; trường cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn) là giám thị 2.
Đối với việc bảo quản đề thi, bài thi như thế nào?
Công tác bảo quản theo quy định, có 1 phòng bảo vệ nghiêm ngặt để cất bài thi và đề thi. Bên sở GD&ĐT Lạng Sơn, cơ quan công an có nhiệm vụ bảo vệ người và tài sản liên quan.
Năm 2018, sai phạm thi cử diễn ra ở một số địa phương và tập trung ở khâu chấm thi. Còn ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng sai phạm rất dễ xảy ra ở khâu coi thi. Ông đánh giá sao về công tác coi thi của mình trong năm đó?
Trường đại học Xây dựng đã có hơn 60 năm đào tạo, đặc biệt các công tác tổ chức coi thi, chấm thi đã trở thành kỹ năng rồi. Tôi khẳng định là ngoài quy trình, trường đã chuyên môn hóa công tác coi thi này. Từ đó, tôi khẳng định năm 2016, công tác coi thi đảm bảo an toàn và đúng các quy định.
Khi tổ chức một kỳ thi mang tính Quốc gia địa phương, người ta lo ngại nhất là sự “thỏa hiệp” giữa địa phương và trường đại học, điều này có hay không trong năm đó ở cụm thi mình chủ trì?
Tôi khẳng định không có điều đó. Giữa trường đại học và địa phương không “thỏa hiệp” vì lợi ích nào đó. Không chỉ riêng đại học Xây dựng, mà tất cả các trường đại học cao đẳng trong cả nước đều không dại gì mà làm điều đó.
Năm đó việc in, sao đề thi được thực hiện thế nào, thưa ông?
Năm đó chúng tôi thuê đại học Bách khoa Hà Nội in sao đề thi. Bên phía trường trực tiếp là thầy Phạm Xuân Anh (Phó Hiệu trưởng), phía tỉnh Lạng Sơn điều xe chuyên dụng tới để mang đề về. Tất cả mọi công đoạn đều có sự giám sát của các bên theo quy định, kể cả khi thi xong vận chuyển bài thi về Hà Nội chấm cũng bằng xe chuyên dụng.
Vậy còn việc chấm thi?
Môn trắc nghiệm chúng tôi tự chấm ngay tại trường, theo đúng quy trình. Toàn bộ giáo viên chấm thi tự luận khối C (Văn, Sử, Địa) đều là giáo viên đang công tác tại các trường THPT tại Lạng Sơn. Các giáo viên này do sở GD&ĐT Lạng Sơn lựa chọn và gửi xuống, chúng tôi đã thuê họ chấm bài.
Ông có thể lý giải tại sao lại là giáo viên của Lạng Sơn chấm thi, vì điều này rất dễ xảy ra tiêu cực?
Lực lượng các thầy cô tại Hà Nội các trường đã ký hợp đồng thuê hết, nên chúng tôi phải nhờ sự hỗ trợ từ phía sở GD&ĐT Lạng Sơn. Các tỉnh lân cận đây cũng vậy, giáo viên của họ cũng đã đi chấm thi cho các trường đại học khác tại Hà Nội.
Sau khi có kết quả, chính bản thân tôi đã sang đại học Quốc gia Hà Nội để thuê lực lượng chấm kiểm tra (rút bài ngẫu nhiên để chấm lại) thì kết quả rất tốt, các bài thi đều được chấm đúng, chấm đủ.
Sau khi chấm xong, trường có tổng hợp và thống kê điểm của thí sinh không, thưa ông?
Không! Các cháu điểm thế nào thì công bố vậy thế thôi.
Theo thống kê, khối C năm đó điểm trung bình toàn quốc là 14,5 thì tại Lạng Sơn, điểm trung bình khối C là 17,849. Địa phương này cũng sở hữu số thí sinh có điểm khối C cao đột biến (Số thí sinh trên 20 điểm là 566 thí sinh; số thí sinh có điểm trên 24 là 158; và trên 27 điểm là 21 thí sinh). Ông nghĩ sao về con số này?
Cùng trong hệ thống ngành, nên chúng tôi luôn tin tưởng các thầy cô chấm từ Lạng Sơn. Và, thật sự, từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng điểm thi của các cháu là bất thường. Đến bây giờ, khi nắm được những con số này thì quả thực tôi cũng thấy bất thường, cũng cao.
Ông nghĩ sao nếu bộ GD&ĐT tổ chức chấm thẩm định lại bài thi, trường có đồng ý?
Hoàn toàn đồng ý, chỉ có điều, theo quy định những bài thi chỉ lưu không quá 2 năm, không bắt buộc phải lưu vĩnh viễn. Vậy nên những bài thi này có thể đã không còn. Về nguyên tắc là bài thi không còn, nhưng nếu còn, thì chúng tôi sẵn sàng mời bộ GD&ĐT chấm thẩm định bài thi để làm rõ.
Xin cảm ơn ông!
Giám đốc sở GD&ĐT đẩy hết trách nhiệm cho đại học Xây dựng?
Trả lời báo Người Đưa Tin trước đó, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc sở GD&ĐT Lạng Sơn không hề nhắc đến việc phối hợp giữa Sở và đại học Xây dựng trong khâu coi thi, chấm thi như thực tế đã diễn ra. Cụ thể, ông cho hay: "Năm đó, đại học Xây dựng tổ chức họ chủ động về mọi mặt. Về con người, họ lấy thêm giảng viên của các trường chuyên nghiệp trên địa bàn để phối hợp công tác coi thi. Tỉnh chỉ hỗ trợ trong việc đảm bảo an ninh, trật tự, bảo quản đề/bài thi. Đến khi thi xong, trường đại học Xây dựng lại mang bài thi về dưới Hà Nội để chấm. Sau đó, họ chỉ gửi cho chúng tôi phiếu kết quả của những em xét tốt nghiệp".