Sau khi chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào 0h ngày 24/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cũng đã thông tin về phổ điểm các môn thi.
Theo Lao Động, phân tích phổ điểm theo các khối thi cho thấy, điểm thi tốt nghiệp THPT của các môn năm nay không có quá nhiều biến động. Năm nay, số điểm 10 giảm mạnh ở hầu hết các môn.
Trong đó, điểm tuyệt đối ở môn Ngoại ngữ giảm hơn 4.000. Môn Sinh học còn 5 thí sinh đạt điểm 10 thay vì gần 600. Các môn Toán, Địa lý, số điểm 10 cũng giảm.
Ở chiều ngược lại, số điểm tuyệt đối ở các môn Ngữ văn, Vật lý, Hoá học và Lịch sử tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là môn Lịch sử, từ 266 năm 2021 lên 1.779 vào năm nay. Phổ điểm theo các khối thi năm nay vẫn dao động từ 21-26 điểm theo các khối tuyển sinh.
Trao đổi với Zing, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét trong tình hình ba năm Covid-19, với nỗ lực của Bộ GD&ĐT, kết quả thi tốt nghiệp năm nay có nhiều điểm tích cực, đáng ghi nhận.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, điều thấy rõ sự thay đổi nhất ở kết quả năm nay nằm ở phổ điểm 2 môn Lịch sử và Tiếng Anh. "Về môn Lịch sử, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về môn học này. Vì vậy, việc thay đổi cách ra đề để đánh giá học sinh về môn Lịch sử đã có những chuyển biến tích cực. Phổ điểm môn thi này năm nay khá đẹp và đây là điều đáng ghi nhận.
Về môn Tiếng Anh, năm ngoái, đề thi môn này có phổ điểm theo hình chuông. Năm nay, phổ điểm môn Tiếng Anh có nhiều điểm tiến bộ hơn”, GS Nguyễn Văn Minh đánh giá.
Trên cơ sở phân tích phổ điểm, ông cho rằng, điểm thi năm nay là một trong những căn cứ để các trường đại học có thể dựa vào như một hình thức tuyển sinh của mình.
Đồng quan điểm, TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GDĐT, cũng cho rằng, với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các trường đại học hoàn toàn có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển.
Còn theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, qua phân tích phổ điểm, ông đánh giá kết quả kỳ thi năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm 2021, giữ ở mức ổn định. Môn Lịch sử và môn Tiếng Anh đã có sự điều chỉnh tốt hơn.
"Tôi đánh giá với phổ điểm và kết quả năm nay thì kỳ thi đạt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Có thể thấy được qua phổ điểm này chúng ta có thể đánh giá được mức độ, kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc.
Những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn", GS Nguyễn Đình Đức nhận định.
Ông cũng cho rằng, về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều giữ ổn định, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Phổ điểm các khối thi vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh, không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tuy nhiên, tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm chuẩn sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn Tiếng Anh thì điểm chuẩn sẽ giảm đi.
"Với phổ điểm thi năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm trước vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối", GS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
TS.Lê Thống Nhất cũng nhận định sự thay đổi của phổ điểm môn thi Lịch sử đã chứng minh nền giáo dục đã thay đổi được phương pháp dạy - học và cách ra đề thi ở môn học này.
"Nhìn chung phổ điểm năm nay giữ ổn định so với năm ngoái. Tôi tin rằng việc công bố phổ điểm từng môn thi và các khối thi sẽ giúp các em học sinh cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng tốt hơn. Thầy cô, gia đình cũng có thể cùng tham mưu để giúp các em học sinh có những sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân", ông Nhất chia sẻ với Zing.
Minh Hoa (t/h)