Bị bắt vì “tham nhũng, hủ bại”
Tờ Minh Kính xuất bản tại Hồng Kông đêm 4/12 đưa tin, Lênh Chiến Thư, Chủ nhiệm Văn phòng trung ương ĐCSTQ chiều tối 1/12 đã dẫn theo các nhân viên an ninh tới nhà Chu Vĩnh Khang đọc lệnh bắt của Trung ương. Theo lệnh bắt, Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc các tội danh “tham nhũng, hủ bại, âm mưu đảo chính”.
Khi nghe lệnh bắt, Chu Vĩnh Khang (71 tuổi) đã ngất tại chỗ. Vợ của Chu Vĩnh Khang, Giả Hiểu Diệp (42 tuổi) cũng bị bắt cùng chồng. Hiện tại, cả hai người này đều bị quản thúc nghiêm ngặt tại nhà.
Một luật sư giấu tên nhận định trên tờ The New York Times: “Bây giờ mới là lúc ông Chu chính thức bị điều tra, không phải như mấy tháng trước, ông bị điều tra bí mật và không bị kiểm soát nhiều”. Cựu điều tra viên thì cho rằng: “Vấn đề thật sự của ông Chu là những cáo buộc tham nhũng liên quan đến vợ và con ông. Ông ấy cũng có thể chịu trách nhiệm, dù không dính líu”.
Chu Vĩnh Khang và Tập Cận Bình trao đổi trong một cuộc họp của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. |
Đồng thời, các nguồn tin của tờ The New York Times xác nhận ông Chu đang bị điều tra bởi một nhóm đặc biệt của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương (CCDI), với sự hỗ trợ của các sĩ quan công an cấp cao. “Họ đã tự tay chọn một số quan chức ở Bắc Kinh phụ trách vụ án nhằm kiểm soát chặt chẽ vụ này”, nữ doanh nhân là cháu gái của một cố lãnh đạo tiết lộ.
Hồi tháng 10, tờ South China Morning Post ở Hồng Kông dẫn một số nguồn tin cao cấp tiết lộ ông Tập Cận Bình và Bí thư Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Ương Vương Kỳ Sơn đã lập một đơn vị đặc biệt do ông Phó Chính Hoa, Thứ trưởng Bộ Công an kiêm Giám đốc Sở Công an Bắc Kinh, đứng đầu để điều tra vụ bê bối tham nhũng liên quan đến ông Chu.
Từ khi có thông tin bắt Chu Vĩnh Khang cho đến nay, giới chức cũng như truyền thông chính thống Trung Quốc chưa đề cập hay có phản ứng trước các thông tin về ông Chu.
Tham nhũng hay thanh trừng?
Theo kế hoạch ban đầu, giới chức Trung Quốc sẽ công bố thông tin vào trung tuần tháng 12/2013. Tuy nhiên, việc này phải dời lại vì nhưng lo ngại sẽ có sự so sánh của dư luận quốc tế giữa Chu Vĩnh Khang và Jang Song-thaek, nhân vật quyền lực thứ hai tại Triều Tiên vừa bị thanh trừng.
Chu Vĩnh Khang sinh tháng 12/1942, là người gốc Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Năm 1964 Chu gia nhập Đảng cộng sản Trung Quốc, sau đó tham gia công tác khảo sát địa chất ở vùng đông bắc Trung Quốc năm 1966 khi Đại Cách Mạng Văn Hóa nổ ra.
Cuộc gặp gỡ giữa Chu Vĩnh Khang và Kim Jong-un năm 2010, ngày Kim Jong-un còn giữ chức Đại tướng Triều Tiên. |
Ông tốt nghiệp khoa khảo sát và thăm dò của Học viện dầu khí Bắc Kinh chuyên ngành khảo sát và thăm dò địa chất. Là một cử nhân đại học, ông giữ danh hiệu kỹ sư cao cấp ngày đó với cấp bậc tương đương giáo sư hiện nay.
Năm 1980, ông Chu là thứ trưởng ngành công nghiệp dầu khí, và từ năm 1996 giữ chức tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc, công ty năng lượng lớn nhất Trung Quốc.
Năm 1998, Chu Vĩnh Khang giữ chức Bộ trưởng tài nguyên và môi trường, và năm 1999 là bí thư Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên. Đến năm 2002, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng bộ công an nhiệm kỳ 2002-2007.
Thời gian Chu Vĩnh Khang ở Tứ Xuyên và giữ chức bộ trưởng công an đã làm ông được lưu ý bởi chính quyền trung ương Đảng, và vào năm 2007, ông được cử thay thế vị trí của La Cán, người nghỉ hưu từ ủy ban chính trị và hành pháp, và chịu trách nhiệm về tòa án, cảnh sát, các lực lượng bán quân sự và nhiều cơ quan an ninh và gián điệp của chính phủ.
Do đó, mặc dù ông Chu Vĩnh Khang có thứ hạng thấp trong Ban thường vụ bộ chính trị, nhưng đó không phải là thước đo quyền lực thực tế của ông ta. Chu Vĩnh Khang nắm quyền lực rất lớn trong lực lượng hành pháp.
Chu Vĩnh Khang (ảnh trái) và Jang Song-thaek |
Ngoài ra, Chu Vĩnh Khang còn có liên quan mật thiết tới Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh vừa bị đem xét xử với những tội danh tham nhũng. Tờ Minh Kính của HongKong đưa tin, Chu Vĩnh Khang đã đẩy Bạc Hy Lai leo cao để làm con rối chính trị và thông qua việc khống chế Bạc Hy Lai để thực hiện âm mưu chiếm đoạt các lợi ích hủ bại lớn hơn.
Chưa dừng ở đó, điều tra về Chu Vĩnh Khang còn cho thấy nhân vật đầy quyền lực mà ít bị chú ý này đã từng có âm mưu đảo chính. Đặc biệt, Chu Vĩnh Khang đã lên kế hoạch ám sát Tập Cận Bình sau khi ông Bình được xác định là người kế nhiệm Hồ Cẩm Đào.
Những thông tin này khiến người ta dễ dàng liên tưởng tới Jang Song-thaek, người chú đầy quyền lực của lãnh đạo trẻ tuổi Triều Tiên. Hai người, Jang và Chu đều có những điểm chung: họ có quyền lực đủ để làm khuynh đảo hệ thống chính trị, đồng thời luôn tiềm ẩn nguy cơ đảo chính. Bản thân Jang Song-thaek thời kỳ cố lãnh đạo Kim Jong-in cũng đã từng chuẩn bị cho mưu đồ lật đổ.
Hồi giữa tháng 12/2013, Jang Song-thaek đã chính thức bị Kim Jong-un tước mọi quyền lực và hạ lệnh xử bắn lập tức. Jang bị cáo buộc các tội danh tham nhũng, hủ bại, mưu đồ phản bội.
Theo Nguyên Minh (Báo Đất Việt)