Vừa làm kinh tế, vừa bảo vệ lãnh thổ
Phú Quốc là thành phố đảo của tỉnh Kiên Giang có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh. Thành phố đảo này nằm trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan và Malaysia, có diện tích tự nhiên 593 km², với 36 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo Phú Quốc lớn nhất, diện tích 567 km².
Hiện nay, trở ngại lớn của nhiều ngư dân Phú Quốc là đồng vốn ban đầu và cần tỉnh hỗ trợ khơi thông để con tàu ra khơi. Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Quốc Hưng (40 tuổi, ngụ xã Cửa Cạn, Tp.Phú Quốc) cho biết, mong muốn của ngư dân đánh bắt xa bờ yêu cầu ngành thủy sản Kiên Giang xây dựng ngư trường bền vững, có chính sách cân đối giữa số lượng tàu và ngư trường hợp lý, nhằm khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản như hiện nay.
Ông Hưng chia sẻ: "Khó khăn hơn nữa là các ghe nhỏ không đánh bắt xa bờ được, trong khi lượng thủy sản ngày càng suy kiệt, nhiều tàu lớn cứ đánh bắt cào bờ xiệp mé thì lấy đâu ra thủy sản để khai thác".
Vậy nên, theo ông Hưng, cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ để ngư trường trong nước dồi dào tôm cá, kiên quyết chấm dứt nghề cào bờ xiệp mé (kiểu khai thác hải sản tận diệt - PV), xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện khai thác đánh bắt, xâm hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Tình yêu với biển, đảo, với Tổ quốc đã trở thành động lực để sau mỗi chuyến lênh đênh trên biển dài ngày trở về lại thôi thúc ý chí những ngư dân tiếp tục rẽ sóng, giong buồm ra khơi.
Chính vì thế, mặc dù giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa phục vụ khai thác đánh bắt trên ngư trường tăng cao nhưng do ngư dân liên tục trúng mùa bán được giá nên rất phấn khởi, tiếp tục bám biển và trụ vững với nghề.
Sau một chuyến biển, trừ đi những khoản chi phí đầu tư sản xuất, tùy vào phương tiện công suất lớn nhỏ, ngư dân đạt lợi nhuận gần cả trăm triệu đồng.
"Những ngày đánh bắt xa bờ, các ngư phủ chúng tôi ngoài chuẩn bị lương thực, ngư cụ đánh bắt, mỗi ngư dân còn "trang bị" cho mình cả sự dũng cảm, gan lì để ứng phó với những tình huống nguy hiểm, đe dọa từ tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam", ông Hưng chia sẻ thêm.
Đặc biệt, các cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,... các đơn vị đóng trên địa bàn luôn thực hiện tốt công tác hỗ trợ bà con ngư dân và phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ - cứu nạn, thực sự là "điểm tựa" của ngư dân trên tuyến biển Tây Nam.
Nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân
Bên cạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ngư dân ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản hiệu quả, tỉnh Kiên Giang tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức triển khai thực hiện chính sách của tỉnh về hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tỉnh giám sát hành trình tàu cá 2 đợt cho 15.173 lượt tàu cá với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng và xem xét, phê duyệt danh sách hỗ trợ đợt 3 vào đầu tháng 6 năm 2024 cho khoản 7.000 lượt tàu với khoản 1,3 tỷ đồng.
Hiện, tại Tp.Phú Quốc tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 12m được UBND tỉnh Kiên Giang phân cấp quản lý là 1.824 tàu. Phòng Kinh tế đang phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch 216/KH-UBND của UBND tỉnh và Kế hoạch 535/KH-UBND của UBND Tp.Phú Quốc thực hiện đăng ký tàu cả đối với nhóm tàu "03 không". Tổng số tàu cá từ 6m đến dưới 12m cần đăng ký theo kế hoạch là 366 tàu.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lê Quốc Anh, Bí thư Thành ủy Phú Quốc cho biết, Phú Quốc đang xin các cơ chế cho người dân xã đảo Thổ châu như hỗ trợ tiền không tính theo hệ số lương, dự kiến 2,5 triệu/người/tháng cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức; miễn học phí cho học sinh đảo Thổ Châu, Hòn Rỏi,... để gắn bó với đảo vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ chủ quyền.
Thời gian tới, Tp.Phú Quốc tiếp tục tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống xã hội, thực hiện tốt phương châm mỗi bước tăng trưởng kinh tế - xã hội là một bước củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh.
Đồng thời rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đảo Phú Quốc đến năm 2030, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với củng cố quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển, phục vụ dân sinh đi đôi với tăng cường thế trận phòng thủ.