Tham vọng của hai nhà lãnh đạo
Nhận xét trên được đưa ra bởi chuyên gia Graham Allison, Giám đốc Trung tâm Khoa học và Quan hệ quốc tế Belfer của Đại học Harvard, trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm Mỹ vào ngày 6-7/3 tới.
Theo Allison, một Bắc Kinh vươn lên mạnh mẽ đang ngày càng thách thức Washington vốn quen thuộc với vai trò dẫn đầu. Tỉ trọng của Mỹ trong sản lượng kinh tế toàn cầu đã giảm từ 22% năm 1980 xuống chỉ còn 16% ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng lên từ 2% lên 18% trong khoảng thời gian tương đương.
Các nhà sử học từng nhận định, khi một cường quốc mới nổi có khả năng đe dọa thay thế một cường quốc dẫn đầu thì cũng là lúc thế giới nên cảnh giác với những nguy hiểm cực đoan trước mắt.
Theo thống kê của Washington Post, trong suốt 500 năm qua, sự trỗi dậy của một nước lớn đã 16 lần làm gián đoạn vị thế dẫn đầu của một quốc gia khác. Và 12 trong số 16 trường hợp đó, kết quả là chiến tranh. Đối với 4 trường hợp còn lại, xung đột chỉ được giải quyết khi khi cả hai phía có những điều chỉnh lớn lao cả về hành động và thái độ của mình. Trường hợp này từng xảy ra giữa Mỹ và Anh dưới thời cựu Tổng thống Theodore Roosevelt, hay giữa Mỹ và Xô viết trong thời Chiến tranh Lạnh.
Theo nhận xét của ông Allison, trong những năm tới, thế giới chắc chắn sẽ chứng kiến một loạt cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều khiến ông còn nghi ngờ là khả năng các nhà lãnh đạo của hai cường quốc trên có thể giải quyết, trung hòa những mâu thuẫn để chúng không leo thang thành chiến tranh.
Về mặt tính cách, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có những điểm tương đồng nhất định. Theo nhiều cách khác nhau, họ phần nào phản chiếu hình ảnh của nhau.
Cả hai đều cam kết khôi phục lại sự vĩ đại của quốc gia với một chương trình nghị sự được thay đổi căn bản. Tổng thống Trump từng nổi tiếng với câu khẩu hiệu: “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Còn khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông cũng từng tuyên bố về “Giấc mộng Trung Hoa”, kêu gọi “sự hồi sinh vĩ đại của Trung Quốc”.
Ông Trump cũng như ông Tập đều tự hào về khả năng lãnh đạo của bản thân mà họ cho là độc đáo. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Trump từng khẳng định, với sự nhạy bén hiếm có trong kinh doanh, bản thân ông có thể giải quyết những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Tương tự, ông Tập tự tin rằng quyền lực tập trung mạnh mẽ sẽ giúp ông lãnh đạo đất nước hiệu quả.
Trên thực tế, tham vọng và sự tự tin của mỗi vị nguyên thủ nói lên một điểm chung giữa cả Washington và Bắc Kinh: Sự ý thức về vị thế của quốc gia. Nhưng quan trọng hơn cả, hai nhà lãnh đạo này đều coi quốc gia kia là chướng ngại chính để đạt được tham vọng cốt lõi của mình.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ, khi những căng thẳng gây ra bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc kết hợp với những tham vọng lớn lao của hai vị nguyên thủ, nếu cả hai bên không giải quyết được sẽ dẫn đến những hậu quả mà phía còn lại không hề mong muốn.
Những bất đồng về vấn đề cốt lõi
Những tia lửa tiềm ẩn cho một cuộc xung đột như vậy rất đáng sợ. Khi ông Trump còn chưa chính thức bước vào Nhà Trắng, căng thẳng giữa hai bên đã leo thang qua vấn đề Đài Loan, chương trình hạt nhân của Triều Tiên và những căng thẳng thương mại giữa hai nước.
Con đường ngắn nhất dẫn tới đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khởi nguồn từ sự chuyển hướng mạnh mẽ của Washington đối với vấn đề Đài Loan. Trong suốt quá trình chuyển giao quyền lực, ông Trump đã đưa tín hiệu báo động với Trung Quốc bằng cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Trung Quốc có thể sẽ quyết liều lĩnh để bảo vệ phần lãnh thổ mà họ coi là quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia. Vì vậy, giải quyết vấn đề Đài Loan trong cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo là yếu tố then chốt trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vấn đề Triều Tiên cũng có thể là chất xúc tác cho một cuộc chiến mà không ai muốn giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, ông Trump được cho là sẽ yêu cầu ông Tập gây sức ép với Bình Nhưỡng để kiềm chế chương trình hạt nhân.
Bản thân Tổng thống Trump và chính quyền của ông đều tin rằng chỉ có Trung Quốc mới có khả năng tác động tới Triều Tiên trong bối cảnh hiện tại nhưng Bắc Kinh vẫn chưa cố gắng hết sức. Là đối tác thương mại số một của Bình Nhưỡng, Bắc Kinh được cho là có ảnh hưởng lớn nhất tới quốc gia này.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế nhận định, trên thực tế, Trung Quốc không có nhiều ảnh hưởng với Triều Tiên. Hai siêu cường đang chia sẻ mối bận tâm về Bình Nhưỡng nhưng họ khó đi đến những quyết định chung vì mỗi bên đều có mục đích khác nhau.
Bắc Kinh muốn duy trì tình trạng hiện tại của Bình Nhưỡng để tránh kịch bản Triều Tiên sụp đổ, gây ra tình trạng người tị nạn ào ạt sang Trung Quốc. Trong khi đó, Nhà Trắng không muốn duy trì tình trạng hiện tại khi Triều Tiên không ngừng phát triển chương trình hạt nhân.
Thêm vào đó, Trung Quốc đang gay gắt phản đối kế hoạch Mỹ triển khai lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc để bảo vệ đồng minh Seoul trước các mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Ngoài ra, nguy cơ bùng nổ giữa hai cường quốc về vấn đề thương mại hay tranh chấp ở Biển Đông cũng có thể xuất hiện trong cuộc gặp lần này.
Dù còn nhiều mâu thuẫn, nhưng cuộc gặp sắp tới được đánh giá là cơ hội vàng giúp hai nhà lãnh đạo có những bước chuyển hướng quan trọng của mối quan hệ trong thế kỷ XXI. Từ cuộc gặp này, họ sẽ phần nào nhìn ra những rủi ro trước mắt nếu tiếp tục bất đồng, để từ đó cùng nhau đưa ra hướng giải quyết có lợi cho cả đôi bên cũng như cộng đồng khu vực và quốc tế.
Xem thêm: Phân tích sức mạnh tàu đổ bộ tấn công Type-075 của Trung Quốc
Danh Tuyên