Sáng 30/7, đoàn công tác do sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) và sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Tĩnh chủ trì bắt đầu tiến hành xả kiệt nước trong đập Dâng công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang (đóng trên địa bàn huyện Vũ Quang) để tìm nguyên nhân ô nhiễm như phương án được thống nhất sau cuộc khảo sát thực địa và họp bàn trước đó.
Tuy nhiên, khi vừa mới bắt đầu xả được khoảng 3 tiếng đồng hồ, con sông Ngàn Trươi đã nhuốm 1 màu đỏ đục trên diện rộng. Có 8 xã của huyện Vũ Quang bước đầu bị ảnh hưởng gồm: Hương Minh, Hương Thọ; Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Linh, Đức Giang, Ân Phú.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương các xã và UBND huyện Vũ Quang đã kiến nghị, dừng ngay việc xả đập bởi nguy cơ sẽ bức tử 3 con sông lớn là Ngàn Trươi, Ngàn Sâu và sông La, không tiên lượng được hậu quả.
Tuy nhiên, phương án vẫn đang được tổ công tác UBND tỉnh phối hợp với bộ ngành Trung Ương tiếp tục triển khai trong nỗi lo lắng bất an của người dân và chính quyền sở tại.
Theo một cán bộ chính quyền huyện Vũ Quang: "Dự kiến xả trong 3 ngày sẽ kiệt Đập Dâng. Tình hình tiếp tục xả như thế này, nguy cơ ô nhiễm 3 con sông Ngàn Trươi, Ngàn Sâu và sông La. Mới xả trong vòng mấy tiếng đồng hồ mà sông Ngàn Trươi đã chuyển đỏ đục ngầu, người dân và chính quyền các xã đều lo lắng gọi điện kiến nghị liên tục nhưng chúng tôi cũng không thể làm được gì".
Như trước đó báo Người Đưa Tin đã phản ánh, công trình thủy lợi Ngàn Trươi Cẩm Trang là một trong ba công trình thủy lợi lớn nhất cả nước. Thời gian qua, nước tại Đập Dâng - Ngàn Trươi Cẩm Trang chuyển màu đỏ đen, bốc mùi hôi thối. Việc ô nhiễm nguồn nước tại dự án nước đa mục tiêu, ngoài thủy lợi còn là nước sinh hoạt phục vụ cho hơn 300 hộ dân thị trấn Vũ Quang và nước tưới tiêu cho hàng nghìn hộ dân của 6 huyện bắc Hà Tĩnh khiến chính quyền và người dân vô cùng lo lắng.
Nhà máy nước sạch Vũ Quang cũng đã phải tăng cường hóa chất để xử lý nước đầu vào. Đây không phải lần đầu tại đây xảy ra hiện tượng nước ô nhiễm, trước đó, từ ngày 13 - 16/5, nước Đập Dâng cũng chuyển màu đỏ đục. Kết quả quan trắc mẫu nước thời điểm đó cho thấy, có nhiều điểm thông số Fe, Amoni, CO, COD vượt ngưỡng.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng ô nhiễm, UBND tỉnh đã phối hợp với bộ NN&PTNT kiểm tra, đánh giá. Bước đầu, có 2 nguyên nhân chính được xác định là nguồn gây ô nhiễm là do công ty Gỗ MDF Thanh Thành Đạt xả thải và lượng mùn thối rữa đang lắng đọng dưới đáy hồ Ngàn Trươi quá trình vệ sinh, thu dọn lòng hồ trước đó mà chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4) bộ NN&PTNT triển khai chưa đảm bảo.
Chính bởi vậy, trong cuộc họp vào sáng 28/7, sau chuyến kiểm tra thực địa cùng với ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng cục Quản lý công trình bộ NN&PTNT, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thống nhất phương án mà phía Ban 4 đưa ra đó là sẽ xả kiệt Đập Dâng để lấy lượng mùn dưới đáy đập, xét nghiệm tìm nguyên nhân.