Trình bày tại tòa, luật sư đại diện CB cho rằng, việc bản án sơ thẩm tuyên thu hồi 4.500 tỷ đồng từ CB để trả lại cho Phạm Công Danh là chưa đủ cơ sở vững chắc. Theo đó, việc góp vốn là có thật, số tiền 4.500 tỷ đồng đã được hạch toán vào VNCB nên VNCB đã sử dụng số tiền này như vốn điều lệ.
Dòng tiền này sau đó đã hòa vào dòng tiền chung và được VNCB (sau này là CB) sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho BIDV trình bày, thời điểm giữa năm 2013, tập đoàn Thiên Thanh đang có khoản nợ số tiền 2.600 tỷ đồng của BIDV, đến hạn phải trả. Để có tiền trả nợ, Phạm Công Danh đã sử dụng 6 công ty do Phạm Công Danh thành lập làm thủ tục vay vốn tại Sacombank. VNCB đồng ý sẽ gửi số tiền 1.854 tỷ đồng vào Sacombank để đảm bảo cho các khoản vay của 6 công ty này. Khi được Sacombank giải ngân, Phạm Công Danh đã sử dụng 1.633.714.696.000 để trả nợ cho BIDV.
Việc bản án sơ thẩm xác định 1.600 tỷ đồng là vật chứng của vụ án, tuyên BIDV phải nộp lại trên 1.600 tỷ đồng để khắc phục hậu quả của vụ án là hoàn toàn không đúng quy định của pháp luật, không có cơ sở pháp lý.
Theo luật sư của BIDV, các ngân hàng không có trách nhiệm phải tìm hiểu và xác minh nguồn gốc số tiền trên tài khoản thanh toán của bên vay trước khi thu nợ.
Trong trường hợp này, phía BIDV hoàn toàn không biết và không buộc phải biết nguồn gốc số tiền mà tập đoàn Thiên Thanh dùng để tất toán các khoản vay của BIDV. Do vậy, BIDV được xác định là bên thứ 3 ngay tình và được pháp luật bảo vệ tại Điều 133 Bộ luật Dân sự 2015. Với quyết định thu hồi số tiền trên 1.600 tỷ đồng nêu trên của HĐXX sơ thẩm là không bảo đảm quyền và lợi ích của BIDV theo quy định của pháp luật.
Các khoản vay nêu trên đã được BIDV tất toán từ năm 2013 và đồng nghĩa với việc toàn bộ số tài sản đảm bảo bằng bất động sản có giá trị rất lớn của khách hàng vay và của bên thứ 3 đã được giải chấp trả lại cho họ. Cụ thể, 2 hợp đồng tín dụng vay BIDV (tại sở giao dịch 2 và chi nhánh Hải Vân) của tập đoàn Thiên Thanh có tổng giá trị tài sản đảm bảo (được định giá hơn 3.721 tỷ đồng) lớn hơn tổng giá trị khoản vay (2.700 tỷ đồng) đã được giải chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Nếu tòa quyết định thu hồi số tiền trên 1.600 tỷ đồng thu nợ hợp pháp của BIDV thì quyền lợi của BIDV sẽ được bảo đảm như thế nào khi tài sản thế chấp đã được giải chấp từ 5 năm trước?. Việc này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của BIDV mà còn kéo theo rất nhiều những hệ lụy đối với các giao dịch liên quan đến khách hàng vay và tài sản bảo đảm sau khi đã được giải chấp.
Từ đây có thể sẽ tạo ra những tiền lệ dẫn đến nguy cơ hàng loạt các giao dịch vay vốn, tiền gửi với giá trị nhiều tỷ đồng xảy ra tranh chấp, làm xáo trộn các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại hợp pháp, hợp lệ đang vận hành bình thường, không gặp vướng mắc gì, trong toàn hệ thống ngân hàng.
Cũng tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn cho rằng, việc bị cáo Danh yêu cầu HĐXX thu hồi các dòng tiền, trong đó có 3.600 tỷ đồng từ bà Phấn là không phù hợp, vì số tiền này không liên quan đến giai đoạn 2 này, số tiền này do Danh gửi ngân hàng để tái cơ cấu nên không có cơ sở thu hồi.
VKS bác tất cả kháng cáo, giữ nguyên kháng nghị
Tham gia đối đáp lại các quan điểm của các luật sư, đại diện VKS cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng phần lớn từ quan hệ tín dụng trái pháp luật, có nguồn gốc bất hợp pháp. Án sơ thẩm cho rằng số tiền này là của Danh khi chỉ căn cứ vào việc các cá nhân góp vốn có tiền mà không xem xét nguồn gốc số tiền là không có cơ sở.
Số tiền tăng vốn điều lệ sau khi chuyển vào VNCB đã hòa chung vào nguồn tiền của VNCB và có cơ sở Danh là người chỉ đạo sử dụng số tiền 4.500 tỷ. Án sơ thẩm thu hồi trả lại cho Danh trong khi Danh đã sử dụng và giờ được tuyên trả lại là Danh được hưởng lợi kép, đồng nghĩa với việc Nhà nước mất thêm 4.500 tỷ đồng.
Mặt khác, theo VKS, số tiền 4.500 tỷ không phải là công cụ, phương tiện phạm tội, không phải là đối tượng phạm tội nên không có cơ sở để thu hồi.
Về kháng nghị của VKS không cho 4 bị cáo được hưởng án treo, đại diện VKS nhận định, VKS rất đồng cảm với hoàn cảnh của các bị cáo, nhưng các bị cáo đã thành niên, có nhận thức thì phải chịu trách nhiệm với việc làm của mình.
VKS xác định các bị cáo không đủ điều kiện hưởng án treo đã nêu rõ trong kháng nghị nhưng không có nghĩa VKS đề nghị cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội vì theo quy định ngoài án treo còn có các hình phạt khác, HĐXX sẽ cân nhắc trong bản án.
Đối với các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, hưởng cải tạo không giam giữ, hay án treo, đại diện VKS cho rằng hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, và các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm. Hình phạt cấp sơ thẩm tuyên là tương xứng với hành vi phạm tội nên không có cơ sở xem xét cho các bị cáo trong nhóm này.