HĐXX tòa án nhân dân TP. Hòa Bình trả hồ sơ để điều tra bổ sung với 5 nhóm yêu cầu, trong đó có yêu cầu điều tra, làm rõ trách nhiệm đối với ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) trong việc ký kết các hợp đồng liên danh sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị y tế và căn cứ để thu nguồn tiền chạy thận nhân tạo. Xác định có hay không thỏa thuận khác trong việc thu và sử dụng nguồn tiền này.
Ông Trương Quý Dương đã tức tốc về nước sau khi có quyết định của HĐXX. Trước đó, luật sư Đỗ Quốc Quyền được ông Dương ủy quyền tham dự phiên tòa. Ngày 8/6, khi PV đề cập đến việc ông Dương đã về nước và liệu rằng luật sư có tiếp tục "song hành" với ông này trong quá trình làm việc với cơ quan tổ tụng, vị luật sư này cho biết "cái này anh chưa bàn tới".
Trong một diễn biến mới liên quan đến việc mời luật sư tham gia tố tụng, trợ giúp pháp lý cho những cá nhân bị HĐXX kiến nghị, yêu cầu xem xét trách nhiệm, hai bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và Đặng Thị Huyền (bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) đã có đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý. Bác sĩ Linh và Huyền là vợ chồng và đều là đồng nghiệp của bác sĩ Hoàng Công Lương.
Bác sĩ Linh chia sẻ, vào sáng 8/6 anh đã có được sự chấp thuận chính thức của Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Hà Nội) trợ giúp pháp lý miễn phí cho anh và vợ ngay từ thời điểm này và trong mọi giai đoạn tố tụng của vụ án. Bác sĩ Linh cho biết, đây là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi pháp lý cho bản thân.
"Kể từ bây giờ, trong quá trình làm việc với các cơ quan pháp luật, văn bản nào không có sự chứng kiến, tham gia của luật sư đều không có giá trị khách quan, do tôi bị ép buộc ký", bác sĩ Linh cho biết.
Trong vụ án trên, cơ quan điều tra đã có Giấy triệu tập làm việc đối với bác sĩ Linh và bác sĩ Huyền.
Cũng trong ngày 8/6, ông Hà Quang Dĩnh, Chánh án TAND tỉnh Hòa Bình đã trả lời về quy trình tố tụng đối với ông Trương Quý Dương.
Theo ông Dĩnh, trong trình tự tố tụng, HĐXX Tòa án TP. Hòa Bình đã có quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung trong đó có kiến nghị điều tra làm rõ trách nhiệm của ông Dương khi còn làm Giám đốc Bệnh viện về mua bán vật tư, hợp đồng và liên quan vụ chạy thận…
Chính vì thế thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Việc có áp dụng hay không áp dụng ngăn chặn, cấm xuất cảnh...là thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra.
Theo một nguồn tin của PV, hồ sơ vụ án đã được chuyển về cho cơ quan điều tra để thực hiện việc điều tra bổ sung theo yêu cầu của HĐXX.Theo luật sư Đặng Văn Cương (Đoàn luật sư Hà Nội), thời hạn điều tra bổ sung, điều tra lại vụ án hình sự được thực hiện theo Điều 174 BLTTHS.
Khoản 2 Điều này quy định, trường hợp vụ án do VKS trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 02 tháng; nếu do Tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 01 tháng. VKS chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung 02 lần. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 01 lần và HĐXX chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 1 lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung.