Theo đó, anh V. và chị H. (cha mẹ cháu bé) có phát hiện một vài điều lạ liên quan đến khả năng của con gái mình và rất mong các nhà khoa học quan tâm xem xét đến.
Anh V. bố cháu Th.
Những ngày đầu gây cháy
Anh V. cho biết, hiện cháu bé vẫn sinh hoạt cùng gia đình hết sức bình thường. Từ vụ hỏa hoạn lớn ngày 12/05 đến nay, thỉnh thoảng một số đồ vật nhỏ trong nhà cũng tự bốc cháy, nhưng không có gì nghiêm trọng vì gia đình anh luôn cảnh giác, đề phòng.
Về việc dư luận đang đồn đoán khả năng của cháu Th có liên quan đến vụ tai nạn nghiêm trọng hồi năm 3 tuổi của cháu bé, chị H. mẹ cháu Th. khẳng định: "Vết thương do tai nạn gây ra đã hoàn toàn lành hẳn, và không có chuyện cháu bị chấn thương sọ não như một số báo đã đưa tin".
Được biết, năm cháu Th lên 3 tuổi vợ chồng chị H. có đưa cháu về quê ngoại chơi. Cháu mải nô đùa nên sơ ý bị ngã. Tuy là tai nạn khá nghiêm trọng, nhưng kết quả chụp citi cho thấy, cháu chỉ bị chấn thương tai, vỡ xương đá nhẹ.
Sau khi cháu hồi phục sức khỏe, cứ cách 6 tháng, anh chị lại đưa cháu đến bệnh viện kiểm tra vết thương. Và cho đến nay, phần xương đá phía bên trái bị vỡ của cháu Th đã hoàn toàn liền hẳn. Cháu cũng chưa bao giờ kêu đau đầu hay nhức nhối tại vết thương cũ.
Từ nhỏ đến lớn bé Th. phát triển hết sức bình thường, thậm chí còn rất hoạt bát, thông minh và xinh xắn. Tuy nhiên, theo mẹ cháu Th thì lúc mới sinh ra, hai bên đầu chân mày, ngay giữa trán bé có hai vết bớt tròn đỏ au, hết sức kì lạ. Là hai chấm tròn màu đỏ khá to, lại rất cân xứng nơi hai đầu chân mày khiến anh chị hơi lo sợ. Nhưng chỉ khoảng 3 tháng sau thì hai vết bớt lạ bỗng nhiên biến mất hẳn.
Cách đây 5 tuần, khi trong nhà liên tục xảy ra các vụ cháy "bí ẩn", anh V. không hề nghĩ nguyên nhân lại từ cô con gái lớn của mình. Như thường lệ, anh đưa con gái và con trai sang nhà người thân chơi. Qua nhà bác được 30 phút, bé gái 11 tuổi đã chỉ lên bàn và gọi: "Bác ơi, cục sạc điện thoại bị cháy kìa! ". Hơi hoảng, nhưng anh V. thật sự không dám tin. Anh tiếp tục đưa hai con sang nhà cậu với mục đích để "thử nghiệm".
Khoảng 2 tiếng sau, đồ vật trong nhà cậu lại tự nhiên bốc cháy. Thật sự anh V. rất bối rối vì anh biết một trong hai đứa con mình là nguyên nhân, nhưng chưa xác định được bé nào. Anh V. đưa hai cháu ra ngoài rồi phụ giúp gia đình cậu dập lửa.
Được ít phút sau, cháu gái bảo muốn đi vệ sinh. Khi bé đang trong toilet thì ổ điện tại đây lại bốc cháy, bé gái hoảng sợ chạy ra ngoài gọi bố. Đến lúc này, anh V. mới thật sự tin nguyên nhân các vụ cháy là do con gái mình.
GS. Đào Vọng Đức (Viện Vật Lý): Có thật bé "phóng hỏa" hay không rồi mới có nghiên cứu tiếp theo Trao đổi với PV, GS. Đào Vọng Đức (Viện Vật Lý) cho biết: "Không tiếp xúc cháu bé thì không thể nói trước điều gì. Tôi đang có chuyến công tác tại TP.HCM và sẽ đến nhà cháu bé gặp gỡ". GS. Đào Vọng Đức cho rằng: "Bất kỳ hiện tượng kỳ lạ nào cũng phải được chứng minh bằng khoa học thực nghiệm xem nó có thật hay không, phải thực nghiệm nhiều lần mới có kết luận chính xác. Trong trường hợp hiện tượng chỉ xảy ra ngẫu nhiên thì không thể kết luận. Trường hợp này phải thực nghiệm khả năng gây cháy của cháu bé là có thật hay không rồi mới có nghiên cứu tiếp theo". |
Tại sao đồ gỗ không tự phát cháy?
Nghe lời khuyên của một số người thân, anh V. đưa gia đình đi nghỉ mát ở Vũng Tàu với hy vọng thời tiết và không gian thoáng đãng sẽ giúp cải thiện những bất thường của cháu Th.
Mỗi buổi sáng, mẹ cháu Th. lại đưa cháu ra bãi biển ngâm chân dưới cát để xả bớt "điện" vào đất. Nhưng cũng không hiệu quả là bao, các khách sạn nơi cháu Th. nghỉ lại đều có vật dụng bị bốc cháy?.
Sau khi về nhà, anh V. liền đưa cháu đến hầu hết các bệnh viện lớn nhỏ trong thành phố để kiểm tra, nhưng kết quả hoàn toàn không có gì bất thường. Mặc dù không hề tin vào những điều mê tín, nhưng vì hết cách anh V. đã từng mời thầy về cúng sao hạn trong nhà.
Trong thời gian túc trực bên cạnh con gái, anh V. phát hiện, khi cháu ở những không gian thông thoáng, hiện tượng đồ vật tự bốc cháy rất ít khi xảy ra và mức độ cũng nhẹ hơn. Ví dụ như ngoài đường, ở lớp học, hay tại những khu vui chơi, .v.v.
Ngoài ra, khi cháu thường xuyên di chuyển cũng hiếm khi xảy ra cháy. Chỉ khi nào cháu đứng yên, hay ngồi một chỗ mới có đồ vật phát cháy. "Bằng chứng như khi cháu ngồi ăn cơm thì đệm cháy, hay lúc đi vệ sinh thì nắp bồn cầu bị cháy .v.v.", anh V. cho biết.
Hiện trường của vụ cháy được cho là do bé Th gây ra.
Hơn nữa, các đồ vật bị cháy thường làm bằng nhựa, cao su, vải. Ngay cả các vật dụng như xô, thau nhựa vợ chồng anh V. luôn hứng đầy nước để phòng khi cháy cũng... tự chảy nhão ra dần.
Anh V. kể tiếp: "Nhưng có điều lạ lùng là không thấy các đồ vật bằng gỗ tự bốc cháy, mặc dù gỗ cũng rất dễ bị bắt lửa. Như hôm bị cháy chiếc tủ, tôi chạy lên lầu thấy quần áo trong tủ cháy trước, rồi lửa mới lan qua tủ. Những chiếc giường, bàn ghế gỗ cũng không cháy. Chỉ cháy chiếc ghế đệm xoay bằng nhựa, tấm nệm cao su đặt trên giường. Nên bây giờ vợ chồng tôi chỉ để lại 3 chiếc giường gỗ và ngủ bằng chiếu tre. Cho đến nay, vẫn chưa thấy đồ vật bằng gỗ nào tự phát cháy".
Ngay buổi sáng ngồi tiếp chuyện với phóng viên, anh V. cho biết, trước khi bé đi học, khi lên tầng thay quần áo thì chiếc quầy soọc phơi ngoài sân thượng bốc cháy.
Có nghĩa là, khi bé đứng ở một vị trí nào đó, những đồ vật vẫn có thể bị bốc cháy xuyên qua bức tường. Khoảng cách từ chỗ bé đứng với vị trí của những đồ vật bị bốc cháy trung bình khoảng 2,3 m, có khi tới 10m.
Chị H. mẹ bé, cho biết thêm, mỗi lúc đồ vật tự bốc cháy, người bé Th hoàn toàn không phát ra tia lửa hay bất cứ biểu hiện gì lạ. Chị chỉ cảm thấy hơi nóng khi sờ vào da bé, nhiệt độ giống như người bị sốt chứ không phải nóng như lửa như người ta đồn.
Anh V. mong mỏi báo Nguoiduatin.vn sẽ là cầu nối đưa những thông tin mới này đến với các nhà khoa học, để sớm tìm ra nguyên nhân và biện pháp khắc phục, giúp con gái anh trở lại cuộc sống bình thường.
Thiếu tướng, nhà văn Chu Phác: Vụ người "tự cháy" lâu nhất 30 phút Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, thiếu tướng, nhà văn Chu Phác cho biết, theo tài liệu mà ông có, đến nay trên thế giới đã có hơn 20 vụ người tự cháy, từ 4 tháng tuổi đến 100 tuổi (ở nhiệt độ 1.500- 2.200 độ C). Vụ cháy kéo dài lâu nhất 30 phút. Bác sỹ người Mỹ Bhadela 94 tuổi, cháy hồi 9 giờ ngày 5/12/1966 tại Poston bang pennsy pvania. Một phụ nữ 50 tuổi chết vì trúng độc hơi đốt ngày 7/12/1973 ở bang wisconsin. Hai ngày sau 9/12, quan tài bốc cháy. Cơ thể tích điện và phóng điện. Nhận định về cô gái 11 tuổi ở TP.HCM được giả định là có khả năng "phát hỏa", Thiếu tướng Chu Phác cho rằng, cháu bé chưa thấy có khả năng gì đặc biệt. |
Bé Th vẫn rất hoạt bát, vui vẻ
Cách đây 2 tuần, quần áo trên người bé cũng tự bốc cháy (phần gấu quần và gấu áo) làm vợ chồng anh V. vô cùng hoảng sợ và lo lắng cho sự an toàn của cháu bé. Ngay lập tức anh họp gia đình, và đưa ra quyết định nhờ một số báo đài uy tín vào cuộc.
Khi được hỏi về việc gần đây, một số báo đưa tin có nhà khoa học nghi ngờ trường hợp con gái anh là không có thật, anh V. tỏ ra hết sức bình thản. Anh cho rằng: "Khi một việc kì lạ xảy ra tất nhiên có người sẽ tin hoặc không tin, nên nghi ngờ là quyền của dư luận tôi hoàn toàn không trách cứ.
Nhưng quan điểm của gia đình là luôn làm hết sức để bảo vệ con gái nên những hình ảnh về cháu tôi xin phép không cung cấp và cũng không hề muốn bị rò rỉ ra ngoài để không làm ảnh hưởng đến việc học tập của bé".
Từ khi biết được tình trạng của bé Th chị H. đã phải nghỉ việc không hưởng lương để ở nhà túc trực bên cháu. Anh V. cũng thường xuyên nghỉ phép để đưa cháu Th đi khám, sắp xếp việc gia đình, tiếp xúc với các đoàn nghiên cứu... Ngoài ra, anh chị còn ghi lại tình trạng của con gái mình để gởi hồ sơ đến các tổ chức, nhà khoa học trong và ngoài nước.
Mới đây, có 2 tổ chức tại nước ngoài là Cambridge và British xác nhận đã đọc hồ sơ của cháu Th. Nhưng phía British không tiếp nhận nghiên cứu, thí nghiệm trường hợp của cháu Th. vì cháu còn quá nhỏ (dưới 15 tuổi).
Tuy đã biết mình có khả năng kì lạ, nhưng tâm lý bé Th lại vô cùng vững vàng. Ngay sau khi báo chí rầm rộ đưa tin, bé Th vẫn tiếp tục đến trường. Anh V. rất lo lắng con gái sẽ mặc cảm hay sợ hãi nên sau khi bé về nhà đã vội hỏi chuyện ngay.
Thường ngày bé Th rất vô tư và hoạt bát, nên bé cũng không ngần ngại kể chuyện bị bạn bè trêu đùa về khả năng kì lạ. Khi anh V. hỏi bé có cảm giác thế nào, thì bé hồn nhiên đáp: "Con không sao, con thấy vui vui". Ngay lập tức, vợ chồng anh V. liền "đả thông tư tưởng" cho bé, vì lại sợ bé suy nghĩ lệch lạc về khả năng của mình.
Phòng được cho là do bé Th gây cháy.
Anh V. kể vui: "Tôi đùa cháu là con đừng làm đồ vật cháy nữa. Cháy hết, bố lấy tiền đâu ra mua lại cho con. Bố sẽ hết tiền cho con đi học luôn đấy. Cháu rất sáng dạ, liền hiểu ý bố và ngoan ngoãn nghe lời.
Tuy nhiên cháu còn nhỏ quá, từ khi xảy ra chuyện, vợ chồng tôi thường xuyên tâm sự, bảo ban cháu, để cháu có suy nghĩ đúng đắn về khả năng của mình. Hy vọng cháu sẽ hiểu được, vượt qua và tiếp tục hòa nhập với cộng đồng".
Anh V. lại giọng trầm trầm tâm sự: "Hiện giờ, tuy vẫn chưa có gì khả quan, nhưng tôi thật lòng vô cùng cảm ơn các nhà khoa học và bạn đọc đã quan tâm đến trường hợp của con gái tôi. Tôi lúc nào cũng mong mỏi các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân và biện pháp khắc phục để con gái tôi và cả gia đình tôi được trở lại với cuộc sống bình thường".
Đoàn khoa học ĐH Quốc tế Hồng Bàng: Chưa thể khẳng định Từ ngày 13/5, khi thông tin về cô bé 11 tuổi có khả năng "phát hỏa" được đăng tải trên báo chí, đến nay đã có hàng chục nhà khoa học vào cuộc. Sau 6 ngày các cán bộ đoàn nghiên cứu của trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng thực hiện "chính sách 3 cùng" (cùng ăn, ở thậm chí đưa đón bé đi học) nhằm "nghiên cứu" cháu bé một cách trực quan. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 18/5, cháu bé đã "phát hỏa" trở lại thì vẫn chỉ là những giả thiết được đưa ra. Trao đổi với PV báo Nguoiduatin.vn, PGS.Nguyễn Mạnh Hùng, dẫn đầu đoàn khoa học của trường Đại học quốc tế Hồng Bàng cho biết: "Chúng tôi chưa thể khẳng định, mọi diễn tiến sẽ được thông báo chính thức sau". PGS.Nguyễn Mạnh Hùng từ chối công bố thông tin diễn biến cụ thể. |
Ngọc Giàu