Khó khăn về nguồn vốn
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới địa hình bị chia cắt bởi các dãy núi cao và khe suối sâu, độ dốc lớn, địa chất đất đá rời rạc không ổn định. Lượng mưa bình quân hàng năm lớn từ 1700 đến 2200 mm tập trung vào một số tháng mùa mưa, cao điểm từ tháng 6 - 8; sống suối có độ dốc lớn khi mưa xuống thoát nước nhanh dẫn đến lũ lớn.
Chính vì những yếu tố bất lợi đó, hàng năm tỉnh thường bị các hiện tượng thiên tai như: Mưa lớn, lũ, lũ quét, lũ bùn đá, sạt lở, mưa đá, sét...gây thiệt hại lớn đến cơ sở vật chất và tính mạng con người.
Bên cạnh đó, với đặc thù dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu sổ nên tình trạng di canh, di cư tại nhiều địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, nhất là tại khu vực biên giới.
Chính vì vậy, việc bố trí ổn định dân cư tại Điện Biên rất quan trọng và cần được triển khai kịp thời, hiệu quả để bảo đảm đời sống của người dân, tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay công tác này vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, trong đó khó khăn nhất chính là nguồn vốn.
Để giải quyết khó khăn này, ngày 20/8, UBND tỉnh Điện Biên có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để thực hiện một số dự án bố trí ổn định dân cư cấp bách trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
UBND tỉnh Điện Biên cho biết tổng kinh phí dự phòng ngân sách trung ương mà tỉnh được giao năm 2024 là 198,5 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã có phương án sử dụng là trên 190,25 tỷ đồng, số kinh phí còn lại chưa phân bổ là hơn 8,26 tỷ đồng và khoản còn lại này dự kiến sẽ được bố trí xử lý hụt thu ngân sách cuối năm.
"Ngân sách tỉnh hiện nay không có khả năng bố trí kinh phí cho các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, biên giới và di dân vùng thiên tai cấp bách trên địa bàn tỉnh", văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến nêu.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhiều dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, biên giới và di dân vùng thiên tai cấp bách cần thiết phải thực hiện ngay.
Do đó, UBND tỉnh Điện Biên đề nghị hỗ trợ từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 tổng cộng 14 dự án với kinh phí 485,44 tỷ đồng.
Trong đó bao gồm 2 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại huyện Mường Chà và huyện Mường Nhé; 12 dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách tại các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Ảng, Mường Chà, Mường May, Tuần Giáo, Nậm Pồ.
Cần sớm triển khai dự án để tạo niềm tin cho nhân dân
Trao đổi với Người Đưa Tin tối ngày 21/8 về tính cấp bách của các dự án, ông Bùi Minh Hải - Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết trên địa bàn huyện có 3/14 dự án của tỉnh Điện Biên đang đề nghị hỗ trợ nguồn vốn. Cả 3 dự án trên đều thuộc trường hợp rất cấp bách và cần triển khai ngay trong năm để bảo đảm đời sống và sự an toàn của người dân.
Phân tích rõ hơn trường hợp dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư bản Pa Tết (xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé), ông Bùi Minh Hải chia sẻ đây là bản giáp gianh giữa hai huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), người dân vẫn thường xuyên sản xuất, di canh cả hai nên thường xuyên xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, tranh chấp đất đai, di dân di cư gây mất trật tự an ninh quốc phòng.
Hiện bản có 84 hộ với 452 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông sinh sống; các hộ dân sống rải rác, không tập trung, tỉ lệ hộ nghèo cao (78%), phương thức sản xuất nông nghiệp quảng canh, lạc hậu.
Là địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng tuy nhiên, điều kiện sinh sống của nhân dân trong bản rất khó khăn, bản cách trung tâm xã Huổi Lếch khoảng trên 30 km, hiện chỉ có 16 km đường ô tô, còn lại là đường mòn đi bộ), các công trình công cộng, thiết yếu như điện sinh hoạt, viễn thông, nhà văn hóa, lớp học,... chưa được đầu tư dẫn đến công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước gặp rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tái di cư tự do và gây mất trật tự an ninh xã hội.
"Việc đầu tư xây dựng dự án Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư bản Pa Tết là hết sức cần thiết nhằm ổn định đời sống cho nhân dân, hạn chế việc di cư tự do trên địa bàn huyện cũng như các địa phương khác, tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý dân cư, công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn", Bí thư Huyện ủy Mường Nhé khẳng định.
Một trường hợp khác cũng ở huyện Mường Nhé là việc bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm. Bản Huổi Lắp nằm cách trung tâm xã khoảng 8 km (cách trung tâm huyện 40 km). Hiện cả bản có 65 hộ, 352 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông đang sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo cao (90,7%).
Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8/2024, trên địa bàn huyện Mường Nhé chịu ảnh hưởng của 2 đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2 và rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh dần làm nước dâng cao, gây lũ, sạt lở đất trên hầu hết tất cả các xã thuộc huyện Mường Nhé, gây thiệt hại tài sản như nhà cửa, lúa, hoa màu, thủy sản và một số các công trình của nhân dân và Nhà nước.
Đặc biệt tại bản Huổi Lắp, xã Quảng Lâm xuất hiện cung trượt thuộc ta luy dương tiếp giáp với quốc lộ 4H, chiều dài vết nứt khoảng 360 m, độ sâu sụt lún từ 0,5 - 1,5 m, chiều cao vết nứt tính từ mặt đường quốc lộ 4H là khoảng 200m.
Dự báo hiện trạng sụt lún, sạt lở xảy ra có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 29 hộ dân (100% là hộ nghèo), 151 nhân khẩu thuộc bản Huổi Lắp.
Vì vậy việc di dời và sắp xếp ổn định cho 29 hộ dân bản Huổi Lắp nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao là hết sức cấp bách và cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.
"Chúng tôi rất mong mỏi nguồn vốn sớm được phê duyệt để địa phương bắt tay ngay vào việc triển khai các dự án giúp nhân dân ổn định cuộc sống, tạo niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước", Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải chia sẻ.