Diễn biến tình hình mưa lũ miền Bắc những ngày sắp tới

Diễn biến tình hình mưa lũ miền Bắc những ngày sắp tới

Thứ 5, 12/09/2024 16:17

Khu vực Bắc Bộ dự báo tiếp tục có mưa rào rải rác, có nơi có dông, lũ trên các sông biến đổi chậm trong xu thế giảm, khu vực trũng thấp tiếp tục có nguy cơ ngập.

Miền Bắc tiếp tục có mưa rào rải rác

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong khoảng thời gian từ ngày 13-21/9, khu vực Bắc Bộ dự báo tiếp tục có mưa rào rải rác, có nơi có dông. Tình hình lũ trên sông Hồng tại Hà Nội và một số sông ở miền Bắc dự báo sẽ biến đổi chậm, có xu thế giảm xuống.

Diễn biến tình hình mưa lũ miền Bắc những ngày sắp tới- Ảnh 1.

Lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm.

Trước mắt, trong ngày và đêm nay, 12/9, khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình có mưa, mưa vừa và có nơi có dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 20-40mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Ngoài ra, khu vực vùng núi Bắc Bộ, từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm.

Trong vòng 4 giờ đồng hồ (từ lúc 4 giờ đến 8 giờ sáng nay), mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục chững lại ở mức dưới báo động 3, song đã giảm xuống 10cm (từ 11,30m xuống còn 11,20m).

Từ ngày 13-21/9, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to; từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to (mưa tập trung chiều và tối).

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong ngày 12/9, chiều tối và tối có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to; từ ngày 13-21/9 có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to (mưa tập trung vào chiều và đêm).

Về tình hình lũ, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Văn Đại cho biết dự báo trong 12 giờ tới (từ 9 giờ đến khoảng 21 giờ hôm nay, 12/9), lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm nhưng vẫn ở trên báo động 2; sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống mức báo động 1; sông Lô tại Tuyên Quang xuống dưới mức báo động 2 và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 2.

Trong khi đó, lũ trên sông Cầu tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương tiếp tục dao động ở mức đỉnh trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm ở mức báo động 3; lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long đang lên chậm trên mức báo động 3.

Dự báo trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2 và ở trên báo động 1; lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 1.

Trong khi đó, lũ trên sông Cầu sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; lũ trên sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; lũ trên sông Lục Nam sẽ biến đổi chậm dưới mức báo động 3; lũ trên sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Hoàng Long sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3.

Về tình hình lũ trên sông Hồng tại Hà Nội, ông Vũ Đức Long - Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn - cho biết, trước khi xảy ra mưa lớn cơ quan khí tượng thường đưa ra bản tin cảnh báo ngập úng trong khu vực Hà Nội.

Tuy nhiên, bất lợi vẫn tồn tại là trên sông Thao lượng nước lũ tuy xuống nhưng vẫn còn cao, vùng hạ lưu và đồng bằng thì hầu hết các trạm trên lưu vực sông đều xuất hiện ở mức báo động 3, một số sông xuất hiện mức lũ lịch sử. Lượng nước đang cao nên khả năng tiêu thoát nước sẽ chậm nên thời gian ngập lụt còn kéo dài 2 - 3 ngày tới.

Trong 24 giờ tới (từ 9 giờ ngày 12/9 đến 9 giờ ngày 13/9), mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng- Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3. Mực nước lũ lên cao sẽ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính. Tình trạng này có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình

"Ngoài ra, tình trạng ngập lụt có thể xảy ra tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ," ông Đại cảnh báo.

Ông Đại cũng lưu ý lũ trên các sông, suối lên sẽ gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bờ bãi ven sông bị nước xâm lấn, nhiều diện tích bãi nổi giữa sông bị ngập sâu, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế xã hội, đặc biệt tại hạ lưu sông Hồng-Thái Bình.

Cuối tháng 9 còn nhiều đợt mưa to diện rộng

Theo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến ngày 10/10, dự báo nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1,0 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ cao hơn 20-40% so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Bắc-Trung Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 15-30% so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa xấp xỉ trên so với trung bình nhiều năm; riêng tại Phan Rang-Phan Thiết và miền Tây Nam Bộ tổng lượng mưa xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm.

Diễn biến tình hình mưa lũ miền Bắc những ngày sắp tới- Ảnh 3.

Dự báo từ nay đến tháng 10 mưa vẫn còn trên diện rộng.

Từ nay đến đầu tháng 10, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền của Việt Nam có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm trên biển Đông: 2,3 cơn; trung bình nhiều năm đổ bộ: 1,1 cơn). Nắng nóng vẫn có khả năng xuất hiện cục bộ ở khu vực Trung Bộ.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong thời kỳ dự báo, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục có nhiều ngày mưa; trong đó có khả năng xuất hiện một số đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Mùa mưa có khả năng xuất hiện tại khu vực miền Trung từ nửa cuối tháng 9.

Theo chuyên gia, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như bão/áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam, dông, lốc xoáy trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.

Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo Khí tượng thủy văn khuyến cáo người dân, đặc biệt là người sinh sống ở vùng ven sông phải thường xuyên theo dõi các dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia để nắm các diễn biến của mưa lũ, có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ngoài ra, người dân cũng cần tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo, cảnh báo, di dời của chính quyền địa phương trong thời điểm mưa lũ còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Duy Huy (Tổng hợp)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.