Đây là sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường đối thoại giữa các chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, đối tác phát triển, cũng như thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực vào các hoạt động GMS. Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối.
Sáng kiến đã nhận được sự ủng hộ và hưởng ứng tích cực từ các quốc gia thành viên, các đối tác phát triển cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Tham dự hội nghị có Thủ tướng và Lãnh đạo cấp cao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu định hướng cho Diễn đàn.
Hội nghị cũng có sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Tổng thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) cùng đại diện gần 100 tổ chức quốc tế và đối tác phát triển. Đặc biệt, Diễn đàn đã thu hút hơn 2000 doanh nghiệp trong và ngoài khu vực GMS, đại diện lãnh đạo gần 40 tỉnh thành trong nước và nhiều địa phương các quốc gia thành viên. Khoảng 300 phóng viên trong nước và quốc tế tham dự và đưa tin về Hội nghị.
Hội nghị bao gồm phiên toàn thể và các phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào những vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển của khu vực GSM như xác định các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những thay đổi lớn, căn bản; phát triển nền nông nghiệp hiện đại, thông tin cho khu vực; phát triển và tìm kiếm nguồn tài chính cho hạ tầng cơ sở ở khu vực.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quyết tâm của Việt Nam xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, pháp luật chuẩn mực, nâng cao năng lực quản trị, đem lại cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Thủ tướng cho rằng hai nguồn lực quan trọng cho phát triển trong giai đoạn mới chính là phát huy tốt nội lực của mỗi nền kinh tế và khai thác hiệu quả những tiến bộ, đột phá của khoa học công nghệ. Những nguồn lực trên sẽ đem lại xung lực mới cho sự phát triển của GMS trong giai đoạn tới.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh để xây dựng một khu vực GMS thịnh vượng, bền vững và hội nhập, các quốc gia GMS cần bảo đảm sự phát triển bền vững và hài hoà. Theo đó, tăng trưởng nhanh nhưng phải gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhất là quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công quý báu. Mỗi kế hoạch phát triển quốc gia, hoạt động đầu tư, kinh doanh hay chương trình hợp tác GMS, CLV cần bảo đảm sự hài hòa, cân bằng lợi ích của các bên, chính phủ, doanh nghiệp, người dân.
Tại Diễn đàn, các đại biểu khẳng định vị trí chiến lược của các quốc gia GMS trong tổng thể phát triển và thịnh vượng chung của Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Các phát biểu đều đánh giá cao tốc độ phát triển của khu vực GMS, cho rằng với tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng, lên tới 6,1%/năm vừa qua, trong tương lai không xa, Tiểu vùng sông Mê Công có thể trở thành một trong những vùng đất có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
Các đại biểu cũng nhất trí, nhịp độ phát triển hiện nay của tiểu vùng này có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển. Các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.
Hường - Long