Trong khuôn khổ Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021, Hội nghị về Năng lượng điện gió diễn ra vào ngày 1/12 được xem là một sự kiện đúng thời điểm, đặc biệt trong bối cảnh ngành công nghiệp năng lượng điện gió đang có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Thời điểm “vàng" cho đầu tư
Xét về mặt kinh tế, bà Nguyễn Phương Mai, Phó Tổng giám đốc, Cục điện lực và năng lượng tái tạo (EREA) cho rằng, việc đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng được coi là bước đi chiến lược của kinh tế Việt Nam. Bởi năng lượng gió là một trong những ngành có sức cạnh tranh lớn, đồng thời cũng có tiềm năng trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bà cho biết thêm, điện gió, bao gồm điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi sẽ trở thành một trong những trụ cột năng lượng của Việt Nam trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cũng nhận định, Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động trong khu vực ASEAN, song chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu.
Do đó, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng nâng cao tỉ trọng năng lượng tái tạo, gắn liền với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó là việc đa dạng hoá nguồn năng lượng, chú trọng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, với mục tiêu tăng tỉ trọng trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt ít nhất đạt 20% vào năm 2030 và 30% vào năm 2045.
Theo đó, trong quá trình chuyển đổi từ điện than sang năng lượng tái tạo, điện gió đóng một vai trò quan trọng trong tương lai, là chìa khóa để Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đề ra. “Tuy nhiên, các vấn đề đặt ra cho chúng ta không chỉ nằm ở chính sách mà cốt lõi còn nằm ở công nghệ”, bà bày tỏ.
Ông Ben Backwell, Giám đốc điều hành, Ủy ban năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cũng nhấn mạnh: “Đây là thời điểm chính xác và tốt nhất cho việc đầu tư và phát triển nguồn năng lượng gió ở Việt Nam".
Việc chuyển giao năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng xanh là cần thiết, nó có thể đem đến nhiều nguồn lợi kinh tế cho Việt Nam và các doanh nghiệp. Đồng thời, cũng thúc đẩy việc triển khai những thỏa thuận, cam kết của Việt Nam về khí phát thải trong Hội nghị COP26 tại Anh Quốc tháng 10 vừa qua.
Tạo điều kiện về chính sách cho doanh nghiệp phát triển
Theo báo cáo của Giám đốc khu vực Châu Á GWEC, bà Liming Qiao, Việt Nam là một trong 4 nước hoạt động mạnh mẽ nhất về năng lượng gió tại khu vực Đông Nam Á. Cuối tháng 10, con số tỉ trọng đạt 3,98 GW, đưa thành nước dẫn đầu trong khu vực.
Do vậy, năm nay, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 toàn cầu liên quan đến công suất lắp đặt điện gió, đây cũng là lần đầu tiên có quốc gia Châu Á ngoài Trung Quốc và Ấn Độ góp tên trong danh sách này.
Bà nhấn mạnh: “Đây là thời điểm lịch sử cho Việt Nam, không chỉ dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, mà là cả vị trí thứ hai tại Châu Á - Thái Bình Dương. Tiềm năng là vô cùng lớn”.
Từ đó, đòi hỏi Việt Nam phải có những kế hoạch hành động cụ thể nhằm khai phá tiềm lực này, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều đó thì không thể thiếu đi việc hợp tác, thúc đẩy lẫn nhau giữa Chính phủ, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, ông Erik Kjaer, Cố vấn trưởng Trung tâm hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch đề xuất bốn điểm liên quan tới khung chính sách cho lĩnh vực này.
Thứ nhất, các Bộ ngành liên quan cần đưa ra chiến lược phát triển cụ thể, mục tiêu và quy trình hoàn chỉnh cho doanh nghiệp liên quan đến vấn đề cấp phép dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Thứ hai, Chính phủ hãy cân nhắc việc thành lập Uỷ ban Điện gió ngoài khơi, trong đó, thành viên là đại diện các Bộ, cơ quan liên quan, cũng như cấp tỉnh. Uỷ ban sẽ có thư ký, làm việc thường xuyên với các nhà đầu tư, qua đó tạo kênh liên lạc rõ ràng giữa nhà đầu tư với Chính phủ.
Thứ ba, xây dựng bộ khung chuẩn cho quy hoạch không gian đại dương, đây là điểm quan trọng vì hiện tại vẫn dùng cơ chế đấu giá để phát triển dự án.
Cuối cùng, đơn giản hoá quy trình pháp lý liên quan đến điện gió ngoài khơi, tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà đầu tư, cũng như doanh nghiệp nước ngoài triển khai dự án điện gió tại Việt Nam.