Điện khí LNG Việt Nam: Khó khăn "bủa vây" trong thu hút đầu tư

Phạm Thị Thanh Loan

Phạm Thị Thanh Loan

Thứ 4, 18/12/2024 13:26

Với địa lý thuận lợi, hệ thống cảng biển hiện đại cùng cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, tương lai Việt Nam sẽ là "mắt xích" quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu.

Từng bước ghi dấu trên bản đồ LNG toàn cầu

Sáng 18/12, tại diễn đàn “Chuỗi phân phối LNG toàn cầu và vị thế của Việt Nam”, bà Đặng Thị Thủy - Trung tâm thông tin và công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết việc dùng khí tự nhiên là giải pháp tối ưu để cắt giảm lượng phát thải carbon.

“Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không chỉ là một "giải pháp môi trường" có tiềm năng, thay thế hữu hiệu các nguồn năng lượng truyền thống, mà còn trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng trên thế giới”, bà Thủy nhấn mạnh.

Nói về vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng LNG, ông Nguyễn Đức Tùng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết Việt Nam, chính thức ghi tên vào bản đồ LNG toàn cầu với vai trò là nhà nhập khẩu mới năm 2023.

Điện khí LNG Việt Nam: Khó khăn

Ths.Nguyễn Đức Tùng - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Ảnh: Thanh Loan).

Với địa lý thuận lợi, Việt Nam gần các tuyến hàng hải quốc tế; hệ thống cảng biển hiện đại; gần các trung tâm LNG lớn của Đông Nam Á; cam kết chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, Việt Nam đang được biết đến là một nhà nhập khẩu tiềm năng và tương lai sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi LNG toàn cầu nói chung và của khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Do mới phát triển nên lượng tiêu thụ LNG của Việt Nam còn rất thấp. Năm 2023 tổng sản lượng nhập khẩu đạt xấp xỉ 0,1 MT, chỉ chiếm 0,02% tổng lượng LNG nhập khẩu toàn cầu. Ông Tùng cũng dự báo nhu cầu LNG của Việt Nam sẽ khoảng 15 -20 MTPA vào năm 2030 và khoảng 20-25 MTPA năm 2035.

Về việc phát triển hạ tầng LNG, Việt Nam đã đánh dấu vai trò mới trong chuỗi cung ứng LNG toàn cầu. Kho cảng LNG Thị Vải, một trong những dự án tiên phong, đã đi vào vận hành với công suất giai đoạn đầu đạt 1 MTPA và dự kiến mở rộng lên 3 MTPA, trở thành hình mẫu cho các cơ sở tương lai.

Các dự án cụm cảng LNG trọng điểm khác như Hải Linh, Sơn Mỹ và Đình Vũ đang được triển khai mạnh mẽ, không chỉ tăng cường năng lực lưu trữ và tái khí hóa mà còn tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, việc hoàn thành và chuẩn bị đưa vào vận hành nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, những nhà máy nhiệt điện khí LNG đầu tiên tại Việt Nam, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho việc tăng cường sử dụng LNG trong tương lai, thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và tăng tính hấp dẫn của thị trường LNG Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.

"Khó lường hết những vướng mắc"

Để thực thi phát triển điện khí, ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng nhìn nhận, một số tỉnh chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư (Thanh Hóa, Nghệ An và Ninh Thuận) do còn lúng túng, chậm trễ trong công tác phê duyệt chủ trương đầu tư, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cục bộ, công tác bàn giao đất, cho thuê đất đối với dự án nguồn và tuyến đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án.

Điện khí LNG Việt Nam: Khó khăn

Ông Lã Hồng Kỳ - Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án ngành năng lượng (Ảnh: Thanh Loan).

Đồng thời, trong Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch, một số đường dây đấu nối đồng bộ để giải tỏa công suất cho các dự án nhà máy điện lớn chưa được giao chủ đầu tư, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện các dự án đường dây và việc đàm phán các thỏa thuận đấu nối giải tỏa công suất cho một số dự án điện khí.

Đặc biệt, các chủ đầu tư đã được giao dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc trong thu xếp vốn vay do phải đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng. Ví dụ các dự án điện khí hiện nay, trừ dự án Nhơn Trạch 3 & 4, đang sử dụng hợp đồng mua bán điện (PPA) của dự án để đi thu xếp toàn bộ vốn vay cho dự án.

Điện khí LNG Việt Nam: Khó khăn

Vận hành Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 tạo nền tảng tăng cường sử dụng LNG tại Việt Nam.

Ngoài ra, các chủ đầu tư nước ngoài còn yêu cầu thêm bảo lãnh của Chính phủ như: bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh chấm dứt hợp đồng của EVN, bảo lãnh rủi ro tiến độ đường dây truyền tải điện….

Đối với các chuỗi dự án khí cần đòi hỏi tính đồng bộ cả về kỹ thuật và hiệu quả đầu tư của từng dự án thành phần, tính hiệu quả của từng dự án thành phần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, khó lường trước, gây tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư; Các dự án này thường có thời gian thực hiện kéo dài, do nhiều chủ đầu tư khác nhau thực hiện, chịu sự điều chỉnh của nhiều bộ luật liên quan.

Vì vậy, ông Kỳ đánh giá trong quá trình triển khai khó lường hết được những vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của cả chuỗi dự án.

Ưu tiên hoàn thiện các cơ chế, chính sách

Để thúc đẩy đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng LNG tại Việt Nam, đảm bảo hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí LNG đặt ra theo Quy hoạch điện VIII, ThS.Nguyễn Đức Tùng đánh giá cùng với việc đáp ứng mục tiêu về dự trữ và cung ứng LNG, Việt Nam cũng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Theo đó, cần rà soát và chỉnh sửa các quy định về thủ tục, trình tự đầu tư trong các Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Quy hoạch... để tạo điều kiện cho việc hoàn thiện và phát triển điện khí LNG.

“Các cơ chế chính sách được ban hành cần phải rõ ràng, khả thi, thực tế, bảo đảm quản lý và quy định hiệu quả, xây dựng hệ thống phân phối và tiếp cận thị trường và thúc đẩy hợp tác quốc tế”, ông Tùng nói.

Điện khí LNG Việt Nam: Khó khăn

Việt Nam cần nghiên cứu khả năng phát triển các nhà máy sản xuất LNG.

Đồng thời theo ông Nguyễn Đức Tùng, Việt Nam cần phát triển đồng bộ khai thác nội địa kết hợp với nhập khẩu. Tăng cường công tác tìm kiếm và thăm dò các mỏ khí mới là ưu tiên hàng đầu. Điều này không chỉ giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu mà còn tạo cơ hội khai thác các nguồn tài nguyên nội địa tiềm năng.

Tầm nhìn trong dài hạn, ông Tùng đề xuất nghiên cứu khả năng phát triển các nhà máy sản xuất LNG nếu có đủ các điều kiện về công nghệ, tài chính và nhân lực.

Để thu hút đầu tư các nhà máy điện khí LNG, Việt Nam cần xây dựng và ban hành cơ chế nhập khẩu và bố trí các nhà máy điện khí trên quy mô cả nước để giảm giá thành vận chuyển nhiên liệu, cũng như khả năng hấp thụ nguồn nhiên liệu LNG của nhà máy điện.

“Thực hiện rà soát và điều chỉnh các cơ chế mua bán điện khí LNG nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đảm bảo một chính sách giá điện LNG ổn định và hợp lý sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời đảm bảo lợi ích của các bên liên quan”, ông Tùng cho biết.

Đặc biệt, việc ban hành cơ chế chuyển ngang giá LNG trong các hợp đồng mua bán LNG sang giá điện của các dự án điện khí LNG trong hợp đồng mua bán điện là điều kiện căn bản để đảm bảo hiệu quả và kích thích đầu tư cho các dự án điện khí LNG.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.