Chân dung người giúp việc “Thánh Bút”
Ngôi biệt phủ 3 tầng của “Thánh Bút” xa hoa lộng lẫy, cao vút với những chiếc mái cong như lưỡi đao chĩa thẳng lên trời nằm ngay đầu thôn Bình Ngô, xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách UBND xã An Bình chừng trên dưới 1km. Biệt phủ được ghi dấu bởi tên “Tòa thiên pháp sứ”.
Gần 3h chiều, phần lớn những người tới xin “lệnh” đều đứng ngồi không yên vì phải chờ đợi thì một phụ nữ trung tuổi mới xuất hiện, tay xách bịch tiền lẻ. Theo giới thiệu của những người làm vườn ở đây, người phụ nữ ấy tên Lương, là vợ của “Thánh Bút” và cũng là người coi nhang, giúp việc cho “Thánh”. Không vồn vã chào hỏi mọi người, cũng chẳng giới thiệu mình là ai hay đưa ra bất kỳ thông báo nào về sự xuất hiện của người cho “lệnh trời”, cô Lương lẳng lặng vào trong điện, một mình ngồi đếm đếm, chia chia những cọc tiền lẻ được khách thập phương đặt lễ trước đó.
Khi mọi người đã vây quanh, người phụ nữ vẫn điềm nhiên đếm tiền, thỉnh thoảng ngước mắt lên nhìn từng người rồi buông những câu thăm dò như hôm nay tới đây xin gì, quê quán ở đâu, đã gặp “chú” bao giờ chưa; hay qua nguồn nào mà biết “chú”?
Thấy ai nấy đều ngạc nhiên về cách gọi “Thánh Bút”, người phụ nữ này khẽ cười rồi giải thích trôi chảy: “Ở đây, dương gian chú tên Bút. Chú không nhận là thầy của ai vì chú không dạy ai chữ nào. Chú là chú em của các bác có tuổi, là chú của các cháu...”.
Bốn người đi xin “lệnh trời” hôm đó, mỗi người giới thiệu một cách biết tới “chú”, người đã từng tới khoảng 10 năm trước, người cùng quê Bắc Ninh, người qua giới thiệu. Khi tôi nói biết “chú” qua các thông tin trên internet, cô Lương ngưng bặt việc đếm tiền hỏi dồn tôi: “Cháu gõ chữ gì mà ra được địa chỉ của chú?”. Dù tôi đã cố giải thích, mình cứ gõ vài ba từ khóa đi cầu sức khỏe, công danh, tình duyên... thì được dẫn link tới trang website có tên tuổi và địa chỉ cũng như những lời giới thiệu về một người cho “lệnh trời” rất linh ứng.
Đưa ánh mắt đầy nghi hoặc về phía tôi, người phụ nữ này lại tiếp tục dồn: “Vậy giờ cháu gõ lại cho cô xem? Nếu không có mạng thì ở đây có wifi, cháu gõ luôn từ khóa cho cô xem là từ nào mà lại ra được “chú””. Khi không được đáp ứng yêu cầu và bị khách tới xin “lệnh” lái câu chuyện sang một hướng khác, người phụ nữ này tỏ ra không hài lòng. Tặc lưỡi, cô Lương bảo, giờ cô sẽ dẫn mọi người đi các cung làm lễ trước khi diện kiến “chú”.
“Cõi trên” cho “lệnh” mới được phát?
Vừa đi, cô Lương vừa dặn dò chúng tôi rằng, gặp “chú”, không ai được nói là mình đang xin gì, “chú” nhìn mặt từng người là “chú” biết hết rồi, “chú” sẽ tự viết “lệnh” cho. Thế nhưng trước đó, tới cả “quê cha đất tổ”, nghề nghiệp, tuổi tác của mọi người đã được người phụ nữ này khai thác rồi chứ chưa nói tới những yêu cầu khi tới xin “lệnh” của “Thánh Bút”.
“Năm nay “chú” 55 tuổi, tuổi đời trẻ nhưng trông diện mạo già như ông lão 80. Ngày “chú” làm việc, đêm “chú” xem “lệnh”. Mọi người kính lễ bằng cái tâm. Ông thân sinh ra “chú” cũng là Đảng viên, cán bộ xã. Năm “chú” 20 tuổi đã nhìn thấy nhiều “việc trời”, gia đình không cho làm việc vì sợ mê tín nhưng sau cũng có nhiều người, kể cả những người đã ngoài 70 tuổi đến khuyên răn gia đình cho “chú” làm việc vì họ nhận ra cái... tài của “chú”?”.
Theo lời kể của cô Lương, cô là người cai quản mọi việc ở đây, “Thánh Bút” chỉ chuyên vào việc tâm, việc thiện cho mọi người. “Tôi lấy “chú” từ năm 1984, đến năm 1988, “chú” mới bắt đầu làm việc, còn giỏi thì từ thời niên thiếu, thanh niên “chú” đã giỏi rồi”, người phụ nữ này thao thao bất tuyệt kể về chồng mình, mặc cho mọi người vẫn đang sốt ruột chờ gặp “Thánh” để được ban “lệnh trời”.
Không dừng lại ở đó, cô Lương tiếp tục nói về sức khỏe của “Thánh Bút”. Dù còn trẻ nhưng sức khỏe của “chú” yếu, nên cô để “chú” tranh thủ nghỉ ngơi, làm lễ xong mới gọi “chú” hoàn thiện các nghi thức cần thiết trước khi “ban lệnh” cho mọi người.
Nhận thấy nét mặt mọi người thay đổi, cô Lương vội giải thích: “Cõi trên” chưa cho “lệnh” để làm việc. Lễ xong có lúc “chú” xuống ngay có lúc “chú” chưa xuống được, mọi người đừng nôn nóng. Ở đây không phải như cơ quan Nhà nước mà có giờ làm việc cụ thể”.
Không dừng lại ở đó, người phụ nữ này vẫn tiếp tục “hành” mọi người bởi những câu chuyện “phát tâm” của “Thánh Bút”. Cô Lương nói: “Trước người đến “đông như mắc cửi”, “chú” chỉ ban cho mỗi người 1 “lệnh” và mọi người chỉ cần trình qua 1 cung là được. Bây giờ, người đến “vắng như chùa bà đanh”, bắt buộc phải lễ qua 3 cung mới được gặp “chú”, ở 2 cung cuối “chú” sẽ buông “lời vàng ý ngọc”. Và tất nhiên, “lệnh trời” mà theo đúng ý nguyện sở cầu của mọi người phải ở đúng cung thứ 5 dù là cầu tiền tài, công danh, sức khỏe hay con cái...”.
Theo quan sát của PV, qua mỗi cung, người đi xin lệnh lại phải đặt lễ. Lễ theo tâm nhưng lễ to hay nhỏ đều có sự giám sát của cô Lương. Sau khi đã được cô Lương dẫn đi lễ các cung, chúng tôi lại tiếp tục... chờ cô đi gọi “Thánh Bút”. Phải 15 phút sau, “Thánh” mới xuất hiện.
Nhìn thấy “Thánh Bút” ai cũng ngạc nhiên, vẻ bề ngoài già hơn rất nhiều so với tưởng tượng khi tóc và râu đều trắng như cước, da nhăn nheo. Tuy nhiên, sự xuất hiện của “người trời” lại không làm cho không gian náo nhiệt mà chỉ khiến mọi người thêm nóng ruột chờ “người trời” nhanh nhanh ban “lệnh” cho mình về kịp giờ xe.
Không nói không rằng, “Thánh Bút” chỉ khẽ nhìn xuống những tờ tiền lễ mà người đi xin “lệnh” đặt qua các cung và bày ra trước mặt, rồi lại khẽ ngước lên nhìn người đi xin “lệnh”, sau đó tay vẽ vài ba chữ nguệch ngoạc trên tờ giấy màu vàng rồi chuyển ngay cho cô Lương ngồi bên cạnh. Miệng “Thánh” chỉ phát ra những khung giờ để ám chỉ giờ đốt tờ “lệnh” đó.
“9h, 11h, 12h... và phải đốt ở giữa sân thượng. Đốt trong ngày đầu tiên xin được “lệnh”. “Lệnh” “chú” cho chỉ có tác dụng trong 3 ngày nhưng độ linh thiêng giảm dần trong 3 ngày đó. Giờ phải lấy theo giờ của truyền hình quốc gia”, cô Lương dặn dò.
Đến khi cô Lương nhấn mạnh vào tôi, người đã biết tới “Thánh Bút” qua các từ khóa tìm kiếm trên internet, cũng giống như vợ mình, “Thánh Bút” cũng yêu cầu tôi nhập từ khóa ấy cho mình xem. Bị từ chối, “Thánh Bút” thể hiện thái độ bực bội, tỏ ý không hài lòng nhưng cuối cùng, vẫn ban cho một “lệnh” về sức khỏe và tình duyên. Qua quan sát của PV, “chú” sẽ cho “lệnh” theo số lượng tiền của người xin “lệnh”, ai đặt nhiều tiền, sẽ được nhiều “lệnh”. Vì PV chỉ “thành tâm” hơn 200 ngàn nên “chú” chỉ cho có 1 “lệnh”.
Mỗi người cầm cho mình vài ba tờ “lệnh trời” vội vã ra về, ai cũng chỉ kịp chào và cảm ơn “Thánh”...
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Đỗ Trọng Dân, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, hiện tại ở xã không có ai đến nhà ông Nguyễn Thành Bút xin “lệnh”. Trước năm 2000, dư luận địa phương còn rộ chứ giờ chỉ thỉnh thoảng mới có một vài người tìm đến. Tuy nhiên, vì là nhà riêng nên cũng khó biết họ tới xin “lệnh” hay tới chơi nên không thể khẳng định đó là hoạt động mê tín dị đoan. |
|
N.Huệ - M.Hằng