Ngày 21/12, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã bác bỏ thông tin cho rằng, quyết định của Mỹ trong việc rút quân khỏi Syria là kết quả của các cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ, Israel và một số quốc gia Ả Rập.
"Không, đó không phải là sự thật", ông Peskov nói với tờ Vedomosti, bình luận về các báo cáo.
Trước đó cùng ngày, truyền thông đưa tin rằng các điều kiện để Mỹ rút khỏi Syria đã được thảo luận trong cuộc hội đàm giữa các đại diện của Nga, Mỹ, Israel, Jordan và Saudi Arabia.
Trong đó, Nga và Mỹ đồng ý rằng Moscow sẽ nỗ lực để hạn chế ảnh hưởng của Iran ở Syria và Israel có cơ hội tự do tấn công các cơ sở bị cáo buộc của Tehran ở Syria.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch rút 2.000 lính Mỹ ra khỏi miền Bắc Syria, nơi nước này ủng hộ phiến quân người Kurd trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống cũng đã ra lệnh rút khoảng một nửa trong số 14.000 lính Mỹ ở Afghanistan, theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông.
Động thái rút quân bất ngờ của ông Trump đã bị nhiều thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ phản đối trong Quốc hội, đồng thời được cho là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức sau đó một ngày.
Các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ cũng đăng đàn phản đối những nỗ lực của ông Trump trong việc rời bỏ ảnh hưởng ở Trung Đông, bao gồm cả các cựu nhân viên của CIA, NSA, FBI, tình báo quân sự và các cơ quan khác của Mỹ.
Đã có những suy đoán của giới bình luận cho rằng, trong những tuần tới, áp lực ngày càng tăng sẽ buộc tổng thống phải đảo ngược quyết định rút lui của mình.