Năm 2012, giao thông thủ đô có bước chuyển biến khi thông xe tuyến đường trên cao vành đai 3 và xây dựng 5 cầu vượt kết cấu thép cho xe cơ giới tại Chùa Bộc - Tây Sơn, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng - Lê Văn Lương, Láng - Trần Duy Hưng, nút Nam Hồng. Các cây cầu này đã phần nào làm giảm ùn tắc tại các điểm nóng.
Nhân rộng thành công, Sở Giao thông Vận tải chuẩn bị xây mới hai cầu vượt tạm tại nút giao Daewoo và Bạch Mai - Đại Cồ Việt. Đây đều là nút giao cùng mức có mật độ phương tiện qua lại lớn, thường xuyên ùn ứ.
Hàng loạt cầu vượt cho người đi bộ cũng sẽ được triển khai trên tuyến đường Nguyễn Trãi, Xuân Thủy, Giải Phóng, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn, Huỳnh Thúc Kháng, Lạc Long Quân... để tạo thuận lợi cho người đi bộ trong bối cảnh tai nạn giao thông với người đi bộ còn phổ biến.
Để xóa các bãi đỗ xe trên lòng đường, UBND Hà Nội đã phê duyệt nhiều dự án xây dựng bãi đỗ xe cao tầng tại phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan, giàn đỗ xe cao tầng tại hè phố Nguyễn Đình Chiểu và công viên Thống Nhất do Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội làm chủ đầu tư, năm 2013 triển khai. Ngoài ra, các bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thống Nhất, chợ Hàng Da... sẽ được xây dựng nhằm tận dụng đất. Sau khi hoàn thành, các dự án này giải quyết phần nào nhu cầu đỗ xe của chủ phương tiện, xóa bỏ tình trạng xe đỗ tràn lan tại lòng đường, vỉa hè như hiện nay.
Các quận, huyện cũng được giao giám sát xây dựng bãi đỗ xe như quận Hai Bà Trưng xây bãi xe ở khu vực Đầm Trấu, trung tâm thương mại Chợ Mơ. Còn quận Hoàn Kiếm sẽ làm chủ đầu tư 3 bãi đỗ xe tại Hợp tác xã Phúc Tân, Xí nghiệp Gỗ Hà Nội và Xí nghiệp Vật liệu xây dựng. Quận Đống Đa được giao lập dự án các điểm đỗ xe ở phố Nguyễn Chí Thanh, vườn hoa cây xanh khu vực Văn Miếu, vườn hoa trước ĐH Thủy lợi.
Sau nhiều năm đình trệ, tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn Láng Hạ - Giảng Võ dài 17,4 km và tuyến Giải Phóng dài 10,9 km sẽ được khởi động vào năm nay. Tuyến Láng Hạ có điểm đầu là Giảng Võ, điểm cuối là bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông); tuyến Giải Phóng có điểm đầu là thị trấn Văn Điển, điểm cuối là hồ Hoàn Kiếm.
Thời gian qua, dự án xe buýt nhanh chậm triển khai do điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô và điều chỉnh việc khớp nối với các dự án đường sắt đô thị số 2, số 3 và kéo dài tuyến đến bến xe Yên Nghĩa. Mặt khác, dự án cũng gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Năm 2013, bộ mặt giao thông Hà Nội cũng sẽ được cải thiện với việc hoàn thành hai "Con đường đau khổ" là quốc lộ 32 mở rộng đoạn Nhổn - Mai Dịch và đường La Thành - Thái Hà - Thái Thịnh - Láng. Hai dự án này triển khai ì ách sau 10 năm, tạo thành những "lô cốt" gây nhiều phiền toái cho người dân.
Ngành giao thông thủ đô cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án mới, như: mở rộng các tuyến vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái và Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, các tuyến vành đai 2, đoạn Cầu Giấy - Nhật Tân, vành đai 2,5 với đoạn Kim Đồng - Đền Lừ, đoạn Trần Duy Hưng đến Trần Thái Tông. Các dự án này từng gặp nhiều vướng mắc do thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng... nên sẽ được triển khai nhanh vào năm nay.
Theo VNE