Hình như đầu tiên là từ Tp.HCM khuyến cáo không nên mặc... vest khi hội họp cũng như cả khi làm việc.
Tiếp theo là một loạt tỉnh phía Bắc liên tục bị cắt điện luân phiên, giữa những ngày rất nắng và nóng, nhiệt độ toàn trên 40 độ.
Và rồi là rất nhiều ảnh tràn ngập trên mạng xã hội cảnh dân ta... trốn nóng.
Bất cứ chỗ nào có bóng mát, không phải là căn nhà hộp như bao diêm xây bằng bê tông đều được tận dụng.
Lúc này mới thấy quý cái nhà truyền thống với vườn với cây xanh, hay nôm na là lũy tre cây đa bến nước con đò.
Và không chỉ sự sinh hoạt của nhân dân, bởi nghĩ cho cùng, xửa xưa không có điện thì cha ông ta vẫn sống, vẫn sinh ra chúng ta, vẫn xây dựng và bảo vệ đất nước oai hùng... chỉ là không có nhà hộp đường nhựa và... tủ lạnh bếp từ... thôi. Mà nó liên quan tới sản xuất kinh doanh, tới nền kinh tế. Rất nhiều doanh nghiệp phải giãn đơn hàng vì điện. Rất nhiều tour du lịch bị cancel vì điện. Rất nhiều kế hoạch sản xuất phải lao đao vì điện.
Và rất nhiều câu hỏi bật ra.
Rằng tại sao điện ta sản xuất ra, nhất là điện gió, đang đứng im, không hòa lưới được mà ngành điện lại phải đi mua của nước ngoài? Ví dụ thế?
Tất nhiên ngành điện và các nhà chuyên môn cũng đăng đàn giải thích. Ấy là đường dây tải không đủ, rằng mua điện nước ngoài rẻ hơn, rằng điện ấy để phục vụ nhân dân các tỉnh biên giới. Còn điện gió chủ yếu là ở các tỉnh miền Trung, nơi không thiếu điện. Mà kéo điện từ đây tới các nơi thiếu điện ở 2 đầu đất nước thì không đủ tải vân vân...
Thì ở đây lại đặt ra vấn đề lớn hơn, là chiến lược sản xuất và sử dụng điện.
Và tóm lại là, tới bao giờ thì chúng ta hết cảnh xà guầng: dân làm điện thì la làng, người sử dụng điện cũng la làng, ngành điện thì cứ tới mùa cao điểm là cúp, và luôn trong tình trạng sẵn sàng... tăng giá, luôn luôn báo lỗ.
Mới nhất, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân vừa trả lời một tờ báo, ông nói rất đanh thép: “Tôi đề nghị Chính phủ phải thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt, với thành phần gồm Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét nghiêm cẩn một số vấn đề.
Một là, xem lại kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2014 về một loạt sai phạm của EVN và việc này cần phải báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xem xét lại.
Hai là, cần thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của EVN trong giai đoạn 10 năm gần đây, đặc biệt là việc thường xuyên báo lỗ, trong khi các công ty thành viên báo lãi.
Ba là, xem xét việc đầu tư thủy điện Hòa Bình mở rộng, làm rõ vì sao có cảnh báo sạt lở vẫn cứ làm, có phải vì thế mà lỗ không và hiệu quả như thế nào, quá trình triển khai thi công ra sao, có vi phạm pháp luật không?
Bốn là, làm rõ vì sao trong năm 2022 là năm cả nước đang thoát khỏi đại dịch, so với những năm trước đây việc sử dụng điện năng không nhiều. Thế nhưng EVN lại báo lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng và đề nghị tiếp tục tăng giá vào tháng 9 tới đây”.
Bộ trưởng tài chính Hồ Đức Phớc cũng trả lời trên diễn đàn Quốc hội, lý giải về cái sự điện rằng “Tôi có hỏi lại (hỏi Bộ trưởng Bộ Công Thương), nếu chúng ta đủ tải rồi thì tại sao cho làm. Còn nếu đã làm rồi thì tại sao không giảm bớt điện mua của nước ngoài? Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời là đã ký hiệp định với nước ngoài rồi, bây giờ không thể đàm phán để cắt được. Đấy là nguyên nhân. Chúng ta phải đi tận gốc rễ của vấn đề để thấy được nguyên nhân từ đâu và phải giải quyết như thế nào”.
Các Bộ trưởng cứ hỏi và trả lời nhau như thế, còn dân thì chỉ biết, cứ vào mùa nắng nóng thì ngành điện lại ca điệp khúc... cắt và cúp. Còn hàng năm luôn luôn trong tư thế sẵn sàng... tăng, là tăng giá.
Mà thu nhập của người lao động ngành điện cũng không như các ngành khác. Có một thời đi các tỉnh thành phố lớn ta còn thấy các khách sạn điện lực nữa. Không hiểu những ngày này, các khách sạn ấy có bị cúp điện không?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.