Tôi gặp nghệ sĩ nhân dân Lan Hương trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Điện ảnh Việt Nam. Chọn một góc ngồi kín đáo, Hương Lan có phần lặng lẽ và lẫn khuất giữa nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Gần nửa thế kỷ sau ngày “Em bé Hà Nội” ra đời, Lan Hương gần như không thay đổi là mấy. Chị vẫn đẹp cuốn hút và trẻ trung đến lạ lùng. Cuộc đời Lan Hương dường như không hề giống với vẻ bên ngoài của chị. Bởi gương mặt thơ ngây ấy làm người ta nghĩ đến sự suôn sẻ, bình yên hơn là những đổ vỡ, va vấp, thăng trầm. Nhưng có lẽ chính điều đó đã làm nên hình ảnh và tính cách của riêng chị. Một Lan Hương mong manh mà mạnh mẽ, thơ ngây mà đầy chất mặn mòi.
Trong nghệ thuật, ít khi có sự hài lòng
Vắng bóng rất lâu và đột ngột quay lại với một vai diễn khác lạ (vai Đàm Hoàng hậu trong phim Trần Thủ Độ - PV), chị có bằng lòng với sự trải nghiệm mới này không?
Nếu để nói đến sự hài lòng trong nghệ thuật thì ít lắm, bởi mỗi khi xem lại mình đều có sự tiếc nuối. Với vai diễn này tôi chỉ tạm hài lòng thôi, bởi đây là một kịch bản phim hay, với nhiều cảm xúc do nhân vật mang lại.
Lâu nay, người ta thấy chị mải mê với Kịch hình thể. Chị có gặp khó khăn khi quay lại với truyền hình?
Khoảng cách thời gian không hẳn là vấn đề quá lớn. Điều làm tôi phải mất công khởi động khá kĩ ấy là sự bắt nhịp đối với cách làm phim khá mới mẻ, lại là bộ phim lịch sử được đầu tư công phu cả về kinh phí lẫn thời gian. Từ lúc nhận vai cho đến bây giờ, mọi người trong đoàn làm phim vẫn gọi tôi là mẫu hậu. Đó là một sự trân trọng đáng quý.
Một vai diễn nanh ác và nhiều thủ đoạn, chị không sợ bị mất hình ảnh của một Lan Hương Em bé Hà Nội sao?
Nếu sợ thì tôi đã không nhận vai. Em bé Hà Nội là tấm vé thông hành đưa tôi đến với điện ảnh. Nhưng tôi đã hoàn toàn thoát khỏi cái bóng của vai diễn ấy. 10 năm xa rời truyền hình, với khán giả có thể họ sẽ thấy quá lâu nhưng thú thực, sự bận rộn đã cuốn tôi đi và gần như tôi không có thời gian để ngồi đếm xem đã có bao nhiêu ngày mình vắng bóng ở đó. Cho đến lúc nhận được lời mời vào vai Đàm Hoàng Hậu, suy nghĩ đầu tiên của tôi là sẽ từ chối. Vì lúc đó, tôi vẫn còn quá bận bịu với nhiều dự án của Kịch hình thể.
Tôi không muốn ôm đồm nhiều thứ cùng một lúc. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, các vai diễn chính của phim là ông Trần Thủ Độ, bà Trần Thị Dung, thái Tử Phản bởi đây họ là những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Còn Đàm Hoàng Hậu chắc chỉ là vai diễn “đá gà, đá vịt” cho nên không mất quá nhiều thời gian. Thế là nhận lời. Nhưng khi đọc kịch bản thì giật mình vì đất diễn của nhân vật nhiều quá. Hơn nữa, đây là một vai khó, có diễn biến tâm lý phức tạp, bề ngoài nanh ác nhưng bên trong lại chứa đựng đầy bi kịch, giằng xé về nội tâm. Càng đọc tôi càng thích và càng bị cuốn theo sức hút ấy.
Vì sao, có một thời gian dài chị liên tục từ chối nhiều vai diễn, đến mức người ta đồn là chị chảnh?
Lần cuối cùng tôi đóng phim truyền hình là cách đây 13 năm, với vai diễn về một cô gái thôn quê. Sau phim đó thì từ chối dần. Nhiều người nói tôi chảnh nhưng thực sự không phải thế. Cá tính của tôi, đã làm cái gì cũng muốn thật chuyên tâm. Lúc đó, tôi trót yêu Kịch hình thể, một lĩnh vực có thể mang lại cho tôi sự thoả mãn về múa, bộ môn mà tôi vốn yêu thích và được học từ những ngày bé. Tôi biết mình không giỏi đến mức có thể làm nhiều việc cùng một lúc. Thế là đành phải rời xa phim ảnh và chịu nhiều điều tiếng không hay. Gần đây, khi Kịch hình thể đã khá ổn, tôi lại có dịp trở về với hội hoạ, mặc dù đã học cách đây 20 năm. Biết là cũng không làm nên trò trống gì, chỉ để thoả mãn một thú vui nho nhỏ. Đối với tôi như thế đã là rất ý nghĩa rồi. Một lí do khác khiến tôi xa dần với điện ảnh, ấy là tôi nhận ra ngoại hình của mình không phải là một lợi thế với bộ môn này.
Một em bé Hà Nội ngây thơ xưa. (Ảnh internet).
Chẳng có hạnh phúc nào là muộn màng
Giờ thì chị đã trở lại, chị đã chuẩn bị được những gì?
Cũng chỉ có niềm đam mê, tâm huyết thôi chứ thực ra tôi cũng chưa làm được gì nhiều. Lúc còn sống, đạo diễn Hải Ninh từng lo lắng nói với tôi rằng: "Cháu định lang thang đến bao giờ mới quay lại điện ảnh. Cháu nên nhớ, máu mủ và nơi xuất phát điểm của cháu là điện ảnh thì cuối cùng cũng phải quay về với nó". Tôi gật đầu và hứa với thầy mình nhưng chưa kịp làm thì ông đã vĩnh viễn đi xa. Điều đó làm tôi hụt hẫng. Đầu năm nay tôi đã dạm ý với chồng: Anh xem có vai bà mẹ nào già già thì cho em đóng nhé. Bạn tôi ngồi bên nhận xét: "Cái mặt của mày, già không già hẳn mà trẻ cũng không trẻ hẳn, đóng mẹ cũng chẳng hợp mà đóng con cũng không xong". Nhưng tôi đã quyết rồi, bây giờ có vai đàn bà nào quá lứa lỡ thì cũng được. Tử tế hay không tử tế cũng đóng.
18 tuổi chị đã lấy chồng rồi nhanh chóng chia tay sau đó. Ngẫm lại, có bao giờ chị nghĩ nếu ngày đó không quá bồng bột thì cuộc đời chị sẽ trọn vẹn hơn không?
Khó có thể phủ nhận những nông nổi của tuổi trẻ. Nhưng hối hận thì không. Bởi cuộc hôn nhân đó hoàn toàn đến từ tình yêu, không có bất kỳ một tính toán, vụ lợi gì. Vậy thì làm sao ta phải hối hận.
Nhưng tình yêu không phải là tất cả, và nó cũng không thể là tấm vé an toàn cho hôn nhân?
Đúng là như thế. Hôn nhân rất cần đến sự thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ. Tình yêu nếu vượt quá giới hạn sẽ trở thành sự vị kỷ, kìm nén. Tôi từng xa rời người đàn ông trong cuộc hôn nhân đầu tiên của mình chỉ vì những bất đồng ấy. Sau đám cưới, người đàn bà vẫn muốn thoải mái được làm việc, hoạt động nghệ thuật thì họ lại chỉ muốn mình phải an phận. Nhưng điều đó làm sao chấp nhận được. Cũng có thể, hồi đó, mình còn quá trẻ, cái tôi còn quá lớn, khó có thể chấp nhận và không đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự thay đổi của họ.
Vẻ trẻ trung ở tuổi 50 của NSND Lan Hương.
Còn với cuộc hôn nhân thứ hai thì sao?
Đã có nhiều lời bàn tán, thậm chí thêu dệt phía sau lưng khi tôi và anh Tất Bình đến với nhau. Những đàm tiếu ấy chúng tôi biết khó mà tránh khỏi, đặc biệt là trong môi trường nghệ thuật. Nhưng cuối cùng thì mọi thứ đã sai và chúng tôi đúng. Bởi hơn ai hết, tôi hiểu mình chứ. Một người đàn bà luôn yêu gia đình, sống nội tâm và thích khép kín như tôi thì chắc chắn chẳng bao giờ có những chuyện phiêu lưu tình ái gì đâu. Thiên hạ cứ nhìn vào cái bên ngoài rồi vội vàng quy chụp. Thực tế tôi thấy mình là người rất chỉn chu, nghiêm túc và đứng đắn trong hôn nhân, tình yêu.
Và điều đó đã giúp chị có được sự trọn vẹn sau này dù có đôi chút muộn màng?
Dĩ nhiên, sự trọn vẹn còn cần đến yếu tố may mắn. Chắc gì người phụ nữ thuỷ chung lại được hạnh phúc nếu không gặp được người đàn ông tử tế. Hạnh phúc này không hề muộn màng, bởi nó đã hiện diện trong hơn nửa cuộc đời của tôi rồi.
Trong con mắt của chị, đạo diễn Tất Bình là người như thế nào?
Anh ấy là một người đàn ông nhân hậu. Người có tài thì nhiều lắm nhưng mấy ai có cái tâm thực sự. Đó là chìa khoá cho mọi hạnh phúc, bình yên, thanh thản trong cuộc đời. Số phận đã mang đến cho tôi nhiều hạnh phúc bất ngờ. 30 tuổi, tôi có cháu ngoại đầu lòng. Khi ở với tôi, con gái riêng của chồng mới có 14 tuổi, bây giờ nó đã 40. Con gái riêng của tôi cũng đã lập gia đình ổn định. Giờ thì đã đầy đủ hết cả cháu nội, lẫn ngoại. Con cháu chủ yếu ở xa, mỗi lần đi thăm, ông bà lại có thêm một chuyến du lịch thú vị.
Xin cảm ơn chị!
Đào Bích