Tôi gặp diễn viên Anh Đức vào một sáng mùa đông tiết trời nắng nhẹ tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Dù đang bận chấm thi cuối kỳ, song anh vẫn gắng dành thời gian trò chuyện với tôi. Hiện tại, ngoài sự nghiệp diễn xuất, công việc chính của diễn viên Anh Đức vẫn là giảng viên.
Lần đầu gặp nam diễn viên Người phán xử, tôi hoàn toàn bất ngờ trước những điều trái ngược về con người anh. Không còn là chàng Khải sở khanh bá đạo, gây cười thường thấy, ngoài đời diễn viên Anh Đức lại kiệm lời, chỉn chu, nghiêm túc… tới mức “khó tin”. Thậm chí, dù gần chục năm giảng dạy, nhưng thầy giáo Anh Đức vẫn còn rụt rè, nhút nhát khi đứng trước sinh viên. Tiết lộ về sự ngược đời này, anh hài hước: “Bao nhiêu năm nay, hễ cứ phóng xe đến cổng trường, tôi lại hóa thân thành một người hoàn toàn khác, còn lúc bước ra khỏi cổng trường, tôi lại trở về đúng con người thật của mình”.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, diễn viên - thầy giáo Anh Đức đã dốc bầu tâm sự về những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt chặng đường làm "người lái đò".
Một mùa Hiến chương nữa lại về! Cảm xúc của thầy giáo Anh Đức trong ngày đặc biệt 20/11?
Có thể nói, 20/11 là ngày tết, ngày vui của những người gắn bó với nghề giáo. Thế nên, không chỉ cá nhân tôi, mà tất cả các đồng nghiệp trong nghề ai cũng đều háo hức và hãnh diện.
Đây là cũng dịp để mỗi học trò thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của mình với những người thầy đã có công dạy dỗ trong suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, và những người đã dìu dắt họ trên chặng đường đời đầy thử thách.
Nhiều khán giả tò mò về cơ duyên đưa Anh Đức đến với nghề giáo viên, và bước ngoặt trở thành một diễn viên như hiện tại?
Tôi từng có 4 năm theo học Nhạc viện Hà Nội. Học xong, tôi được nhà trường giữ lại công tác và gắn bó với nghề giáo cho đến tận bây giờ. Còn bản thân vốn mê diễn xuất từ nhỏ, và từng có ý định thi vào trường Sân khấu điện ảnh. Thậm chí, tôi đã nộp hồ sơ dự thi rồi, nhưng cuối cùng lại đổi ý và theo đuổi con đường âm nhạc. Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố mẹ đều là giảng viên âm nhạc, nên tôi cũng có chút gen di truyền. Dù chuyên tâm học nhạc, nhưng đôi khi “máu” diễn xuất trong tôi vẫn trỗi dậy.
Còn nhớ, trong quá trình học đại học, một lần bên Đài truyền hình tổ chức chương trình gala sinh viên, và tôi may mắn được nhà trường cử tham gia. Nói đến diễn xuất tôi thích lắm, nên cứ vô tư và thoải mái đi thi. Bất ngờ thay, các anh đạo diễn trong hãng phim lại phát hiện ra tố chất diễn xuất của tôi. Cũng từ đây, họ ngỏ lời mời tôi đi đóng phim và làm cộng tác viên. Cứ thế, dần dần tôi bén duyên với điện ảnh!
Lần đầu đứng trên bục giảng, trước nhiều bạn sinh viên, cảm giác của thầy giáo Anh Đức lúc đó thế nào?
Thú thật, lần đầu đứng trên bục giảng tôi run lắm. Cảm giác đó khác hoàn toàn khi tôi đứng trên sân khấu diễn. Đứng trên sân khấu, tôi thoải mái và tự tin hơn nhiều. Thời gian đầu lên bục giảng, nhìn xuống học trò ở dưới, tôi vẫn có chút gì ngại ngần và chưa quen lắm. Nhưng, có lẽ nhờ tố chất diễn xuất, nên lâu dần tôi cũng quen, và luôn tỏ ra lạnh lùng để che đi sự hồi hộp, run rẩy của mình (Cười).
Vậy, lần đầu nhìn thấy thầy Anh Đức diễn xuất trên màn ảnh, học trò của anh phản ứng thế nào?
Từ trước đến nay, trong mắt các học trò, tôi là một người thầy nghiêm khắc, lạnh lùng, thậm chí rất khó gần. Đa số các học trò sau khi xem phim tôi đóng đều bất ngờ và có chung thắc mắc: “Tại sao thầy Anh Đức trên phim lại có thể khác hoàn toàn với ngoài đời đến như vậy?”.
Thật ra, tính tôi không đến nỗi khó gần và nghiêm khắc như thế đâu. Nhưng, tự chính bản thân tôi mặc định, khi bước chân lên giảng đường, mình là một người thầy chỉn chu, nghiêm túc, chứ không thể hài hước, dí dỏm như trên phim. Tuy nhiên, khi thầy trò gặp nhau ở bên ngoài, ngồi hàn huyên, trò chuyện, thì các trò mới hiểu được con người thật của tôi thế nào.
Cùng lúc vừa phải lên lớp giảng dạy, vừa phải đi diễn, có khi nào anh cảm thấy quá sức? Làm sao để anh có thể cân bằng hai công việc mà không bị chồng chéo, ảnh hưởng?
Rất may, lịch trình của cả hai công việc khá ổn nên tôi có thể sắp xếp và điều tiết được. Tôi vừa có thể đảm bảo công việc giảng dạy ở trường, nhưng bên cạnh đó vẫn có thể theo đuổi niềm yêu thích là đóng phim. Thật ra, đam mê của tôi thiên về diễn xuất. Còn nghề giáo với tôi vẫn là công việc chính và cho mình địa vị ổn định trong xã hội. Người ta vẫn nói, nghề giáo viên là nghề cao quý, thế nên tôi cảm thấy mình may mắn được học và gắn bó với nghề.
Suốt những năm tháng đứng trên giảng đường, anh có kỷ niệm nào khó quên đối với học trò của mình?
Tôi nhớ nhất, thời điểm mới về trường, khi đó tôi còn rất trẻ, có lẽ vì thế mà khiến một số bạn sinh viên nữ “cảm nắng”. Thậm chí, có bạn sinh viên còn viết những dòng chữ rất ngộ nghĩnh, đáng yêu lên yên xe máy, hay viết lên giấy gửi cho tôi. Khi đọc được những dòng đó, tôi vừa cảm thấy vui, vừa thấy buồn cười, bởi không ngờ mình lại được quan tâm đến thế.
Còn từ xưa tới giờ, mỗi lần lên lớp, tôi đều tỏ thái độ nghiêm túc, thậm chí là khó gần với các bạn sinh viên. Tất nhiên, đó không phải là tính cách thật sự của tôi, nhưng đôi khi tôi muốn chỉ giấu sự nhút nhát của mình. Dù đã đứng trên bục giảng gần chục năm rồi, nhưng tôi vẫn cảm giác chưa thật sự tự tin và thoải mái để giao tiếp với các bạn sinh viên. Có lẽ vì khoảng cách đó mà học trò không dám thể hiện sự “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” với tôi (Cười).
Tuy nhiên, thỉnh thoảng đưa sinh viên đi thực tế, biểu diễn ở các trường, đơn vị, thầy trò cũng có cơ hội gần gũi, trò chuyện cởi mở với nhau hơn. Đó cũng là dịp mà các em hiểu hơn về tính cách, con người thật của tôi.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!