Bén duyên với nghệ thuật từ khá sớm, Bùi Công Danh đã “bỏ túi” cho mình khá nhiều vai diễn truyền hình ấn tượng như: Vượt qua bóng đêm, Đường Hồ Chí Minh trên biển, Một nửa bóng tối, Duyên nợ miền Tây, Gia tộc dậy sóng,.... Mới đây, anh còn thử sức làm đạo diễn phim hành động Nhân ẩn.
Nhưng, ít ai biết ngoài diễn xuất, Bùi Công Danh còn là gương mặt lồng tiếng xuất sắc cho rất nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng. Hơn 10 năm gắn bó với nghề lồng tiếng phim, trải qua không ít thăng trầm, đến nay, chàng nghệ sĩ sinh năm 1986 đã trở thành một trong những gương mặt lồng tiếng trẻ nổi bật ở khu vực miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Anh được rất nhiều diễn viên “chọn mặt gửi vàng” lồng tiếng cho mình như: Lương Thế Thành, Trương Minh Quốc Thái, Thanh Bình, Thành Đạt, Lâm Minh Thắng…
Trong cuộc trò chuyện với báo Người Đưa Tin, diễn viên Bùi Công Danh đã tiết lộ những câu chuyện hậu trường thú vị xung quanh nghề “hữu thanh vô ảnh”.
Xoay xở “cứu vai” cho diễn viên phim trường
Cơ duyên nào đưa anh trở thành diễn viên lồng tiếng phim?
Tôi bén duyên nghệ thuật từ năm 6 tuổi và hoạt động ở sân khấu Tuổi Ngọc. Thời điểm đó chỉ có duy nhất 2 nhóm lồng tiếng: Minh Khánh – Hồng Phúc. Tình cờ, một lần thầy Minh Khánh phát hiện tôi có khiếu nói năng nên kêu lồng tiếng cho chính vai diễn của mình. Sau đó, tôi nhận được nhiều lời mời lồng tiếng cho những vai chính khác, có thể kể đến các phim như: Gấu cổ trắng, Nói dối như cuội…
Cứ thế, tôi làm song song vừa đi diễn, vừa lồng tiếng phim trong một thời gian. Tuy nhiên, lớn lên tôi bị vỡ giọng, không vào được cả vai trẻ con lẫn người lớn. Dù nhận được nhiều lời mời làm phim và lồng tiếng nhưng tôi đều từ chối.
Năm 16 tuổi, tôi tạm ngưng nghiệp phim ảnh để chuyên tâm học hành và chuyển sang làm ca sĩ được 5 năm. Nhưng, cái máu diễn xuất đã nung nấu tôi tái xuất phim ảnh. Lúc bấy giờ, chính ba tôi là diễn viên Công Tài đã dìu dắt tôi trở lại với màn ảnh. May mắn cho tôi khi vừa tái xuất đã được mời đóng vai chính lẫn vai thứ cho nhiều phim truyền hình như: Vượt qua bóng đêm, Duyên nợ miền Tây,… Suốt thời gian đó, tôi vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm diễn xuất để thuận lợi cho việc đóng phim và lồng tiếng.
Sau thời gian tạm nghỉ, tôi quyết định trở lại nghề lồng tiếng từ lời mời của đạo diễn lồng tiếng Phước Trang, và tham gia nhiều nhóm lồng tiếng miền Nam.
Có ý kiến cho rằng, phim lồng tiếng chán, không nghe được cái thổn thức của diễn viên. Là người trong nghề anh nói gì về ý kiến này?
Tại sao lại nói phim lồng tiếng chán? Có vẻ như, mọi người đang chỉ nhìn nhận một khía cạnh là thích nghe tiếng nói của diễn viên, nhưng không phải ai cũng có chất giọng tốt. Với các nhà sản xuất phim, khi thu âm trực tiếp, người ta thường chọn diễn viên sở hữu đài từ tốt, diễn xuất ổn, nhấn nhá âm ngữ tròn vành rõ chữ. Bên cạnh những người thoại tốt, biết nhấn nhá, cũng không hiếm diễn viên phát âm dở, thu âm trực tiếp vẫn phải nhờ lồng tiếng “cứu cánh”. Bản thân tôi không ít lần được mời lồng tiếng cho những phim thu tiếng trực tiếp.
Trong trường hợp diễn viên hợp vai, nhưng không có giọng nói tốt, thì dù thu âm trực tiếp vẫn phải lồng tiếng. Thậm chí, ngay cả tiếng động nếu thu âm trực tiếp ở hậu trường không ổn, thì hậu kỳ vẫn phải xử lý và lồng tiếng lại cho khớp. Vậy nên đừng vội đánh giá rằng, phim lồng tiếng chán, dở!
Bước vào phòng thu âm, anh sẽ phải xoay xở thế nào để hoàn thành trọng trách “cứu vai” cho diễn viên trên phim trường?
Khi bước vào phòng thu, điều đầu tiên tôi làm là trao đổi với đạo diễn hình và đạo diễn lồng tiếng ở phương diện: Nhân vật này ra sao, vai như thế nào, tâm lý ổn chưa, khiếm khuyết chỗ nào. Từ đó, tôi sẽ đặt mình vào số phận của nhân vật mà làm cho trọn vẹn nhất. Có thể nói, diễn viên lồng tiếng cũng khóc cười theo nhân vật. Trong trường hợp diễn viên hiện trường diễn chưa đạt cảm xúc, khóc chưa đủ hay cười quá đáng thì người lồng tiếng phải cân bằng lại.
Nghệ sĩ lồng tiếng đảm nhận trọng trách “cứu vai” cho diễn viên phim trường trong rất nhiều trường hợp. Với những diễn viên có đài từ tốt, nhấn nhá, phát âm rõ như Trương Minh Quốc Thái, Lương Thế Thành,… thì việc lồng tiếng rất nhanh.
Trong trường hợp, diễn viên ăn hình nhưng giọng nói yếu, thì lực phát huy về thoại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn viên lồng tiếng. Trong một số trường hợp như: Diễn viên đóng vai mạnh mẽ nhưng chưa đủ mạnh, diễn viên đóng chưa đạt, thì người lồng tiếng cũng phải biết cách cân bằng lại cho hợp với cái hồn của nhân vật. Thậm chí, có những phim quay ẩu, chỉ nghe tiếng ồn ào ở hiện trường mà không nghe thoại của diễn viên, thì người lồng tiếng phải bám sát kịch bản và lồng cho khớp với nhân vật.
Suốt nhiều năm làm nghề, ngoài việc lồng cho chính vai diễn của mình, tôi cũng có cơ hội lồng tiếng cho nhiều diễn viên nổi tiếng khác như: Trương Minh Quốc Thái, Trương Thế Thành, Thanh Duy, Hiếu Nguyễn,…
Xem video:
Chỉ cần diễn viên mở miệng đã biết họ nói gì
Thú thực, sự cố trong quá trình làm việc cũng khó tránh khỏi. Nhưng, làm nhiều rồi cũng thành thói quen và rút kinh nghiệm trong khi lồng tiếng. Bản thân là một diễn viên, hơn nữa là người lồng tiếng chuyên nghiệp nên tôi không cho phép mình mắc phải những sai lầm không đáng có. Đến độ, có những diễn viên tôi lồng rất nhiều lần, chỉ cần họ mở miệng ra tôi đã biết họ nói gì, dù tình huống ấy không nghe được thoại.
Lâu nay, người ta vẫn nghĩ, diễn viên lồng tiếng nhàn hạ, cát-xê cao. Anh nói gì về điều này?
Nếu ai nói rằng, làm nghề lồng tiếng an nhàn, dễ kiếm tiền thì hãy thử sức xem có dễ không. Có những diễn viên vì sợ hỏng vai nên xin được tự lồng tiếng, nhưng nếu diễn ngoài hiện trường 100% công lực, thì vào phòng thu chỉ còn 40 -50%. Cuối cùng, họ vẫn phải giao lại vai diễn của mình cho diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp.
Nếu một diễn viên chính có tên tuổi nhận cát-xê 5 – 6 hay 7 triệu đồng/1 tập phim, đội nắng dầm mưa thể hiện vai diễn kéo dài mấy tháng! Còn người lồng tiếng vai chính chỉ nhận được 5 – 6 hay 7 trăm nghìn đồng/ 1 tập phim dù vất vả, áp lực không kém.
Cảm giác của anh khi nghề lồng tiếng mang danh “hữu thanh vô ảnh”?
Thật ra, cũng có đôi chút chạnh lòng. Khán giả xem phim, chỉ thấy hình nghe tiếng rồi ồ lên rằng, diễn viên diễn hay quá, nhưng ít ai biết, phía sau sự thành công ấy là sự cộng hưởng của rất nhiều bộ phận: diễn xuất, hậu kỳ, âm thanh, đạo diễn, phục trang,…và người lồng tiếng. Nhưng, một khi niềm đam mê đã ngấm vào “máu” thì tôi và các đồng nghiệp vẫn thầm lặng theo đuổi tới cùng vì cái tâm làm nghề. Thiết nghĩ, mỗi ngành nghề đều có những vinh quang, áp lực riêng, nên hãy tôn trọng nhau.
Cảm ơn những chia sẻ của nghệ sĩ Bùi Công Danh!