Đóng hài bằng sự... liều lĩnh
Chào Chiến Thắng, được biết anh là một diễn viên hài rất có duyên trên truyền hình. Anh đến với nghề diễn viên như thế nào?
Năm 2001 tình cờ một lần đưa cậu em trai út xuống trường đi học, lúc về đúng đến cổng hãng phim truyền hình thì tắc đường tôi có ghé vào phòng bảo vệ xin gặp giám đốc của hãng lúc bấy giờ là đạo diễn, NSND Khải Hưng đặt vấn đề muốn tham gia chương trình Gặp nhau cuối tuần với tư cách là khán giả khách mời.
Đạo diễn Khải Hưng có thử năng khiếu của tôi bằng làm tiếng các con vật: Chó, mèo, gà, lợn... tiếng miền Trung, Nam. Thấy khả năng của tôi ông nhận lời và sau đó tôi được quay hình và phát sóng khoảng một tháng sau đó. Đến bây giờ tôi và mãi mãi về sau tôi không bao giờ quên ông người đã phát hiện và đưa tôi vào nghiệp diễn hài.
Anh tốt nghiệp trường Nghệ thuật quân đội chuyên ngành thanh nhạc rồi đầu quân về Đoàn nghệ thuật biên phòng. Vì sao anh lại ra quân?
17 năm cống hiến cho quân đội, khi mà mật độ biểu diễn và quay hình quá nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến giờ giấc và kỷ luật của quân đội tôi quyết định ra quân để không ảnh hưởng đến đơn vị,dành hết thời gian cho công việc lao động nghệ thuật của mình.Thú thật nhiều lúc cũng nhớ môi trường Quân đội lắm chứ...
Danh hài Chiến Thắng
Có vẻ như, để sống được với nghề diễn viên, anh đã từng rất vất vả?
Đúng vậy! Tôi sinh ra và lớn lên trong nghèo khổ. Cấp 2, tôi đã bán kem rong để kiếm thêm tiền học. Tới lớp 10, tôi bắt đầu với nghề gánh gạch thuê, đỡ đần cha mẹ. Tôi gánh suốt 3 năm phổ thông, kể cả mỗi dịp nghỉ hè đại học. Hai năm ôn thi đại học, tôi lên Hà Nội xin làm đá ốp lát, ngày làm, tối học. Cho tới khi học trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, tôi vẫn làm cái nghề ấy.
Thậm chí, tôi còn nhận thêm nghề khắc bia mộ, nặn tượng, vẽ tranh... Khi vào nghề cũng do chính đôi chân và lòng đam mê của mình. Nhớ lại những ngày đầu mới bước vào nghề tôi không thể nào quên, khó khăn, gian khổ, mồ hôi và cả những giọt nước mắt. Có những lúc thấy nản nhưng rồi tự an ủi, động viên mình mà đứng dậy đi tiếp... cuối cùng ông trời đã không phụ mình.
Anh đã bắt đầu nghiệp diễn của mình khi tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần”?
Đúng vậy, được tham gia chương trình “Gặp nhau cuối tuần” là một may mắn của tôi, phải chăng nó là cái duyên trời sắp đặt cộng với cái máu nghệ thuật của mình tạo nên cái nghiệp... Tôi đã đóng hài bằng sự... liều lĩnh của mình. Có một kỷ niệm làm tôi nhớ mãi, đó là lần đầu tiên đi diễn, thấy tôi cứ lung túng đứng trong cánh gà, 2 diễn viên Vân Dung và Quang Thắng đã đẩy tôi ra ngoài sân khấu. Và lần đó, tôi lại diễn rất thành công. Có lẽ, lúc đó tôi đã vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân mình.
Diễn viên Chiến Thắng còn nổi tiếng bởi một số tiểu phẩm “Nói xấu vợ”? Sau khi xem những tiểu phẩm này, vợ anh có nhận xét gì không?
Những tiểu phẩm “Nói xấu vợ” ấy đều do tôi viết kịch bản, cô ấy thấy vui khi tôi viết xong tác phẩm. Tôi có hỏi đùa cô ấy là: Em có cái tật xấu nào giống bà vợ trong kịch bản của anh không? Vợ tôi cười và nói: “Không phải em...Đó là bà vợ thế gian...”. Để tự diễn những tác phẩm tấu hài như thế, tôi mất tầm 2 – 3 ngày để nhớ và luyện tập kịch bản.
Chuyện tình yêu của anh diễn ra như thế nào? Nghe nói anh chị yêu nhau từ hồi học phổ thông?
Ngày xưa lúc học phổ thông, thích nhau biết vậy mà không nói gì. Cô ấy tên là Nguyễn Thanh Tám, cũng chính là cô bạn gái thân từ thuở nhỏ với nhau. Hồi yêu cô ấy, hôm nào tôi cũng vắt vẻo trên cây xoài trước nhà, chờ cô ấy đi học qua đó. Khi đi học ở trên Hà Nội, cô ấy sinh viên học viện tài chính trên Vĩnh Phúc. Tới năm cô ấy học năm thứ hai, nhà tôi làm cái lễ sang nhà cô ấy xin cho tôi đi lại...
Thế rồi kết thúc mùa thi, chúng tôi nắm tay nhau quyết cùng đi một đường. Vì tôi nghèo nên cô ấy thương, tôi cũng rất may mắn khi lấy được một người vợ hiểu mình.
Bạn diễn nào ăn ý với anh nhất? Hay đi diễn, lại diễn nhiều với các bạn diễn trẻ đẹp, vợ anh có bao giờ ghen không?
Trước đây khi chưa nổi tiếng tôi thấy nghệ sỹ hài nào trên truyền hình tôi cũng mê. Bình Trọng là người tôi hay diễn cùng nhất Bên cạnh đó, tôi thấy bạn diễn nào cũng hợp cạ với mình cả, vì tất cả các bạn diễn đã cho tôi rất nhiều, đó là cách diễn, sự sáng tạo và sự yêu nghề. Tôi học được tất cả ở các bạn ấy. Vợ tôi không ghen vì cô ấy hiểu đó chỉ là nghệ thuật, là diễn thôi.
Nhân vật Văn Minh bí hiểm và thủ đoạn lắm!
Ngoài diễn xuất ra, anh còn viết kịch bản, làm vè, hát... Có vẻ như anh là một diễn viên rất “đa – zi – năng”?
Đó là sự đam mê. Tôi luôn muốn khẳng định mình. Ngoài ra, việc hát, làm vè lại phục vụ những kịch bản hài của tôi nên tôi cũng rất tâm huyết với nghề “tay trái” ấy. Ngoài năng khiếu ra thì tôi cũng phải tìm tòi, học hỏi nhiều, chất liệu chính trong những kịch bản ấy chính là cuộc sống đời thường, những cái mắt thấy tai nghe mà tôi đã gặp.
Gần đây, anh còn đóng phim truyền hình “Trò đời”. Vậy anh vào vai diễn này như thế nào?
Tôi phải giảm cân theo ý của đạo diễn Nhuệ Giang, bởi chàng Văn Minh thì gầy gầy, nói nhiều, đôi khi rất “lố”. Đây là một vai khó, và khác hẳn với những vai hài mà tôi từng đóng. Những vai hài dí dỏm, nhí nhảnh bao nhiêu thì vào vai Văn Minh bí hiểm, thủ đoạn và xảo quyệt bấy nhiêu. Nhiều lúc xem lại, tôi cũng không nghĩ là mình lại làm được như vậy.
Diễn viên Chiến Thắng và vợ con
Có người xem phim “Trò đời” và cho rằng vai Văn Minh đúng là rất hợp với anh. Để đóng đạt như vậy, anh đã phải “khổ luyện” như thế nào?
Tôi phải nghiên cứu rất kỹ tính cách nhân vật, Cùng với sự hướng dẫn của đạo diễn và bản thân phải tự thoát ra khỏi các nhân vật hài để nhập vai Văn Minh – một vai khác hẳn với những vai diễn trước khi của tôi.Ngày trước tôi có xem phim “Xuân tóc đỏ” có đạo diễn Quốc Trọng từng đóng. Tuy nhiên phim “Trò đời” này cần một sự nỗ lực rất lớn, phim là sự kết hơp của ba tác phẩm: Số đỏ, Cơm thày cơm cô, Kỹ nghệ lấy tây... nên cũng khác nhiều so với phim anh Quốc Trọng đóng ngày trước.
Anh chàng Văn Minh của “Trò đời” có giống diễn viên Chiến Thắng ngoài đời không?
Khác lắm. Văn Minh bí hiểm và thủ đoạn, còn Chiến Thắng dễ gần và xuề xòa lắm. Nhiều khán giả xem phim “Trò đời” và và cho tôi biết rằng, họ cũng bất ngờ khi tôi lại vào một vai khác hẳn với những gì tôi đã diễn trước đây. Tôi cũng rất áp lực khi nhận lời đóng vai này, sợ không làm được theo ý đạo diễn. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của đoàn làm phim, có thể nói, tôi đã đóng “tròn vai”.
Có kỷ niệm nào trong phim “Trò đời” làm anh nhớ nhất? Theo anh, phim đã lột tả được xã hội Việt Nam thời ấy chưa?
Tôi nhớ khi đang quay dở bối cảnh nhà cụ Cố Hồng thì tôi bị bệnh phải đi cấp cứu, cả Đoàn làm phim mấy chục người phải nghỉ. Tôi nằm viện mà lo lắng lắm, vì vậy ngày thứ hai trong viện tôi trốn bác sĩ để về với Đoàn làm phim. Thấy tôi “mất tích” như thế, nên các bác sĩ cũng phát hiện ra, tôi bị bác sĩ “mắng” cho một trận, cũng may là qua khỏi để có sức khỏe và yên tâm đi diễn. Tôi thấy kịch bản phim chính là sự mô tả xã hội tử sản Việt Nam những năm 1930 – 1945.
Anh có thấy sự khác biệt khi đóng tiểu phẩm hài và phim truyền hình không?
Hài là sở trường sẽ dễ hơn. Còn phim truyền hình đòi hỏi khắt khe hơn nhiều về mọi thứ. Có khi có một cảnh phim mà tôi đóng đi đóng lại nhiều lần. Phim truyền hình là công việc của một tập thể đông người, tuy nhiên, mỗi người là một mắt xích, đòi hỏi ai cũng phải nỗ lực và đoàn kết thì phim mới thành công.
Trong các tiểu phẩm hài của mình, vẫn thấy diễn viên Chiến Thắng ca dân ca, hát chèo rất “ngọt”. Anh có định lấn sân sang ca nhạc và ra đĩa CD không?
Không. Tôi lấy cái hát của mình thay lời tâm sự, những đoạn hát dân ca, hát chèo chỉ là phần “thêm thắt” cho những tiểu phẩm hài thôi. Ngày xưa tôi có học thanh nhạc, giờ là một nghệ sỹ hài nhiều lúc thấy nhớ, nên kết hợp cả hai. Nếu cả hai đều được khán giả đón nhận thì tôi sẽ tiếp tục phát huy, còn việc ra đĩa ca nhạc thì chắc là tôi không làm.
Các chương trình hài, các đĩa hài được phát hành gần Tết có diễn viên Chiến Thắng bán chạy như “tôm tươi”, có vẻ như các nhà sản xuất cũng rất “tinh ý” khi mời tham gia đóng phim?
Chắc vì những vai diễn mộc mạc của tôi lấy được lòng khán giả hay sao nên họ cộng tác. Tôi cũng thấy rất vui khi mỗi năm Tết đến, được nhận lời mời đóng phim tết, tiểu phẩm hài. May mắn là những tác phẩn ấy vẫn có người xem.
Các con anh có bé nào thích làm viễn viên không? Nếu sau này con muốn làm diễn viên, anh có động viên cháu theo nghiệp của bố không?
Có cháu út năm nay cháu gần 3 tuổi cháu rất thích ca hát và xem hài, nếu sau này cháu vẫn đam mê như vậy tôi cũng sẽ hướng cháu theo nghiệp của bố. Tôi cũng dạy con theo cách tự nhiên, các cháu thích gì thì mình khuyến khích, không có sự áp đặt để các cháu phát triển tự nhiên.
Cám ơn anh về buổi trò chuyện này!
Lạc Thành