May mắn từng được NSND Trần Phương dìu dắt trong những ngày đầu bén duyên với màn ảnh, diễn viên Mai Thu Huyền không khỏi buồn và hụt hẫng khi hay tin cây đại thụ của làng điện ảnh nước nhà đã rời cõi tạm. “Thật sự, tôi rất đau xót và xin chia sẻ với gia đình về nỗi mất mát quá lớn này. NSND Trần Phương ra đi để lại khoảng trống không thể bù đắp cho nền điện ảnh Việt Nam. Ông không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa gạo cội, mà còn là nhân cách sống luôn được mọi người kính trọng”.
Ngược dòng, năm 1998, Mai Thu Huyền may mắn được đảm nhận vai nữ chính trong bộ phim Tiếng sáo ly hương do NSND Trần Phương đạo diễn. Đã 22 năm trôi qua nhưng ký ức về quãng thanh xuân tươi đẹp ấy vẫn mãi sâu đậm trong tâm trí cô. Ngày ấy, Mai Thu Huyền chỉ mới là cô bé mười tám đôi mươi, vừa kịp “bỏ túi” một vài vai diễn. Đến với vai Huệ trong Tiếng sáo ly hương, chị được “bung xõa” với những cảm xúc vô cùng đặc biệt.
“Nhân vật Huệ thực sự là một trong những vai diễn khó nhất tôi từng đảm nhận. Đối mặt với không ít trở ngại, áp lực ban đầu nhưng tôi đã bắt nhịp rất nhanh và hoàn thành tốt vai diễn này. Tôi làm được điều đó cũng nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ của NSND Trần Phương.
Vốn xuất thân là một diễn viên nổi tiếng trước khi trở thành đạo diễn, nên bác Phương rất tâm lý và hiểu các diễn viên trẻ. Ra phim trường, bác hướng dẫn chúng tôi rất nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Được làm việc với một đạo diễn có tâm và có tầm như vậy, chúng tôi rất thoải mái. Đôi lúc, tôi cảm giác bác như người cha tận tâm chỉ bảo cho các con”, Mai Thu Huyền cho biết.
Mai Thu Huyền không giấu được cảm xúc bồi hồi khi nhớ về những kỷ niệm đẹp “ăn gió nằm sương” cùng đoàn phim Tiếng sáo ly hương.
Cô kể: “Hồi ấy, tôi vẫn rất trẻ con, thơ ngây, chưa vướng bận, chưa yêu đương, lại đúng vào dịp nghỉ hè. Đi làm phim rong ruổi từ Hà Nội đến tận Trà Cổ (Móng Cái). Hồi ấy vui lắm, đến độ đóng phim xong, tôi cứ lưu luyến mãi chẳng muốn về nhà, chỉ thích ở lại cùng mọi người trong đoàn phim”.
Thời điểm quay bộ phim Tiếng sáo ly hương, NSND Trần Phương đã gần 70. Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu, thì ông vẫn hăng hái, xông pha với “trận mạc” nghệ thuật. "Làm phim “nay đây mai đó” cực và vất vả lắm, phải có sức khỏe và đam mê thì mới theo được. Dù khi ấy sức khỏe của NSND Trần Phương không được tốt, nhưng ra phim trường bác vẫn tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết dẫn dắt cả ê-kíp. Không khí trong đoàn phim của bác rất dễ chịu và thoải mái. Thật sự, bác không chỉ là một đạo diễn tài hoa mà còn được mọi người nể trọng bởi cách đối nhân xử thế quá tuyệt vời. Bác rất điềm đạm và nhẹ nhàng, nên ai cũng yêu quý”, cô cho biết thêm.
Sau khi bộ phim đóng máy, Mai Thu Huyền vẫn giữ mối liên hệ thân tình với NSND Trần Phương và mọi người trong đoàn phim. “Dù không còn làm việc chung, nhưng tôi vẫn rất quý bác như một người cha. Hồi ấy, tôi cùng một số người trong đoàn phim vẫn lên nhà nghệ sĩ Trần Phương chơi suốt, và may mắn được bác hướng dẫn thêm phần diễn xuất. Tuy nhiên, từ lúc tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống thì ít có cơ hội gặp lại bác. Thi thoảng, hai bác cháu mới có dịp hội ngộ tại các liên hoan phim.
Còn nhớ, năm 1999, tôi được cùng bác tham dự Liên hoan phim ở Huế. Lần đầu tiên được đi xa, mọi thứ đều lạ lẫm, may có bác hướng dẫn từng đường đi nước bước nên tôi làm quen khá nhanh. Tôi cảm giác bác Phương như người cha thứ hai của mình, luôn chu đáo, tận tình”.
Dù đã đóng nhiều phim nhưng với Mai Thu Huyền, cố NSND Trần Phương là vị đạo diễn để lại trong chị nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nhất. “Làm phim với bác Phương, tôi được học hỏi nhiều thứ lắm. Kể cả bây giờ đã chuyển sang làm đạo diễn, tôi cũng học được từ bác về tác phong làm việc, biết cách truyền cảm hứng và tạo tâm lý thoải mái nhất cho các diễn viên”.
NSND Trần Phương (tên thật là Trần Đức Phương), sinh năm 1930 tại Thái Nguyên, là thế hệ nghệ sĩ trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông được xem là một trong những ngôi sao sáng của điện ảnh Việt Nam một thời vàng son. Gần 50 năm cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh, nghệ sĩ Trần Phương đã để lại dấu ấn cực kỳ sâu đậm trong lòng khán giả ở cả vai trò diễn viên lẫn đạo diễn.
Vai diễn A Phủ trong phim Vợ chồng A Phủ là vai diễn đầu tay của nghệ sĩ Trần Phương. Ngoài ra, tên tuổi của ông còn gắn với hàng loạt vai diễn: Khoa trong Chị Tư Hậu, Khiêm trong Tiền tuyến gọi, Tiệp trong Ngày lễ Thánh, Lực trong Truyện vợ chồng anh Lực…
Sau này, khi chuyển sang làm đạo diễn, ông cũng nổi tiếng với nhiều tác phẩm đoạt giải cao như: Tội lỗi cuối cùng (bộ phim làm nên tên tuổi của cố NSND Phương Thanh), Hy vọng cuối cùng, Tiếng sáo ly hương, Dòng sông hoa trắng,... Đến thời phim thị trường nở rộ, ông cũng là tác giả của nhiều bộ phim ăn khách như SBC (Săn bắt cướp), Vụ án hồ con rùa…
Năm 2001, đạo diễn Trần Phương được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Bên cạnh đó, ông còn được trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho các phim Hy vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.
Những năm cuối đời, ông phải chống chọi với nhiều căn bệnh nên sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. NSND Trần Phương qua đời sáng 26/8, hưởng thọ 90 tuổi, tang lễ của ông được tổ chức vào chiều nay (30/8).