Đức Hải là một trong những nghệ sĩ khóa đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), ‘cùng lứa’ với các diễn viên Chí Trung, Ngọc Huyền, Lan Hương, Lê Khanh, Minh Hằng…
Từng là giảng viên của trường Sân khấu Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh trong hơn mười năm, hiện anh là phó giám đốc O2TV và là một ông bố gương mẫu của bốn đứa con.
Đức Hải ngoài đời không khác biệt mấy so với anh khi diễn trên sân khấu. Anh luôn tạo được cảm giác gần gũi qua cách nói chuyện chân thành và lối pha trò duyên dáng.
Anh chia sẻ với báo chí: ‘Chuyện kén vai diễn, đòi cát-sê cao là hoàn toàn có thật vì tôi cần một nguồn thu nhập tốt để đảm bảo cuộc sống cho các con. Tôi một nách bốn con cơ mà! Nói không ngoa rằng các con tôi lớn lên nhờ ‘đôi dòng sữa bố’ đấy.
Nói về đối nhân xử thế trong mối quan hệ gia đình, diễn viên Đức Hải bộc bạch: ‘Tôi nể chứ không sợ vợ. Mà nếu một người đàn ông có sợ vợ thì cũng không có gì là ghê gớm vì người phụ nữ đã hy sinh nhiều cho gia đình, sợ một chút cũng nên chứ! Còn với các con thì tôi mê vô cùng chứ không chỉ yêu’.
Danh hài Đức Hải thuật lại: ‘Có lần đi lưu diễn, nghỉ ở khách sạn năm sao mà tôi trằn trọc suốt bốn đêm không ngủ được vì nhớ mùi của con. Nhà có đến bốn đứa con, mệt thật nhưng vui lắm.
Với tôi, dù cuộc sống mưu sinh luôn vất vả, tất tả ngược xuôi, nhưng gia đình luôn là chốn bình yên nhất để trở về sau mỗi ngày cực nhọc. Đây cũng là niềm hạnh phúc mà người đàn ông nên biết giữ gìn và quý trọng’.
Diễn viên hài Đức Hải: Thành công lớn nhất là làm một người bố tử tế.
Với Đức Hải, nhờ yêu và hiểu trẻ nên anh mới có thể viết kịch bản cho trẻ em hay đến vậy!.
‘Viết kịch bản cho trẻ em không hề đơn giản. Vì người viết phải hiểu suy nghĩ, ngôn ngữ của trẻ, nội dung phải phù hợp với tâm lý của trẻ, không thể áp đặt suy nghĩ của người lớn vào. Viết xong kịch bản, người đầu tiên ‘thẩm định’ chất lượng là các con của tôi và cả những đứa trẻ hàng xóm’.
Và mong ước vẫn luôn canh cánh từ lâu của Đức Hải đó là có thể xây dựng được một nhà hát dành cho thiếu nhi.
‘Thật xót xa khi thấy rất nhiều rạp bị bỏ hoang, biến thành quán bia hơi, nơi gửi xe…, trong khi trẻ em cả nước ta vẫn chưa có một nhà hát thiếu nhi đúng nghĩa’ – Đức Hải nói.
Mong mỏi là vậy, tuy nhiên, do điều kiện chi phí và nhiều lý do khó khăn khác, hiện nay, Đức Hải mới chỉ có thể tạo sân chơi cho các em ngay tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Mới đây nhất, anh cũng đã dựng vở kịch Câu chuyện thiên nga nhân dịp 1/6 và đã nhận được sự reo hò, vui sướng của rất nhiều trẻ em tại Hà Nội và các vùng lân cận. Chính tình yêu với con trẻ là động lực lớn nhất thôi thúc tôi viết kịch bản, đạo diễn và tham gia vào vở diễn ấy.
‘Tôi kén vai diễn thật, nhưng với các chương trình dành cho thiếu nhi thì rất ít khi tôi từ chối, dù diễn chỉ mười hoặc mười lăm phút. Cứ lên sân khấu, nhìn thấy các bạn nhỏ hò reo là tôi thấy hứng thú, quên hết cả mệt nhọc. Nhìn các em cười thích thú, hưởng ứng vai diễn của mình, mọi sự mệt mỏi tan biến rất nhanh, không cần uống nước sâm sau buổi diễn mà vẫn thấy rất khỏe khoắn’ – Đức Hải tâm sự.
Đã từng kinh qua nhiều công việc như diễn viên, đạo diễn, giảng viên, người dẫn chương trình và kinh doanh, nhưng khi được hỏi, anh cảm thấy mình thành công nhất ở công việc nào, Đức Hải không ngần ngại trả lời: ‘Có lẽ thành công nhất là một ông bố tử tế, chiều vợ và dạy con đến nơi đến chốn’.
Mạnh Hùng