Văn Toản từng quen mặt với khán giả cả nước qua nhiều phim truyền hình, tiểu phẩm hài. Nhắc đến ông, người ta thường nhắc đến những nghệ sĩ cùng thời như: Trần Hạnh, Phạm Bằng, Trịnh Thịnh... Ngoài làm diễn viên, ông còn sáng tác nhạc, dàn dựng sân khấu... Ông cho hay, mình xuất thân trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng ông đã sớm bén duyên với nghiệp diễn từ những thập niên 60 của thế kỉ trước.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, nghệ sĩ Văn Toản cho hay: "Gần 10 năm nay, tai tôi có vấn đề, ai muốn nói chuyện với tôi thì có thể viết ra giấy hoặc nhắn tin qua điện thoại. Khi mới bị bệnh, con cháu cũng đưa đi chạy chữa nhưng bác sĩ nói, đó bệnh tuổi già, suy giảm thính lực là do sức khoẻ, tôi có uống thuốc nhưng không đỡ. Thôi thì trời vẫn cho sức khoẻ, chỉ có việc nghe là bị hạn chế thì mình khắc phục thôi. Cô con gái mua cho hai bộ máy trợ thính, nhưng tôi vẫn không nghe được. Tôi coi điếc là bệnh tuổi già và chấp nhận sống chung với "lũ".
Nghỉ hưu hơn 20 năm, hiện tại nghệ sĩ Văn Toản ở cùng gia đình con trai thứ. Mỗi ngày, con đi làm, cháu đi học, ông quanh quẩn một mình. Thấy dòng chữ "Ông có buồn không?", ông nhấn giọng "Có gì mà phải buồn". Buổi sáng, ông dành thời gian tụng kinh, niệm Phật, rồi ăn sáng, dọn dẹp nhà cửa. Sau đó, ông cầm điện thoại, nhắn tin với bạn bè, thăm hỏi họ hàng. Khi phóng viên hỏi chuyện, ông cũng dùng chiếc điện thoại để trả lời, ông bảo: "Thôi vẫn có chiếc điện thoại làm bạn với mình là vui rồi". Ai muốn liên lạc với tôi đều qua chiếc điện thoại này. Mỗi khi đi ra ngoài, hàng xóm vẫn hỏi han nhưng ông phải nói to: Tôi bị điếc, có gì viết ra giấy nhé. Vậy là mỗi khi gặp ông, người quen có gì hỏi lại viết ra giấy để giao tiếp với ông.
Tên tuổi của nghệ sĩ Văn Toản gắn liền với nhiều vở kịch, phim truyền hình nhưng ít ai biết rằng, lúc trẻ, ông từng đắn đo với rất nhiều lựa chọn như đi hát cải lương, đi bộ đội, làm công nhân... thậm chí là trở thành cầu thủ cho đội tuyển Thể Công. Thế nhưng, sau đó, ông Văn Toản quyết định thi vào trường Kịch và trở thành một trong những sinh viên khóa Kịch đầu tiên của nền văn nghệ nước nhà.
Sau khi tốt nghiệp trường Kịch, nghệ sĩ Văn Toản về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam, cho tới năm 2000 thì về hưu. Sau khi về hưu, ông tiếp tục hoạt động nghệ thuật thông qua các phong trào quần chúng và cũng thường xuyên được mời tham gia các tiểu phẩm hài, ông bảo: "Đi diễn, thấy mình trẻ ra nhiều, được gặp đồng nghiệp, anh em nên vui. Nhưng từ khi bị ốm và tai kém thì tôi không đi diễn nữa. Mình cũng chủ động rút lui để các đạo diễn khỏi phải khó xử. Tuổi trẻ, tôi cũng từng lăn lộn với kịch, phim, có những cống hiến nhất định nên không nuối tiếc gì nữa...".
Hỏi ông, làm diễn viên cả đời nhưng ông không có danh xưng NSƯT hay NSND ông có buồn không? Nghệ sĩ Văn Toản cho hay: "Tôi không buồn, tôi là nghệ sĩ của nhân dân, danh xưng có hay không không quan trọng. Tôi đã hết mình với nghệ thuật và được khán giả công nhận, đó là phần thưởng lớn rồi".
Ông sinh được ba người con, hai gái một trai. Cho đến bây giờ các con của ông đều đã trưởng thành, có gia đình riêng và sinh cho ông những đứa cháu xinh xắn. Ông vui vì các con mình không theo nghiệp cha bởi ông vẫn quan niệm rằng "nghiệp diễn khổ lắm, không biết bao giờ mới khá lên được". Sự thành đạt của con cháu cũng là niềm an ủi với người nghệ sĩ đã từng trải qua biết bao khốn khó của cuộc đời.
"May mắn là các con tôi đều trưởng thành và có hiếu, các cháu quan tâm đến bố lắm. Cả đời tôi là nghệ sĩ, sống giản dị và chẳng có tiền bạc cho con, nhưng các con lớn lên đều hiểu và không trách gì bố. Cái tôi để lại cho con là sự chăm chỉ, lao động chịu khó và hiếu nghĩa với bố mẹ, tổ tiên" - Nghệ sĩ Văn Toản trả lòng.
Nghệ sĩ U80 cho hay, thời gian rảnh rỗi, ông thường đọc sách và học các bài thuốc dân gian. Dần dần, ông tích lũy được nhiều kiến thức, mẹo chữa dân gian, ông đã viết tập sách Những bài thuốc dân gian kỳ diệu với những công thức đơn giản như chữa viêm xoang bằng củ hành, viêm họng bằng chanh và muối, cảm cúm với nước gừng... do chính ông sưu tầm. Cuốn sách đó được ông tặng cho nhiều người như cẩm nang chữa bệnh trong nhà.
"Tôi vui vì có thể giúp đỡ một số người với những bài thuốc đơn giản. Nhiều người nghèo lắm, họ không có tiền dùng thuốc đắt nên giúp được ai là tôi sẵn lòng. Mình cùng trưởng thành từ một xóm lao động nghèo nên thấu hiếu và muốn giúp đỡ mọi người" - Ông tâm sự.