PV: Nhiều năm nay, nghịch lý nông sản cứ được mùa là mất giá và phải chờ giải cứu, đâu là nguyên nhân của thực trạng này, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Đúng là thực tế hiện nay, giá nông sản đang tụt xuống. Lúc thì dưa hấu, chuối, xoài, vải... và giờ đến củ cải, su hào. Ai cũng biết quy luật được mùa mất giá nhưng tránh thì không thể tránh được. Nếu quan sát kỹ thì chúng ta cũng thừa nhận một điều rằng, cái đó không quá phổ biến, nó chỉ xảy ra ở một số cây trồng và vào một thời điểm nhất định mà thôi.
Điều này cũng khó tránh khỏi khi mà lực lượng sản xuất của chúng ta rất phát triển và quan hệ sản xuất chưa được tiếp cận nhiều, đặc biệt là hình thành các mối liên kết sản xuất. Hơn nữa, việc phát triển liên kết sản xuất, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trước khi sản xuất là điều kiện tiên quyết để giải quyết nhưng hiện vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.
PV: Chúng ta vẫn tự hào về một nền nông nghiệp đang phát triển, nhưng năm nào nông sản cũng phải “giải cứu”, phải chăng hướng đi của ngành nông nghiệp đang có vấn đề?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Chúng ta tự nhận thấy rằng cho dù còn những bất cập, đôi lúc thị trường rớt giá nhưng cũng phải thừa nhận nền nông nghiệp có sự phát triển cả về số lượng. Số lượng chúng ta hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thị trường, đấy là sự tăng trưởng rất tốt. Chất lượng thì chúng ta đã đi vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, các nước châu Âu... Như vậy rõ ràng chúng ta đã có những bước cải tiến. Tuy nhiên, còn những bất cập như kể trên thì rõ ràng chúng ta cần phải cải tiến thông qua các hình thức liên kết để giám sát chất lượng.
PV: Để tình trạng này liên tục tiếp diễn thì trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Chúng ta phải nhìn vào lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất sẽ thấy rằng nó không tương thích, cần được điều chỉnh. Sự điều chỉnh đó thuộc về ai thì các cấp cần phải bàn và đưa ra kế hoạch cụ thể.
PV: Đúng là nông nghiệp năm vừa qua có nhiều niềm vui tuy nhiên niềm vui đó chưa thực trọn vẹn nếu có những mặt hàng nông sản vẫn phải chờ “giải cứu”. Theo ông, giải pháp nào từ cơ quan quản lý và người dân để chấm dứt câu chuyện đáng buồn này?
Ông Nguyễn Hồng Sơn: Chúng ta cần thiết lập hệ thống quản lý vùng sản xuất để các cơ quan quản lý có thể nhanh chóng cập nhật thông tin về hiện trạng sản xuất, nguồn cung cũng như thông tin về thị trường, kịp thời cung cấp cho người dân để điều chỉnh kế hoạch sản xuất.
Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền vận động nông dân bám sát hướng dẫn của các cơ quan chức năng về lịch thời vụ, vùng trồng, chủng loại cây trồng để tránh sản xuất chồng chéo gây nên hiện tượng ứ thừa cục bộ.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức cho người dân trong việc kết nối giữa sản xuất với tiêu thụ, khi sản xuất phải có hướng tiêu thụ sản phẩm hoặc có liên kết có bao tiêu sản phẩm thông qua các hợp đồng kinh tế chắc chắn, không nên chỉ biết sản xuất mà không quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm ở đâu hay sản xuất theo phong trào, thấy người khác sản xuất mình cũng sản xuất theo. Tăng cường thông tin và xúc tiến thương mại, kết nối giữa các đầu mối tiêu thụ với nông dân để có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định cho dân trước khi sản xuất.
Đẩy mạnh chuyển giao các công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nông dân có thể kéo dài thời gian thu hoạch, chế biến sản phẩm khi nguồn cung vượt cầu.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mai Hằng - Đỗ Thơm