Điệp viên được trả lương cao nhất thế giới "nhờ"bán đứng đồng nghiệp

Điệp viên được trả lương cao nhất thế giới "nhờ"bán đứng đồng nghiệp

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Đối với người Mỹ, Aldrich Ames có lẽ là điệp viện KGB khét tiếng nhất từng làm điệp viên hai mang trong CIA suốt 9 năm cho tới khi bị bắt, bị xét xử và kết án về tội phản quốc. Aldrich Ames được coi là điệp viên được trả lương cao nhất thế giới với gần 5 triệu USD vì phản bội các đồng nghiệp.

Trong quãng đời "hoạt động ngầm", đặc vụ kỳ cựu Aldrich Ames đã tiết lộ danh tính của 25 điệp viên CIA, 10 trong số họ đã bị tử hình.

Bán mình để trả nợ cho vợ

"Điệp viên" hay "Tình báo" - cái tên nghe qua đã gợi cho người ta về một thế giới đầy bí ẩn, hiểm nguy. Một thế giới vốn bản thân nó đã đầy hấp dẫn, với những gay cấn, mạo hiểm, vinh quang mà cũng đầy cay đắng, lật lọng. Một thế giới mà khi dấn thân vào đó là chấp nhận đánh đổi thứ quý giá nhất là mạng sống của chính mình... Cuộc đời của "siêu điệp viên" hai mang Aldrich Ames là một minh chứng. Sau hơn 40 năm làm hai mang cho cả KGB và FBI, hiện đang yên vị trong một nhà lao tuyệt mật làm bạn với bóng tối và chuột, cựu điệp viên ngoại thất tuần này mới ngẫm ra rằng: "Gieo nhân nào ắt gặp quả ấy".

Thế giới - Điệp viên được trả lương cao nhất thế giới 'nhờ'bán đứng đồng nghiệp

Điệp viên hai mang Aldrich Ames bị bắt giữ.

Aldrich Ames sinh ra ở River Falls (Wisconsin, Hoa Kỳ) năm 1941. Cha ông vốn là một giảng viên đại học có tiếng tại địa phương, mẹ là giáo viên tiếng Anh. Là con trai cả và độc nhất trong nhà nhưng Aldrich Ames không nối nghiệp bố mà có niềm đam mê đặc biệt với nghề điệp viên. Năm 1957, khi vừa tròn 16 tuổi, Ames đã bỏ học để gia nhập vào thế giới của những người "hoạt động ngầm". Tuy làm việc trong văn phòng của CIA nhưng thời gian này, cậu nhóc Ames chỉ được giao phân tích hồ sơ cấp thấp, đánh dấu tài liệu để lưu hồ sơ. Công việc tưởng chừng vô cùng nhàm chán ấy lại tạo lỗ hổng để sau này khi đã thành điệp viên kỳ cựu, ông dễ dàng tiếp cận những hồ sơ tuyệt mật.

Năm 1962, dưới sự hậu thuẫn của cha, Aldrich Ames chính thức trở thành điệp viên biên chế Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Cuộc đời ông bước sang trang mới với lời thề danh dự sẵn sàng hi sinh để phụng sự đất nước. Khi được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận chống tình báo trong các chiến dịch chống Liên Xô năm 1983, Ames đã tìm thấy vô số tài liệu về các nhân viên CIA đang làm việc tại Nga. Khi đó, người vợ của Ames vướng phải một khoản nợ không thể trả nổi và vụ ly hôn với vợ khiến ông rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

Một thương vụ dàn xếp bí mật đã diễn ra. Sau thời điểm đó, Ames trở thành điệp viên của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB). Sau này, đặc vụ kỳ cựu Ames thừa nhận rằng ông cần khoảng 50.000 USD để trả nợ và KGB đã sẵn sàng móc hầu bao trả cho các mật vụ CIA số tiền tương đương để có được ông trong hàng ngũ. Thực tế, lần đó, Ames đã bán thông tin về một số điệp viên đầu mối "cò con" của CIA cho KGB để lấy lòng. Nể phục sự am hiểu tường tận cả CIA và FBI của Ames, KGB đã quyết tâm chiêu mộ bằng được nhân vật này. Cũng từ đây, Ames trở thành gián điệp hai mang cho cả hai tổ chức tình báo hàng đầu thế giới.

Dù thuộc lòng lời thề phụng sự quốc gia nhưng Aldrich Ames làm điệp viên chỉ vì muồn kiếm thật nhiều tiền. Ông đã tiết lộ danh tính của tổng cộng 25 điệp viên CIA, 10 trong số họ đã bị kết án tử hình. Ames cũng trở thành điệp viên được trả lương cao nhất thế giới, nhận được 4,6 triệu USD. Mức thu nhập này đảm bảo cho ông và nhân tình tại Colombia sống một cuộc sống vương giả mà các điệp viên CIA cùng thời có mơ cũng chẳng được.

"Làm tiền" trong "cuộc chơi" giữa KGB và CIA

Có thừa những mánh khóe trong nghề nghiệp, Aldrich Ames hoạt động vô cùng thận trọng, cẩn mật. Ông ta luôn tự tin cho rằng ngay cả trong trường hợp có một điệp viên KGB nào đó bội phản, cơ quan an ninh Mỹ cũng không thể lần ra mình vì khi liên lạc ông ta không bao giờ dùng tên thật và cũng không bao giờ gặp trực tiếp một điệp viên KGB nào. Tuy nhiên, "nhân vô thập toàn", chỉ tiếc rằng khi biết được điều này, ông ta vĩnh viễn mất đi cơ hội làm lại.

Để kiếm được những khoản thù lao kếch sù, Aldrich Ames đã bán những tài liệu thu thập được từ phía CIA cho lực lượng KGB. Trong những phi vụ giao dịch này, Ames không bao giờ xuất đầu lộ diện. Ông thường lấy mật danh là "người vô danh". Trong một bức thư sau này CIA thu giữ được có viết: "Kính gửi ngài Cherkashin (bí danh của một đặc vụ KGB)! Không lâu nữa, tôi sẽ gửi cho một thùng tài liệu cho ngài Degtyar (Đại tá KGB). Đó là những thông tin tình báo nhạy cảm nhất, được bảo mật nhất của cộng đồng tình báo Mỹ. Tất cả đều là bản gốc để kiểm chứng tính sát thực của nó. Hãy xem xét tới lợi ích lâu dài của chúng ta với cái nhìn không bị hạn chế bởi sự hào nhoáng bên ngoài. Từ những gì được biết, tôi tin rằng một sĩ quan kinh nghiệm như ngài có thể xử lý vấn đề một cách đúng đắn. Tôi cũng tin rằng số tài liệu đó đủ giá trị để các ông trả cho tôi 100.000 USD".

Không lâu sau, theo lời chỉ dẫn của "người vô danh", một nhân viên KGB tới địa điểm quy ước lấy tài liệu. Mở ra, Cherkashin không tin vào mắt mình: Tất cả đều là những tài liệu tuyệt mật của tình báo Mỹ. Để trả công, KGB đã gửi cho "người vô danh" 50.000 USD toàn tờ mệnh giá 100 USD. Vài ngày sau họ nhận được bức thư trả lời, cảm ơn về khoản tiền 50.000 USD. "Người vô danh" yêu cầu phải cho kênh liên lạc duy trì được giá trị của ông ta trong thời gian dài và đảm bảo an ninh cho mối quan hệ giữa hai bên ngay từ đầu.

Chưa đầy 5 tháng sau khi Ames tới thẳng Đại sứ quán Liên Xô ở Oasinhtơn đặt vấn đề đổi bí mật lấy tiền, bán đứng Cục tình báo Liên bang Mỹ, nay KGB lại có thêm một điệp viên lợi hại không kém. Họ đặt cho điệp viên mới này mật danh "Ramon". Tuy nhiên, cả hai phe đều chẳng ai ngờ, nhân vật vô danh này chính là "đặc vụ hai mang" Aldrich Ames. Nhân vật bí mật này đã "làm tiền" trong "cuộc chơi" đầy mạo hiểm với cả KGB và CIA.

Đến năm 1990, sau những thất bại không rõ nguyên nhân, CIA bắt đầu nghi ngờ có một "nốt ruồi" trong lực lượng mình. Trước đó, một nhân viên đồng nghiệp đã báo cáo lên thượng cấp rằng, Ames và gia đình đang sống trong vương giả, ăn chơi không tiếc tiền. Năm 1993, CIA bắt đầu chiến dịch theo dõi toàn diện Ames bằng cách giám sát hệ thống thư điện tử, cài đặt thiết bị theo dõi trong xe hơi, thử "máy nói dối"... Cuối cùng, Ames bị FBI bắt năm 1994.

Tại phiên tòa xét xử, Ames thừa nhận đã làm tổn hại cả hai cơ quan tình báo KGB và CIA, cung cấp cho phía Liên Xô rất nhiều tài liệu tuyệt mật liên quan đến an ninh, quốc phòng của Mỹ... Người ta ước tính rằng, Ames đã cung cấp tài liệu cho Liên Xô dẫn đến sự thỏa hiệp hơn 100 hoạt động tình báo của Mỹ. Đặc vụ này bị kết án tù chung thân và hiện đang bị giam tại một nhà tù được đảm bảo an ninh tối đa tại Pennsylvania.

Để minh chứng cho giá trị bản thân, "người vô danh" còn thông báo cho Cherkashin biết việc 3 điệp viên KGB, gồm Sergey Motorin, Valeriy Martynov và Boris Yuzhin đã trở mặt, làm việc cho người Mỹ. Nhờ sự cảnh báo này, KGB nhanh chóng có biện pháp đối phó với sự phản bội của 3 điệp viên trên, giảm thiểu tổn thất cho lực lượng. Ba năm sau, với tội hoạt động gián điệp cho Mỹ, Motorin và Martynov bị tuyên án tử hình, Yuzhin phải bóc lịch 15 năm trong một nhà tù ở Siberia. Trong bức thư, "người vô danh" khẳng định, ông ta sẽ không bao giờ tiết lộ thân phận thật của mình cũng như gặp một gián điệp viên Xô Viết nào. Ông ta cung cấp mã đơn giản chứa ngày, địa điểm liên lạc để nhân viên KGB đến lấy tài liệu và yêu cầu "đối tác" phải tuân thủ.

Anh Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.