Liên quan đến hiện tượng vi khuẩn lam (tảo lam) phát triển bùng nổ ở Hồ Gươm làm cho mặt nước hồ ở nhiều vị trí ven bờ chuyển màu xanh khác lạ, đại diện công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết: Sẽ cho công nhân tiến hành vớt thủ công.
Cũng theo vị này, cuối năm 2017, trước khi tiến hành nạo vét, cải tạo môi trường Hồ Gươm, đơn vị đã lấy nước ở đây mang đi để nuôi cấy một loài tảo lục.
Vị đại diện công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết thêm, không chỉ Hồ Gươm, mà bất kỳ hồ nào sau khi cải tạo môi trường, nạo vét bùn đều có hiện tượng các loài thực vật phù du, rêu, tảo phát triển mạnh. Đồng thời, sau cải tạo, nước trong hồ cũng chưa trở lại màu xanh như cũ.
Do đó, tuần trước đơn vị đã cấy loài tảo lục xuống tầng đáy của Hồ Gươm nhằm đưa nước hồ trở lại màu xanh như trước. Sau khi loài tảo lục phát triển sẽ dần “tiêu diệt” loài tảo lam.
Vị đại diện này còn khẳng định, tảo lam xuất hiện ở Hồ Gươm như vậy “không đáng ngại”, vì số lượng đang giảm dần, chỉ một thời gian nữa là biến mất.
Trước đó, qua khảo sát trực tiếp tại Hồ Gươm, GS.TSKH Dương Đức Tiến, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về tảo nhận định: Vi khuẩn lam không có lợi, nếu tiếp xúc nhiều về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy, cần có phương án chủ động thu gom lại vi khuẩn này, hạn chế sự phát triển của chúng.
Theo ông Tiến, trong Hồ Gươm có hàng trăm loài vi tảo, do đó việc phát triển cần có sự chọn lọc. Đối với những loài đặc hữu thì nên giữ còn loại tảo độc nên loại bỏ.