Theo quy chế, thí sinh chỉ có một cơ hội duy nhất điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến hoặc trực tiếp, vì thế, cần cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.
Trước khi ra quyết định ảnh hưởng đến cả cuộc đời của mình, nhiều thí sinh vẫn còn lo lắng, băn khoăn và gửi nhiều câu hỏi đến ban Giáo dục - báo điện tử Người Đưa Tin.
Với vai trò là viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội, cũng là người trực tiếp tham gia công tác tuyển sinh đại học năm nay, PGS.TS Tạ Hải Tùng đã đưa ra các phân tích thực tiễn, nhận định và lời khuyên dành cho các sĩ tử đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời.
"Hiện nay, tôi thấy phương án xét tuyển của chúng ta khá nhân văn: Đặt ưu tiên về phía người học rất cao.
Nghĩa là, các thí sinh sẽ được tuyển từ nguyện vọng mà các em yêu thích nhất và nếu đạt được rồi thì không tham gia xét tuyển nữa. Còn lại, trong từng các đợt xét tuyển, em nào điểm cao sẽ trúng tuyển, không quan trọng thứ tự nguyện vọng số bao nhiêu. Như vậy, các em sẽ không bị thiệt thòi nếu điểm cao mà vẫn bị trượt", PGS.TS Tạ Hải Tùng phân tích.
Ông Tùng lưu ý các thí sinh nên ưu tiên nguyện vọng vào các ngành nghề yêu thích: "Nếu ngành học các em yêu thích có thể dự đoán điểm chuẩn có thể cao hơn so với kết quá thi khoảng 0,5 điểm thì cũng nên đăng ký, vì tất cả chỉ là dự kiến. Nếu trúng tuyển, đó có thể là một món quà bất ngờ. Nhưng đừng quên các em vẫn có phương án chắc chắn đỗ".
Tuy nhiên, vị PGS.TS cũng đưa ra một thực trạng tại các trường THPT hiện nay: "Tôi nhận thấy công tác hướng nghiệp tại trường THPT của chúng ta chưa được tốt, học sinh còn bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Thực ra có rất nhiều ngành nghề hay nhưng các em chưa nhận ra, vì ở phổ thông rất khó nói là lĩnh vực đó hay như thế nào.
Điển hình như tuyển sinh ngành công nghiệp hiện nay - có thể kỹ thuật công nghiệp của chúng ta trước đây chưa phát triển nên người dân chưa nắm rõ lao động ngành công nghiệp cần điều gì, đa phần họ chỉ thấy ngành công nghệ thông tin là dễ xin việc nên họ đổ xô vào.
Với cá nhân tôi, tôi nghĩ ngành nghề nào cũng đáng trân trọng đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước đang chuyển mình từ gia công đơn thuần sang sản xuất, thì các ngành nghề khác ít người biết tới như kỹ thuật nhiệt, kỹ thuật vật liệu… đều tốt cả".
Ngoài ta, ông Tạ Hải Tùng cũng có một góc nhìn tích cực hơn nếu thí sinh không trúng tuyển vào các ngành nghề mà các em yêu thích ở cấp phổ thông. "Đó không phải là thảm họa, mà khéo lại mở ra một cánh cửa có triển vọng tốt không kém. Các em lại được lựa chọn dễ hơn vì điểm chuẩn không quá cao như các ngành "hot"".
"Và câu chuyện nữa là gì? Chúng ta có thể chưa hiểu hết về các ngành nghề, thế nên đừng đặt nặng quá là ngành nghề này tốt, ngành nghề này không tốt. Điều quan trọng nhất đối với mỗi lao động là phải giỏi nghề.
Nếu các em giỏi nghề, nhất là giỏi những nghề có vẻ không “hot” thì khi ra trường lại vừa giỏi vừa tinh thì lương có thể còn cao hơn cái người học ngành “hot” nhưng học hành lại không ra đâu và ra đâu", PGS.TS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.
Nguyễn Quốc (thực hiện)