Chưa có phác đồ điều trị bệnh “mồ hôi máu”
Ngày 29/8, bác sĩ Nguyễn Thế Toàn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho biết: Đến giờ bệnh viện vẫn chưa có phác đồ điều trị đối với bé H.T.Q.N. (11 tuổi; ngụ TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) mắc bệnh hiếm gặp đổ "mồ hôi máu".
"Mỗi lần bé N. căng thẳng hay lo âu việc gì là bị vỡ mạch máu. Theo tôi được biết, bệnh này ở Việt Nam rất hiếm gặp, trên thế giới cũng ghi nhận rất ít trường hợp mắc bệnh tương tự. Do chưa có phác đồ nên hiện nay chúng tôi chỉ điều trị các triệu chứng, giảm lo âu, căng thẳng cho bé N.", bác sĩ Toàn thông tin với báo Người lao động.
Theo ông H.V.T. (40 tuổi, cha của bé N.), bé N. là con giữa, tình trạng toát "mồ hôi máu" chỉ mới xuất hiện trong khoảng 3-4 tháng gần đây, khi cháu đang ôn thi học kỳ II lớp 5. Gia đình đưa N. đi khám ở bệnh viện tỉnh Gia Lai nhưng các bác sĩ đành bó tay vì chưa gặp bệnh này bao giờ.
“Khi mệt mỏi, căng thẳng thì cháu bị ra “mồ hôi máu”. Khi đó da mặt cháu thường căng, kèm theo biểu hiện đau đầu. Có ngày tình trạng này xảy ra 3-4 lần, nhiều khi cháu vận động đi lên cầu thang hay vận động ngoài trời nắng, mặt toát mồ hôi có màu đỏ”, ông T. cho biết.
Cũng theo ông T., gia đình, dòng họ ông chưa có ai bị bệnh tương tự nên gia đình rất lo lắng đưa cháu vào bệnh viện Nhi Đồng 2 để khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm da, uống thuốc theo đơn đúng 1 tháng nhưng không khỏi.
Sau đó, gia đình lại đưa cháu N. đi khám tại bệnh viện Huyết học và được giới thiệu qua bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tuy nhiên, ở đây cháu N. cũng được chẩn đoán viêm da, uống thuốc theo đơn.
Sau 1 tháng uống thuốc, bệnh không khỏi, gia đình tiếp tục đưa xuống bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa để khám và điều trị.
Chưa biết nguyên nhân, cơ chế bệnh
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ với báo Thanh Niên: Bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhi mắc phải tình trạng mồ hôi máu (không phải bé H.T. Q.N ở Gia Lai - PV).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đổ mồ hôi có màu như máu. Bình thường, bé vẫn đổ mồ hôi thông thường, chỉ khi lo lắng, hoảng sợ bé mới đổ "mồ hôi máu".
“Khi người nhà đưa bé vô khám, bác sĩ nhìn thấy cũng hoang mang vì chưa bao giờ gặp trường hợp bệnh lý như thế. Ban đầu tôi cũng nghi ngờ, không biết có phải bệnh thật hay không. Nhưng qua thăm khám và lấy mồ hôi của bệnh nhân xét nghiệm thì phát hiện có hồng cầu người. Đặc biệt, những vị trí tiết dịch mồ hôi nhiều thì có mật độ hồng cầu nhiều hơn”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Theo bác sĩ Tuấn, trong y văn, các sách vở học thuật không có tài liệu về bệnh lý này. Khi tiếp nhận trường hợp bệnh nhân, qua tra cứu trên mạng, bác sĩ mới thấy báo chí quốc tế cũng đưa một vài trường hợp có triệu chứng mô tả giống vậy.
Chính vì vậy, việc chẩn đoán, điều trị bệnh hiện dựa theo đánh giá của bác sĩ về tình trạng bệnh nhân, chứ không thể biết nguyên nhân, cơ chế bệnh và không thể điều trị khỏi.
Lo lắng, hoảng sợ dẫn đến đổ “mồ hôi máu”
Bác sĩ Tuấn nhận định bệnh đổ “mồ hôi máu” có thể liên quan đến nội tiết, máu, thần kinh và có thể có yếu tố liên quan đến gia đình. Như trường hợp bệnh nhi nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, nhà có hai chị em đều bị “mồ hôi máu”.
“Bệnh lành tính, không lây, không ảnh hưởng đến các cơ quan, chức năng khác trong cơ thể”, bác sĩ Tuấn đánh giá.
Trường hợp ra “mồ hôi máu” nhiều có thể có nguy cơ thiếu máu nhưng theo bác sĩ, nguy cơ này không cao vì lượng hồng cầu thoát ra qua dịch tiết mồ hôi rất ít. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn điều trị phòng ngừa thiếu máu cho bệnh nhân bằng thuốc bổ sung sắt và qua thực phẩm.
Bệnh có thể là bẩm sinh nhưng không bộc phát triệu chứng từ đầu mà đến giai đoạn thay đổi nào đó của cơ thể, tâm sinh lý thì mới biểu hiện triệu chứng.
“Việc lo lắng, hoảng sợ có thể ảnh hưởng đến thay đổi hệ tuần hoàn, nội tiết, làm dãn mao mạch, thành mao mạch yếu khiến hồng cầu thoát ra theo mồ hôi”, bác sĩ Tuấn nhận định.
Hiện tại, bệnh nhân “mồ hôi máu” chỉ có thể được điều trị về dịch tiết, máu và tâm lý; dùng thuốc giúp tăng sức bền của thành mạch.
Phong Linh (tổng hợp)