Năm 1975, thành phố An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc tiến hành quy hoạch lại, đất hoang được khai khẩn để phục vụ cho việc xây dựng các đô thị mới.
Trong quá trình san lấp mặt bằng một khu đất hoang ở phía tây thôn Tiểu Đồn (thành phố An Dương) các công nhân đã vô tình đào trúng một lăng mộ cổ. Sau khi khai quật, các nhà khảo cổ vô cùng bất ngờ khi biết chủ nhân ngôi mộ có thân phận vô cùng cao quý.
Không phải là một thành viên hoàng tộc bình thường, người này chính là nữ tướng quân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc với chiến tích lừng lẫy sánh ngang Tần Thủy Hoàng.
Nàng tên Phụ Hảo (Fu Hao), sống ở thời nhà Thương. Trong xã hội mà đàn ông mới có tiếng nói, Phụ Hảo đã trở thành người phụ nữ được xem trọng, có địa vị mà những phụ nữ khác hằng mong ước.
Phụ Hảo sống ở thời vua Vũ Đinh, nhà vua trị vì nhà Thương trong giai đoạn 1250 TCN – 1192 TCN. Vũ Đinh là vị vua thứ 22 của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc. Theo sử liệu, Vũ Đinh liên minh với các bộ lạc lân cận bằng cách cưới phụ nữ của mỗi bộ lạc. Do đó, ông có rất nhiều vợ và Phụ Hảo là một trong 60 phi tần của ông.
Vũ Đinh là một minh quân, là người có tư tưởng vô cùng văn minh, tiến bộ, không coi trọng xuất thân sang hèn, không trọng nam khinh nữ. Chính vì thế, ông đã chấp nhận để Phụ Hảo chỉ huy đại quân của nhà Thương. Bà từng thống lĩnh quân đội giành nhiều thắng lợi trước kẻ thù, bao gồm cả Khương Phương, bộ lạc đối địch mạnh nhất lúc bấy giờ. Phụ Hảo cũng dẫn đầu chiến dịch quân sự đánh thắng bộ lạc Thổ Phương, Ba Phương và Đông Di.
Trong trận đánh với Ba Phương, Phụ Hảo dẫn quân bày trận mai phục, chờ quân của vua Vũ Đinh đánh đuổi Ba Phương vào trong vòng mai phục, lập tức xông ra tấn công tiêu diệt, lập được chiến công lẫy lừng. Đây được coi là trận phục kích được ghi chép sớm nhất trong lịch sử Trung Quốc. Những chiến công của nữ tướng xinh đẹp Phụ Hảo được giới sử gia đánh giá là sánh ngang với Tần Thủy Hoàng.
Nhờ tài trí và sự can trường của Phụ Hảo, Vũ Đinh đã rất thành công trong việc mở rộng lãnh thổ của nhà Thương, giúp đất nước trở nên hùng mạnh.
Không chỉ giới hạn trong khía cạnh quân sự, Phụ Hảo còn chủ trì các hoạt động tế tự quan trọng, tham gia cúng tế tổ tiên, thần thánh, đất, trời… Bà qua đời trước vua Vũ Đinh và được an táng tại lăng mộ nguy nga, nay ở An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Được phát hiện vào năm 1976, lăng mộ của Phụ Hảo là một trong những di chỉ nguyên vẹn nhất dưới thời nhà Thương. Bên trong lăng mộ các chuyên gia tìm thấy vô số cổ vật bao gồm đồ đồng, ngọc bích, đá quý và ngà voi, tổng cộng 1928 bảo vật vô giá. Đặc biệt, những bảo vật được chế tác tinh xảo này đều được khắc tên “Phụ Hảo”.
Tuy nhiên điều khiến các nhà khảo cổ sửng sốt nhất là 16 hài cốt được chôn bên trong lăng mộ. Sau khi tiến hành giám định, nhóm nghiên cứu bàng hoàng phát hiện họ đã bị chôn sống để tháp tùng Phụ Hảo trong hành trình sang thế giới bên kia. Đây là hủ tục tàn nhẫn thời cổ đại ở Trung Quốc.
Đáng nói trong số 16 bộ xương, có 4 bộ xương là của trẻ em. Phụ Hảo qua đời khi còn quá trẻ, khi mới chỉ ngoài 30 tuổi, chưa có con cái. Vua Thương vô cùng đau đớn, tiếc thương người vợ tài giỏi vô song nên đã bắt cả trẻ em phải tuẫn táng theo nàng. Điều này khiến các nhà khảo cổ cảm thấy vô cùng xót xa.
Minh Hoa (t/h)